Tỷ lệ hộ nghèo cao

Tương Dương - 1 trong 74 huyện nghèo nhất trong cả nước. Nơi đây đang tồn tại những mâu thuẫn, là đơn vị cấp huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh và cả nước, nhưng người dân thiếu đất sản xuất, diện tích đất nông nghiệp toàn huyện chỉ có khoảng 900 ha trong tổng toàn huyện. Diện tích đất rừng lớn, nhưng rừng ngày càng được bảo vệ nghiệm ngặt, việc khai thác các lâm sản phụ từ rừng khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ, tư duy sản xuất, canh tác của người dân còn nhiều hạn chế. Địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi núi non hiểm trở; giao thông đi lại khó khăn... Những yếu tố trên tác động lớn đến đời sống của đại đa số người dân nơi đây. Tổng số hộ nghèo toàn huyện ở thời điểm tháng 5/2022 là 7.176 hộ nghèo, chiếm 39,38%, (trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số 7.084 hộ, chiếm 98,71%); 3.149 hộ cận nghèo, chiếm hơn 17,28%.

d9f7146973d9b087e9c8.jpg
Phát triển cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương.

Thực tiễn đó, công tác giảm nghèo lâu nay được huyện Tương Dương xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị để vào cuộc bằng nhiều giải pháp tích cực. Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện nhấn mạnh giải pháp lồng ghép các chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, chương trình 30a và các chương trình hỗ trợ, tài trợ, kết hợp với nguồn lực địa phương để ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi; đầu tư xây dựng các mô hình sinh kế chăn nuôi, trồng trọt, các nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống, dịch vụ du lịch cộng đồng; phối hợp với nhiều trường nghề như trường Việt – Hàn; trường nghề số 4 (Quân khu 4), trường nghề Việt - Đức để mở các lớp đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động, làm việc trong các doanh nghiệp, nhà máy… Cùng với đó, cán bộ, công chức các cấp kiên trì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và làm cùng người dân đã tạo ra những thay đổi về tư duy, từng bước hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào dự án, vào sự hỗ trợ cho không từ Nhà nước của người dân.

Ở huyện Tương Dương hiện tại đã tạo được một số mô hình, vùng vệt kinh tế khá rõ nét, như nuôi cá lồng tại các xã Tam Đình, Tam Thái, Yên Na, Hữu Khuông; chăn nuôi bò vỗ béo tại Tam Quang, Lưu Kiền, Nhôn Mai, Hữu Khuông…; trồng rau màu hàng hoá tại Thạch Giám, Tam Thái, Xá Lượng, Lưu Kiền… Một số làng nghề truyền thống, một số mô hình du lịch cộng đồng được đầu tư khai thác cũng khẳng định thêm bước thay đổi tư duy của người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Cũng thuộc diện huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo ở Kỳ Sơn cao hơn, chiếm 59,36%, tương ứng 9.885 hộ và cận nghèo là 11,41%, tưng ứng 1.901 hộ. Công tác giảm nghèo được các cấp tập trung đẩy mạnh thông qua hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, nước sạch, xóa nhà ở tạm bợ; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và các mô hình giảm nghèo; tư vấn, hỗ trợ xuất khẩu lao động; hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ vay vốn phát triển… Cùng với nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, ý thức, ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo từ phía người dân được nâng cao hơn; nhiều hộ chủ động tự tìm “con đường” thoát nghèo riêng cho gia đình. Như ở xã Nậm Càn, gia đình ông Lầu Bá Rê, ở bản Nậm Khiên 2 làm trang trại nuôi trâu bò với quy mô trên 35 con; lợn 10 - 20 con/lứa; hơn 200 con gà. Hay gia đình ông Thò Nềnh Thông, ở bản Thăm Hín nuôi hàng chục con lợn kết hợp trồng cây đào cảnh phục vụ dịp tết; trồng tre luồng lấy măng hàng hoá.

98ec954df1fd32a36bec.jpg
Mô hình nuôi gà đen đang tiếp tục nhân rộng ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn

Bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, ở Kỳ Sơn, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, như mô hình nuôi bò sinh sản tại các xã Bảo Nam, Na Ngoi, Nậm càn, Bảo Thắng, Hữu Lập, Chiêu Lưu, Phà Đánh...; nuôi dê tại các xã Keng Đu, Bắc Lý, Mường Típ, Mường Ải; trồng mận tam hoa tại các xã Mường Lống, Tây Sơn; nuôi lợn rừng tại xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu; phát triển cây dược liệu tại các bản, xã có đồng bào Mông như Mường Lống, Na Ngoi, Hồi Tụ, Nậm Càn, Tây Sơn, Nậm Cắn, Đoọc Mạy…

Tại cuộc làm việc với Ban Dân tộc tỉnh và một số sở, ngành liên quan về công tác giảm nghèo bền vững, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đặt ra băn khoăn về tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn miền núi cao đang ở mức cao; tình trạng “trẻ hoá” hộ nghèo đang diễn ra; điều kiện sinh kế của nhiều gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang thực sự thiếu thốn, nhất là là không có tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất đai; trong khi đó chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng thấp, không đảm bảo cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo các mô hình nông nghiệp nhiều, kinh phí lớn, nhưng việc đảm bảo hiệu quả và nhân rộng đang còn khó khăn, thậm chí hết đầu tư hỗ trợ, chỉ đạo là hết mô hình. Mặt khác, công tác đào tạo nghề cũng đang đặt ra một số bất cập, hạn chế, hiệu quả chưa cao. Hàng loạt vấn đề xã hội như tình trạng nghiện rượu, ma tuý còn nhiều; tình trạng tảo hôn; bỏ học giữa chừng… cũng tác động đến công tác giảm nghèo ở vùng.

Cần giải pháp căn cơ, bền vững

Điều không thể phủ nhận rẳng, sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh thời gian qua đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Song ở 11 huyện, thị xã miền núi, nhất là 5 huyện miền núi cao Nghệ An, khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, việc làm, thu nhập và đời sống của người dân vẫn đang còn hiện hữu cần những giải pháp căn cơ mang tính dài hơi, đồng bộ và hiệu quả.

7491006d7dddbe83e7cc.jpg
Đồng chí Vi Hòe - Bí thư HUyênu ủy Kỳ Sơn hỗ trợ họ nghèo ở xã Hữu Kiệm giống bò.

Trên cơ sở Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tại kỳ họp chuyên đề diễn ra vào ngày 24/6 vừa qua, HĐND tỉnh khoá XVIII đã thông qua 2 nghị quyết liên quan kế hoạch phân bổ, cơ cấu huy động, lồng ghép các nguồn lực và quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

35808165d355100b4944-1.jpg
Mô hình chăn nuôi bò nhốt tập trung của người dân huyện Quế Phong

Hai nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương được thụ hưởng chương trình triển khai. Ông Vi Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng: Đây được coi cơ hội mở ra cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, giảm nghèo mang tính đồng bộ, tổng thể và căn cơ, bền vững với hàng loạt các chương trình, dự án cụ thể như giải quyết thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp bền vững trên cơ sở tiềm năng, lợi thế vốn có của từng địa phương; đầu tư hạ tầng; phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, nhận thức nhằm thay đổi tư duy, nhận thức – đây là yếu tố vô cùng quan trọng…

Đón nhận với tinh thần sẵn sàng triển khai nhanh, hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh vừa ban hành, bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phấn khởi: Chính sách đã bao trùm hầu hết mọi mặt đời sống đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt thông qua thực hiện các chính sách sẽ thúc đẩy việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân, phát huy các bản sắc văn hóa, xóa bỏ một số phong tục, tập quán lạc hậu, qua đó giữ vững an ninh biên giới…

b0ce39626b52a80cf143.jpg
Chăn nuôi bò hàng hoá đang là lựa chọn của nhiều người dân miền núi.

Để các chính sách, dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực sự phát huy hiệu quả, ý kiến từ một số địa phương đề xuất tỉnh triển khai theo hướng phân cấp cho huyện, xã trực tiếp quản lý nguồn lực, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các dự án cụ thể; tăng cho vay, giảm cho không, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chủ động tích cực vượt khó đi lên…. Mặt khác tỉnh cần nghiên cứu tổ chức phát động cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững". Cùng với đó đẩy mạnh hỗ trợ, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp về đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp tại các huyện miền núi nhằm tạo việc làm cho lao động với mục tiêu “ly nông bất ly hương”.

Ở góc độ tổng thể, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, các cấp, các ngành cần phân tích rõ những bất cập trong thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua; trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng thời kiến nghị, đề xuất mang tầm vĩ mô và phạm vi cấp tỉnh để chương trình này thời gian tới được triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn.

MINH CHI