Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội và đặc biệt xin nhận khuyết điểm trước bà con đang sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vì chương trình này và kể cả 2 chương trình còn lại đã thực hiện không đúng theo yêu cầu đặt ra “hay nói giản dị là rất chậm”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri và đồng bào về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua.
Theo Nghị quyết số 120/2020/QH14, Quốc hội đã phê duyệt tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng, nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, Quốc hội cũng quy định một trong các giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình gồm “đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA trong thực hiện Chương trình; huy động khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân”. Tuy vậy, tính đến đến 31.5.2023, phần vốn của năm 2022 cho chương trình chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển và riêng vốn của năm 2023 thì chỉ đạt được 17,01% vốn đầu tư phát triển. Trong khi thời gian chỉ còn 2,5 năm nữa để thực hiện giai đoạn 1 của dự án này. Do đó, rất cần những giải pháp hữu hiệu để “chạy” nhanh hơn thì Chương trình mới có thể về đích đúng hạn.
Không khó để chỉ ra những vướng mắc từ thực tiễn khi triển khai Chương trình này. Trong đó, chỉ tính riêng lượng văn bản liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã lên tới 73 văn bản, chưa kể với việc triển khai từng dự án thì liên quan đến hàng chục bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp, hướng dẫn. Do đó, chỉ cần khâu phối hợp giữa các cơ quan chưa được thông suốt cũng có thể dẫn đến thủ tục bị ách tắc. Điều đáng nói là, văn bản thì nhiều nhưng thực tế khi triển khai Chương trình nhiều cán bộ cơ sở vẫn thắc mắc vì “không biết làm thế nào cho đúng”.
Một trong những nguyên nhân khác nữa dẫn đến thực hiện Chương trình “rất chậm” còn do chưa có sự quan tâm, sát sao của địa phương trong việc thực hiện Chương trình. Bởi cho đến thời điểm hiện nay, dù đã được phân cấp rất rõ ràng cho địa phương, nhưng vẫn còn có tới 6 địa phương còn “nợ” hướng dẫn theo thẩm quyền để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ phía cán bộ trực tiếp triển khai Chương trình ở địa phương, đặc biệt là cán bộ ở vùng sâu, vùng xa trình độ còn hạn chế, có thể dẫn đến chậm, dễ dẫn đến sai sót. Và một khó khăn khác nữa mà như cách nói của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang là “thủ tục lằng nhằng”.
Thực tế cho thấy, việc triển khai dự án của Chương trình ở nhiều nơi còn manh mún, dàn trải. Trong khi khối lượng hồ sơ để thực hiện dự án rất nhiều, thậm chí chỉ khâu làm hồ sơ thôi cũng mất vài ba tháng, thậm chí một năm. Những nguyên do này dẫn đến việc thực hiện Chương trình bị chậm so với tiến độ. Sự vướng mắc về thủ tục, chậm trễ về tiến độ đã làm cho trong một số trường hợp “có tiền mà chưa tiêu được”, ảnh hưởng đến tiến độ của Chương trình vốn rất cần thiết và ý nghĩa này.
Nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc, có những giải pháp hữu hiệu để Chương trình “chạy” nhanh hơn trong thời gian tới là điều cần đặt ra. Muốn vậy, cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định và hướng dẫn còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, trong đó có quy định để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thủ tục triển khai. Sớm có quy định chi tiết quy trình, thủ tục hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các hộ gia đình để có đất ở, nhà ở theo tiêu chuẩn. Cần sớm nghiên cứu triển khai việc lồng ghép 3 chương trình để tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực. Đặc biệt cần phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương để địa phương chủ động thực hiện, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Quy định pháp luật hoàn chỉnh, nguồn vốn đầu tư bảo đảm đủ để thực hiện cho Chương trình là rất cần thiết. Nhưng sẽ là chưa đủ, nếu như chúng ta thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình thực thi này. Cùng với đó, cần cơ chế xử lý nghiêm trách nhiệm những tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ thực hiện Chương trình vì lý do chủ quan, gây lãng phí.
Song Hà