Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Nghệ An có diện tích 16.481,4km2, lớn nhất cả nước; dân số khoảng 3,4 triệu người, đứng thứ 3 toàn quốc. Xét về quy mô kinh tế, GRDP chiếm 1,64% GDP cả nước, đứng thứ 10 toàn quốc. Tuy xếp thứ 10, nhưng quy mô kinh tế của Nghệ An nhỏ hơn khá nhiều so với phần lớn các địa phương thuộc top 10 nói trên. GRDP/người theo giá hiện hành năm 2020 là 43 triệu, đứng thứ 54 toàn quốc, cao hơn và bằng các tỉnh Nam Định, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Điện Biên, Lai Châu, Gia Lai.

Báo động hệ thống doanh nghiệp

Năm 2021, Nghệ An có gần 12.000 DN đang hoạt động, chiếm khoảng 1,4% tổng số DN hoạt động trên cả nước; trung bình chỉ có 3,5 DN/1.000 dân, chưa bằng ½ số bình quân chung cả nước. DN tư nhân chiếm hơn 99%; DNNN chỉ 0,5%; số còn lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài.

doanh-nghiep-na-60.jpgDây chuyền sản xuất tại nhà máy may ở Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Trong giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng số DN thành lập mới ở Nghệ An rất thấp, chỉ trung bình 1%, thấp một cách đáng ngạc nhiên so với bình quân chung của toàn vùng duyên hải Trung bộ là 6,8%; bình quân cả nước là 7,4%, bình quân của tỉnh láng giềng Thanh Hóa là 10%.

Trong khi đó, số rút khỏi thị trường lại rất lớn. Tỷ lệ số DN rút khỏi thị trường/số gia nhập thị trường là 61,3%, cao hơn bình quân chung của cả nước (46,5%) và của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (54%).

Đóng góp bất cân xứng

Về cơ cấu ngành nghề, DN nông lâm ngư nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 4% (chung cả nước 2%); DN chế tác chế tạo chiếm 10% (khoảng 13% trong cơ cấu chung của cả nước); DN xây dựng chiếm 23,6%, cao hơn nhiều so với cơ cấu DN chung cả nước (khoảng 12,6%); DN bán buôn, bán lẻ chiếm khoảng 29,4% (chung cả nước hơn 33%); DN cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm 3,7%, thấp hơn khá nhiều so với chung cả nước là hơn 8%; DN hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ chiếm khoảng 10%, cao hơn bình quân chung cả nước (chỉ 5,7%). Ngoài ra, số DN trong các ngành công nghệ thông tin và một số ngành mới nổi rất ít.

DN tạo ra chưa đầy 200 ngàn công ăn việc làm cho người lao động, tức chỉ bằng hơn 10% lực lượng lao động toàn tỉnh. Trong số đó, DN có vốn nhà nước chiếm 5%, có vốn FDI khoảng 13% và còn lại là tư nhân. Nói cách khác, so với số lượng lao động toàn tỉnh, DN tạo được quá ít công ăn việc làm. Cứ 10 người trong độ tuổi lao động, chỉ có 1 người làm việc tại DN.

Quy mô vốn thấp

Về quy mô vốn, vốn sản xuất kinh doanh trung bình của mỗi DN khoảng hơn 30 tỷ đồng (năm 2021). Khoảng 63% tổng số vốn kinh doanh (38.3857,7 tỷ đồng) tập trung vào các DN ở Vinh; phần còn lại phân bố cho khoảng 6.000 DN trên 20 huyện thị còn lại.

Tổng doanh thu năm 2020 của các DN Nghệ An là 225215,4 tỷ đồng; Doanh thu trung bình mỗi DN là 19,5 tỷ.

Về cơ cấu theo ngành nghề, DN nông nghiệp chiếm 5,5% (trong số 5,7% của ngành nông lâm ngư nghiệp); công nghiệp chế tác chế tạo 26%, xây dựng 12,7%; bán buôn, bán lẻ 38%, dịch vụ ăn uống và lưu trú chỉ 0,7%. Doanh thu DN trong ngành điện tử, máy vi tính, công nghệ thông tin hầu như không đáng kể, chỉ khoảng 1%.

Xét về quy mô lao động, DN dưới 10 lao động chiếm 73% tổng số DN. DN từ 200 lao động trở lên chỉ chiếm 1,15%.

DN có vốn dưới 500 triệu đồng chiếm 10,7%; có vốn từ 500 triệu đến 10 tỷ chiếm 63,4%; có vốn từ 10-50 tỷ chiếm 18,8% và DN có vốn trên 50 tỷ chiếm 7,1%.

Lợi nhuận rất thấp

Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động tại DN ở Nghệ An năm 2020 là gần 6,3 triệu đồng, trong đó tại DN có vốn nhà nước là 7,6 triệu, DN tư nhân hơn 6,3 triệu, và DN có vốn FDI 5,5 triệu. Tuy vậy, có một số ngành thu nhập của người lao động rất thấp, như dịch vụ du lịch, sản xuất xe có động cơ, sản xuất thiết bị điện... chỉ bằng hơn 1/3 so với thu nhập bình quân của DN trong tỉnh.

Lợi nhuận trước thuế của DN rất thấp, năm 2020 đạt 6.858 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu bình quân giai đoạn 2018-2020 chỉ 2,17%. DN trong một số ngành khai báo lỗ liên tục với quy mô lớn như khai khoáng, dệt may, chế biến gỗ, bán lẻ, dịch vụ kho bãi, dịch vụ ăn uống và lưu trú…

Ngoài ra, ở Nghệ An còn có hơn 155 ngàn hộ kinh doanh phi nông nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến...

Thu nhập thấp

Nghệ An là địa phương đất rộng, người đông. Tuy vậy, quy mô kinh tế nói chung còn rất nhỏ; GRDP đầu người thấp, và thuộc nhóm cuối trong số các tỉnh có thu nhập thấp.

Số DN mới thành lập hàng năm không cao; số đang hoạt động đến ngày 31/12/2020 là nhỏ so với dân số, so với diện tích của tỉnh. Thêm vào đó, tỷ lệ DN gia nhập thị trường/rút khỏi thị trường thuộc nhóm cao nhất trên cả nước.

nghe-an-61.jpgNghệ An là địa phương đất rộng, người đông nhưng quy mô kinh tế còn rất nhỏ

Quy mô DN nói chung rất nhỏ trên tất cả các tiêu chí: vốn kinh doanh, giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, doanh số, lao động và cả lợi nhuận trước thuế. DN có vốn FDI có vai trò nhỏ hơn nhiều so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và miền Đông Nam bộ.

Đa số DN tập trung hoạt động trong các ngành sử dụng lao động giản đơn, cần ít vốn như xây dựng dân dụng, thương mại bán buôn, bán lẻ. Điều đáng ngạc nhiên là số DN kinh doanh lưu trú, ăn uống chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhiều so với bình quân chung cả nước và nhiều địa phương khác. DN trong các ngành công nghệ thông tin và các ngành nghề thể hiện xu thế phát triển trong thời đại 4.0 là không đáng kể.

Về địa lý, phân bố DN hoàn toàn mất cân đối; hơn 50% số DN tập trung tại thành phố Vinh; và do đó, hơn 50% vốn đầu tư, doanh số, tài sản và số công ăn việc làm do DN tạo ra tập trung ở đây. Số DN ở các địa phương miền núi hầu như không đáng kể.

Về hiệu quả kinh doanh, tổng số lợi nhuận của DN còn khá khiêm tốn; tỷ suất lợi nhuận/vốn kinh doanh chỉ bằng chưa đầy 1/3 so với lãi suất tiết kiệm. Đáng lưu ý là DN ở một số địa phương và một số ngành báo cáo kinh doanh thua lỗ liên tục các năm gần đây, trong đó có một số ngành chế tác chế tạo, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, các ngành mới xuất hiện trong thời đại 4.0…

Số công ăn việc làm do DN tạo ra chiếm tỷ trọng nhỏ trong dân số ở độ tuổi lao động. Thu nhập bình quân của người lao động không cao; thậm chí thu nhập của người lao động trong DN ở một số ngành, địa phương rất thấp, chỉ bằng 1/3-1/2 số bình quân trong tỉnh.

Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải thường xuyên quan tâm

Thực trạng sơ bộ trình bày trên đây cho thấy cộng đồng DN Nghệ An nói chung và từng DN nói riêng còn rất yếu trên tất cả các mặt so với trung bình chung cả nước. Điều đáng nói thêm là, chưa thấy động lực nội tại và yếu tố bên ngoài hỗ trợ, thúc đẩy DN Nghệ An phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Để xác định được nguyên nhân của thực trạng nói trên, rất cần một nghiên cứu, điều tra, đánh giá sâu và toàn diện. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh ban hành một kế hoạch hành động với những giải pháp hợp lý, khả thi khắc phục các nguyên nhân, các nút thắt đối với phát triển cộng đồng DN của tỉnh nhà.

Tuy vậy, trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề xuất một số định hướng sơ bộ đối với phát triển DN Nghệ An cả về lượng và chất như sau:

Nghệ An phải xây dựng và thực thi một chương trình phát triển DN. Phát triển DN phải đặt trong tổng thể chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển các ngành kinh tế có lợi thế và phát triển kinh tế các địa phương (huyện, thị xã, thành phố).

Cải thiện mạnh mẽ, nhất quán môi trường kinh doanh; Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh phải thường xuyên quan tâm, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cá nhân và lãnh đạo tỉnh; liên tục theo dõi, đánh giá và chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ đạo xử lý các vấn đề, tháo bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh cuả người dân và doanh nghiệp. Phải đưa Nghệ An lên top 10, sau đó top 5 xếp hạng PCI của VCCI và duy trì thứ hạng đó trong nhiều năm liền.

Cần có điều tra, nghiên cứu, xác định nguyên nhân tốc độ tăng số DN thành lập mới ở Nghệ An thấp, và giảm trong mấy năm gần đây; trong khi đó, số DN ngừng hoạt động và giải thể lại tăng lên. Tại sao số DN xây dựng lại nhiều một cách khác thường so với địa phương khác và cả nước? Tại sao DN tại một số địa phương và một số ngành lại báo lỗ liên tục trong mấy năm gần đây? Tại sao một số ngành Nghệ An có lợi thế, một số ngành kinh tế mới… không phát triển được. Từ đó có các giải pháp tương ứng, ví dụ:

- Trong kế hoạch 5 năm và hàng năm, phải có chỉ tiêu về số lượng DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh, và từng ngành, từng địa phương; từ đó có chương trình khởi nghiệp góp phần phát triển kinh tế địa phương, chương trình và giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và nâng đỡ thành lập DN mới, tăng chất lượng DN mới thành lập.

- Thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN gặp khó khăn, tạm dừng hoạt động dưới hình thức Bác sĩ DN.

- Có chương trình, giải pháp hỗ trợ và khuyến khích phát triển DN ở miền núi, vùng sâu vùng xa; nhất là các địa phương khai báo thua lỗ liên tục của các DN.

- Có chương trình, giải pháp hỗ trợ và phát triển triển DN trong các ngành kinh doanh thua lỗ liên tục, các ngành tỉnh có lợi thế, nhất là du lịch, các ngành nghề mới thể hiện xu thế phát triển trong thời đại 4,0.

Củng cố, nâng cao năng lực, vai trò của các cơ quan, tổ chức nhà nước và tư nhân hỗ trợ phát triển DN như trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; nhấn mạnh vai trò, chức năng hỗ trợ DN. Xem xét, tách chức năng và thành lập riêng một trung tâm chuyên trách hỗ trợ và khuyến khích phát triển DN. Hỗ trợ và liên kết với các trung tâm, tổ chức chuyên tư vấn, hỗ trợ phát triển DN (của tư nhân) tạo thành mạng lưới hỗ trợ phát triển DN rộng khắp toàn tỉnh.

Nâng cao vai trò, tăng cường năng lực hiệp hội DN địa phương, liên minh hợp tác xã huyện, tỉnh; đồng thời lôi kéo, hợp tác với các hiệp hội ngành hàng tương ứng trong hỗ trợ DN địa phương.

Xây dựng và thực thi thái độ và văn hóa làm việc mới “cùng đồng hành”, “là đối tác” với doanh nhân, DN trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong toàn hệ thống chính trị, nhất là công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước.

TS Nguyễn Đình Cung