Lực lượng lao động khu vực nông thôn ở nước ta hiện nay chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động. Trên phạm vi cả nước, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết năm 2023, lực lượng lao động có 52,4 triệu người, trong đó lực lượng lao động ở khu vực nông thôn là 32,9 triệu người (chiếm 62,7%). Ở Nghệ An, địa phương có quy mô lao động đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ với 2.230.474 người, lao động khu vực nông thôn cũng chiếm tới hơn 80%. Chiếm ưu thế về số lượng song chất lượng lao động khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập. Thực trạng đó kéo theo sự bấp bênh về thu nhập, sự tụt hậu trong phát triển của cư dân và khu vực nông thôn. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng lao động khu vực này.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW.

Từ chỗ ban đầu chỉ có một số mô hình, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, đến nay cả nước đã có gần 10 triệu lao động ở nông thôn được học nghề, trong đó, gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. Ở Nghệ An, với mạng lưới giáo dục nghề nghiệp khá đồ sộ (54 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có tham gia đào tạo nghề nghiệp), thực hiện các chính sách của Trung ương và chính sách riêng của tỉnh, giai đoạn 2011 - 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 687.477 lao động nông thôn (chiếm 76,18% tổng số người được đào tạo nghề của tỉnh). Lao động nông thôn sau học nghề đã nâng cao hơn kiến thức, kỹ năng tay nghề để áp dụng vào thực tiễn, từng bước đưa khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Tiêu biểu, nhiều lao động nông thôn sau đào tạo nghề đã thành lập được trang trại, hợp tác xã không những làm giàu cho bản thân mà còn tạo ra nhiều việc làm, đem lại thu nhập khá cho lao động địa phương. Về  Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, theo Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, xã nông thôn mới đạt chuẩn quy định về tiêu chí lao động qua đào tạo là 319 xã (đạt 77,61%), xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn quy định về tiêu chí lao động qua đào tạo là 160 xã (đạt 38,93%). Đến cuối năm 2025, ước tính kết quả này lần lượt là 85% và 50%, đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Lao động nông thôn học nghề cơ khí tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An

Mặc dù vậy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển. Chỉ thị của Ban Bí thư chỉ rõ: một số chỉ tiêu đề ra chưa đạt; lao động nông thôn chủ yếu được học nghề ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, chất lượng đào tạo còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề còn nhiều bất cập; hoạt động hỗ trợ người dân sau học nghề chưa được triển khai hiệu quả...Hiện cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo, chủ yếu trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Những hạn chế trên kéo theo nền kinh tế khu vực nông thôn và đời sống người dân khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, cách khá xa so với khu vực thành thị. Theo Tổng cục Thống kê, quý I năm 2024, thu nhập bình quân của lao động khu vực nông thôn chỉ đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng, trong khi khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/người/tháng. Ở những vùng kinh tế - xã hội có nhiều lao động chưa qua đào tạo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì thu nhập bình quân của lao động còn thấp hơn nhiều.

Nghệ An thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vượt chỉ tiêu đề ra (110%). Tuy nhiên, cơ cấu trình độ đào tạo chưa hợp lý, chủ yếu là sơ cấp và dưới 3 tháng, chiếm đến 80,9%, còn trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 19,1% trên tổng số tuyển sinh đào tạo. Thực trạng chung vẫn là lực lượng lao động nông thôn phần lớn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Lực lượng lao động bổ sung hằng năm lớn song số lao động thiếu việc làm còn nhiều. Và lực lượng lao động nông thôn nếu được tuyển dụng vào ngành phi nông nghiệp hầu hết phải đào tạo lại hoặc làm trái nghề đào tạo.

Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu “đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Nội dung cốt lõi của đổi mới công tác đào tạo là cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Không dừng lại chỉ bó hẹp ở ngành nghề nhất định, đào tạo phải bao gồm cả về đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo. Phương thức đào tạo coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo; nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với đặc điểm địa phương, người học; gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ  tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng với quá trình đô thị hóa, già hóa dân số và biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Các giải pháp thúc đẩy công tác này đó là xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề và việc làm của người dân; hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng vùng, địa phương; xây dựng chính sách tạo đột phát trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là những ngành nghề, những nơi có điều kiện...

Các lao động ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) được tư vấn, giới thiệu việc làm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 270-KH/TU ngày 20/8/2024 thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư. Ngoài đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, những thành tựu trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh thời gian qua dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Theo dự báo, giai đoạn 2025 - 2029, nhu cầu này có thể lên tới khoảng gần 99.000 lao động. Với lợi thế về số lượng, đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả đào tạo để nâng cao chất lượng lao động nông thôn là yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay. Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu Hội đồng nhân dân tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện; bảo đảm ngân sách nhà nước cho việc đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh./.