z5928737511355-d399e7670b0ce7da5fbe3dc0ac8e1b6d-758-839.jpg
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV

“Thông lệ”, một nhiệm kỳ Quốc hội có 11 kỳ họp thì Kỳ họp thứ Nhất và Kỳ họp thứ Mười một không hoạt động chất vấn. Và theo Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành (gọi tắt là Luật Hoạt động giám sát) thì có hai loại hình hoạt động chất vấn gồm: chất vấn theo nhóm vấn đề tại 7 kỳ họp và chất vấn tổng thể (giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp thứ 6 và cuối nhiệm kỳ, tại kỳ họp thứ 10). Để tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động chất vấn của Quốc hội thì rất cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát.

Sửa đổi việc lựa chọn vấn đề và nhóm vấn đề chất vấn

Trước hết cần lưu ý rằng, các bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay được tổ chức theo mô hình bộ đa ngành, gồm rất nhiều lĩnh vực trong một bộ. Và một trong những phương châm hoạt động chất vấn là đi tới tận cùng của mỗi vấn đề. Nếu xác định nhóm vấn đề có nội hàm quá rộng, gồm nhiều vấn đề lớn thì chất vấn sẽ rời rạc, trả lời sẽ tản mạn, trong thời lượng hạn hẹp rất khó có thể mỗi vấn đề đều đi đến tận cùng.

Để lựa chọn tốt nhóm vấn đề chất vấn, ở khoản 2 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát khi sửa đổi nên quy định một số nguyên tắcđể Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội lựa chọn:

Nguyên tắc 1 là: số lượng nhóm vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh bị chất vấn (thực tế các nhiệm kỳ gần đây cho thấy, thời lượng dành cho một chức danh, thấp nhất là 2 giờ 30 phút, cao nhất là 3 giờ 40 phút); trung bình là 3 giờ. Nội dung nhóm vấn đề chất vấn phải được xử lý gọn trong khung giờ này.

Nguyên tắc 2 là: các vấn đề được lựa chọn chất vấn đối với mỗi chức danh trả lời chất vấn chỉ trong một hoặc hai lĩnh vực (ví dụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn thì không nên cùng một lần chất vấn tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới...).

Nguyên tắc 3 là: lựa chọn những vấn đề bức xúc nhất hiện tại, hoặc tồn đọng lâu ngày không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.

Đối với hoạt động chất vấn tổng thể, có thực trạng là, thường sau nửa nhiệm kỳ chất vấn theo nhóm vấn đề thì gần như toàn bộ các vấn đề kinh tế - xã hội đều đã được đưa lên nghị trường, nên khi tái chất vấn tổng thể thì sẽ có phần tản mạn do nội dung các chất vấn khác biệt nhau xa. Ở Khóa XIV, lần chất vấn tổng thể cuối cùng, loạt đại biểu chất vấn thứ 13 có 7 đại biểu hỏi thì 7 nội dung hoàn toàn khác nhau, đó là: cây trái có múi ở miền trung; thẻ vàng khai thác hải sản IUU; phòng, chống Covid-19; người chịu trách nhiệm về thủy điện Đắk Mil; chi ngân sách cho khoa học nông nghiệp; điện lưới địa phương; và nguồn lực cho chính sách dân tộc.

“Chất” nào thì “Vấn” đó, nội dung khác nhau thì người trả lời khó có thể diễn giải thấu tình, đạt lý trong điều kiện 3 phút cho một chất vấn. Do đó, để nâng cao chất lượng Vấn và Đáp trong chất vấn tổng thể thì cần hệ thống hóa, phân loại các vấn đề trong các nghị quyết và trong các chuyên đề đã giám sát theo lĩnh vực và lựa chọn một số vấn đề theo các tiêu chí: là những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước, chi phối mạnh đến sản xuất và đời sống xã hội mà người bị chất vấn đang phải đảm trách; là những vấn đề bức xúc nhưng dư luận cho rằng ít có chuyển biến tích cực; là những vấn đề liên bộ, liên ngành thường bị “bỏ trống trận địa”. Các tiêu chí này cần được bổ sung vào khoản 8 Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát.

Cần bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu chất vấn

Luật Hoạt động giám sát hiện hành mới chỉ quy định trình tự chất vấn và trả lời chất vấn, mà chưa quy định nội dung và trách nhiệm của đại biểu có quyền chất vấn.

Đối với đại biểu chất vấn, tại điểm a, Khoản 3 Điều 15 đã quy định “Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể”. Luật quy định rất cô đọng, nhưng từ thực tiễn hoạt động chất vấn nhiều khóa cho thấy, cần được nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của đại biểu tham gia hoạt động chất vấn.

Thực tế có trường hợp chưa có sự chuẩn bị thấu đáo đã chất vấn, nội dung chất vấn khác xa với sự thật được trả lời, gây bức xúc dư luận xã hội (khi tường thuật trực tiếp). Lại có trường hợp thiếu thông tin cần thiết về một lĩnh vực nên đại biểu sử dụng chất vấn để lấy thông tin bằng cách chất vấn ra ngoài nhóm vấn đề chất vấn để Chủ tọa điều hành yêu cầu người bị chất vấn trả lời bằng văn bản. Lại có trường hợp, nội dung chất vấn không thuộc phạm vi lãnh đạo, điều hành của người bị chất vấn...

Các trường hợp trên đều không đúng với nội hàm chất vấn mà Luật Hoạt động giám sát đã quy định tại khoản 7 Điều 2, đó là, “Chất vấn là việc đại biểu nêu vấn đề thuộc trách nhiệm (của những người trả lời chất vấn) và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu”. Bởi vậy, Luật sửa đổi, bổ sung lần này cũng cần quy định những yêu cầu đối với nội dung câu chất vấn và quy định rõ trách nhiệm của đại biểu đối với câu chất vấn. Yêu cầu đó là: Đại biểu phải nắm vững phạm vi quản lý, điều hành, trách nhiệm quản lý nhà nước của người bị chất vấn để gửi câu chất vấn. Nội dung chất vấn phải đúng thực trạng và đúng trách nhiệm của người bị chất vấn. Cấu trúc câu hỏi phải bảo đảm người bị chất vấn phải trả lời đúng ý đại biểu hỏi (không có cơ hội nói việc khác để lảng tránh nội dung hỏi) và phải gắn chặt với trách nhiệm của người bị chất vấn.

Cần luật hóa quyền tranh luận của đại biểu trong chất vấn

Điều 15 và 26 Luật Hoạt động giám sát hiện hành đã quy định, đại biểu được phép mang vật chứng tới phiên chất vấn. Về quy định này, ở Quốc hội thì chưa có, nhưng ở Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thì đã có một số trường hợp. Đề nghị sửa quy định này là chỉ mang phim ảnh, video clip, còn vật chứng thì phải có điều kiện không có khả năng phát tán dịch bệnh nguy hiểm, làm ô nhiễm nơi cơ quan dân cử làm việc.

Quyền tranh luận là vấn đề mới xuất hiện, là “đặc sản” của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV và XV. Tác dụng tích cực của tranh luận đã được thừa nhận. Riêng trong hoạt động chất vấn chỉ được tranh luận giữa đại biểu có chất vấn với chức danh bị chất vấn (khác với trong thảo luận kinh tế - xã hội, thảo luận xây dựng luật và thảo luận các dự án, đề án khác... là giữa các đại biểu có thể tranh luận với nhau). Vì vậy cũng nên “luật hóa” quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội trong thảo luận, trong đó có quyền tranh luận trong hoạt động chất vấn.

Một trong những đặc điểm của chất vấn tổng thể là hầu như tất cả các chức danh đứng đầu trong bộ máy nhà nước đều phải trả lời chất vấn, bởi vậy kết quả của chất vấn sẽ phục vụ đắc lực cho hoạt động giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy cần quy định chất vấn tổng thể phải được tiến hành trước lấy phiếu tín nhiệm để phát huy hiệu lực, hiệu quả của hoạt động chất vấn.

Chúng ta hy vọng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động chất vấn trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát sẽ đem lại hiệu lực và hiệu quả cao hơn nữa, thiết thực hơn nữa, góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực của đất nước.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội