Minh chứng qua các kỳ thi, điểm số môn Lịch sử thường rất thấp, các em học lịch sử cơ bản là để đối phó chứ không phải xuất phát từ niềm đam mê tìm hiểu lịch sử dân tộc. Bắt buộc đã vậy, nếu môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn thì rất nhiều người lo lắng chất lượng, hiệu quả và tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Lịch sử sẽ còn kém hơn rất nhiều so với hiện nay.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không muốn đi sâu thể hiện quan điểm trúng hay chưa trúng từ quyết định môn Lịch sử là môn học tự chọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà chỉ muốn nêu lên một quan điểm cá nhân về việc nên dạy và học lịch sử như thế nào cho hiệu quả. Việc học lịch sử có nên chỉ dựa vào chương trình, kiến thức trong sách giáo khoa hay 12 năm học phổ thông?
1. Vì sao chất lượng dạy và học lịch sử không cao?
Vì sao học sinh không yêu thích môn Lịch sử? vì sao chất lượng dạy và học lịch sử lâu nay thấp như thế? Đó là những câu hỏi mà chúng ta nên phân tích và lí giải một cách thấu đáo. Có như vậy mới chỉ rõ đâu là căn nguyên, đâu là mấu chốt của việc dạy và học lịch sử.
Bất cứ ai trong chúng ta nếu đã qua những năm học phổ thông đều có cơ hội tiếp cận với những bài học lịch sử trong sách giáo khoa. Và chắc chắn ít nhiều cảm nhận được rằng: các bài học lịch sử trong sách rất khó học, rất khó nhớ. Học lịch sử yêu cầu số một vẫn là nhớ. Nhớ sự kiện, nhớ mốc thời gian, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm từ các sự kiện lịch sử đó. Và nhớ ở đây không phải học thuộc một cách máy móc (học vẹt), mà là tư duy hệ thống, nhớ một cách logic. Thế nhưng, nhiều người cho rằng, các bài học lịch sử của chúng ta đang quá thiếu chi tiết, quá vắn tắt. Một số sự kiện, thời gian, mốc lịch sử được sắp xếp và giảng dạy còn thiếu tính khoa học và logic. Lịch sử vốn dĩ không được sáng tác hay sáng tạo, mà phải được chép lại một cách nguyên gốc. Bất cứ sự vật hiện tượng nào, nếu tồn tại và phát triển tự nhiên, theo đúng tuần tự, thì tự thân nó mới có tính logic. Một khi thiếu tính logic, sự kiện, vấn đề lịch sử không chuẩn xác, hoặc mơ hồ, đoán chừng, áng áng vậy thì tự thân sẽ không có tính thuyết phục. Và khi người tiếp nhận thông tin, người học cảm thấy mơ hồ, một vài chi tiết thiếu tính logic thì tự khắc sẽ không muốn tìm hiểu thêm.
Từ xưa chúng ta thiếu những người chép sử, nên với nhiều sự kiện lịch sử Việt Nam do không được ghi chép đầy đủ, gián đoạn, thất truyền, sau này cơ bản được phục dựng lại qua nghiên cứu, nên muốn tim hiểu nguồn gốc, chi tiết cũng không dễ. Đó là về tài liệu, chương trình và bài học lịch sử.
Một vấn đề nữa khiến môn Lịch sử không hấp dẫn học sinh còn vì cách dạy. Học sinh có hứng thú với bài học hay không, có đam mê môn học hay không một phần phụ thuộc rất lớn từ người truyền thụ, tức là giáo viên, giảng viên dạy bài học đó, môn học đó.
Tôi yêu thích môn Lịch sử một phần nhờ ba năm THPT có giáo viên dạy sử tâm huyết. Những bài giảng của cô rất cuốn hút. Cô còn chỉ cho chúng tôi cách nhớ các sự kiện, mốc thời gian có hệ thống. Ngay cả khi ra trường đi làm, tiếp tục tham gia các khóa bồi dưỡng, nhiều môn học rất sáo rỗng nhưng tôi vẫn ấn tượng với những bài giảng lịch sử của một giảng viên ở Học viện chính trị Quốc gia khu vực I. Vừa học vừa đi làm, nhiều học viên cũng có tuổi rồi nhưng giờ giảng của Thầy gần như không có học viên vắng. Rất sinh động, rất lôi cuốn, lịch sử nhưng có liên hệ thực tế, có pha chút hài hước khi truyền thụ. Điều này lí giải không phải học sinh, người học không thích môn Sử, mà là chương trình, kiến thức và cách dạy như thế nào để thuyết phục, hấp dẫn họ mà thôi. Sự kiện, mốc lịch sử thì không được cải biên sáng tạo, nhưng dạy lịch sử thì lại rất cần sáng tạo, đổi mới để kích thích sự tò mò, tìm hiểu của người học.
Chúng ta cứ đổ thừa tại học sinh không yêu môn Lịch sử, nhưng có ai dám chắc rằng, không phải do tâm lí ít người học, Lịch sử là “môn học phụ” nên nhiều giáo viên không có sự đầu tư trong soạn giáo án, không có sự trăn trở tìm phương pháp giảng dạy để có những bài giảng, tiết học chất lượng, cuốn hút học sinh?
2. Cần đa phương hóa cách dạy và học lịch sử
Trở lại vấn đề vì sao phần lớn học sinh Việt Nam đều chưa đam mê môn Sử, kiến thức về lịch sử dân tộc rất hạn chế? Trong khi lịch sử “nhà người ta” thì lại “tường tận gốc tích” và không ít người rất thích tìm hiểu lịch sử nước ngoài. Vậy tại sao ”Dân ta không biết sử ta” mà lại”tường tận sử người”? Câu trả lời có thể khẳng định: Việc dạy và học lịch sử của chúng ta đang quá cứng nhắc và đóng khung. Gần như về cơ bản lâu nay chúng ta đang chỉ dựa vào sách giáo khoa, các giáo trình lịch sử để truyền thụ kiến thức lịch sử cho người dân. Trong khi có rất nhiều kênh để giáo dục lịch sử hiệu quả, hấp dẫn hơn thì chúng ta chưa khai thác và ứng dựng.
Một trong những kênh quan trọng nhất truyền thụ lịch sử dân tộc hiệu quả, dễ tiếp nhận, dễ nhớ và rất hấp dẫn chính là điện ảnh. Vì sao lịch sử nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Anh, Pháp, Ý, Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc được người dân thế giới nhớ và hiểu biết sâu sắc như thế? Chẳng phải họ đã đưa lịch sử vào điện ảnh sớm, bài bản và rất mô phạm sao?
Trong khi đó, những bộ phim về lịch sử của Việt Nam vô cùng ít. Nếu có cũng hoàn toàn nghệ thuật, hư cấu. Chỉ có một số phim tài liệu về lịch sử hiện đại còn gần như chưa có một bộ phim dã sử nào xứng tầm. Hỏi về lịch sử Việt Nam thời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn…đã có bộ phim dã sử nào chưa? Tại sao chúng ta không dàn dựng những bộ phim dã sử về Đinh Bộ Lĩnh, Mai Thúc Loan, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung – Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp…, những trận chiến vẻ vang chấn động thế giới như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa hay Điện Biên Phủ…Chúng ta có thiếu nhần tài, chúng ta có thiếu tướng giỏi, chúng ta có thiếu những vị vua anh minh, những quân sư tài trí, những nhân vật lịch sử xứng tầm không? Lịch sử Việt Nam có vẻ vang không? Bao nhiêu mốc son đáng nhớ, vì sao chúng ta không phục dựng và đưa vào phim ảnh. Có thể phim dã sử được hư cấu, được hình tượng hóa một số nhân vật, tình tiết, nhưng về sự kiện, mốc thời gian lịch sử là không thay đổi, không thể xuyên tạc. Như vậy là quá đủ để các thế hệ người dân Việt Nam ghi nhớ về lịch sử nước mình.
Có thể nhiều người sẽ nói rằng, ngành điện ảnh của chúng ta chưa bắt kịp sự phát triển của thế giới, quy mô, kinh phí để sản xuất các bộ phim đó rất lớn, quá sức. Nhưng có rất nhiều cách để chúng ta thực hiện. Và một trong những phương thức lâu nay nhiều nước thực hiện đó là: Hợp tác sản xuất.
Một cách giáo dục và học lịch sử khác nữa cũng rất hiệu quả mà nhiều nước đã làm, đó chính là hệ thống điển tích lịch sử qua các di tích danh thắng lịch sử. Vai trò quan trọng trong việc truyền thụ lịch sử ở đây chính là ngành văn hóa và ngành du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên. Cách thức truyền dạy này rất hiệu quả, không chỉ cho người dân Việt Nam, mà còn cho cả du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.
Tôi từng đi một số nước, hướng dẫn viên của họ nhớ và giới thiệu tường tận lịch sử, điển tích những điểm đến mà du khách tham quan. Họ nói liên tục trong quá trình di chuyển, trước khi đến địa điểm và cả trong quá trình tham quan. Các sự kiện lịch sử thường gắn liền với danh nhân, nhân vật cụ thể. Đi liền với các nhân vật lịch sử là các điển tích. Đến Cung điện Versailles, du khách được giới thiệu khá đầy đủ và hệ thông về các sự kiện xảy ra qua các đời Louis của nước Pháp; Đến Vạn Lý trường thành hay Tử Cấm Thành, du khách biết rõ về Tần Thủy Hoàng và các đời vua nhà Minh, nhà Thanh của Trung Quốc… Còn chúng ta, tôi dám chắc rằng, rất nhiều người (nhiều chứ không phải tất cả) đi lễ đền chùa, đến những địa điểm du lịch tâm linh đều không biết mình đang chiêm bái gì, vái lạy ai, đền được thờ nhân vật nào? Chúng ta thiếu những "tour", tuyến, nhưng chúng ta cũng thiếu những hướng dẫn viên có trình độ và được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản của một hướng dẫn viên đúng chuẩn.
”Mưa dầm thấm lâu”, giáo dục và học lịch sử cũng vậy, cứ từng chút, từng chút một, đọc nhiều, nghe nhiều, xem nhiều sẽ thấm dần và lưu lại trong bộ nhớ của mỗi người, thậm chí khơi gợi trí tò mò muốn tìm hiểu, nghiên cứu.
Không nên chỉ nghĩ một chiều: học sinh hay giới trẻ bây giờ quên gốc, không yêu lịch sử dân tộc mình, mà hãy nhìn toàn diện hơn. Bởi thực tế có nhiều cháu vẫn rất say mê tìm hiểu, khám phá. Nhưng thay vì đọc những trang sách khô khan thiếu luận cứ, khó nhớ, ngày nay nhiều cháu vào Youtube, truy cập internet… tìm các điển tích, đọc và xem các danh nhân. Nhân vận, sự kiện lịch sử được phục dựng, tái hiện lại một cách sinh động, có sắc thái chẳng phải người xem sẽ thích hơn sao? Có nhiều cháu không chỉ nhớ các sự kiện, các trận đánh nổi tiếng, các danh nhân thế giới mà còn kể tường tận cuộc đời, gia cảnh của từng nhân vật. Vậy thì rõ ràng, để học sinh nói riêng và lớp lớp Nhân dân nói chung yêu lịch sử dân tộc, cái cần chính là phải thay đổi cách dạy và cách học.
Tóm lại, dạy và học lịch sử không phải chỉ dựa vào chương trình, kiến thức trong sách giáo khoa hay những bài học ở trường, và cũng không phải chỉ dựa vào ngành Giáo dục và Đào tạo, mà tất cả đều phải vào cuộc. Trong đó, cùng với ngành Giáo dục, các ngành Văn hóa, Du lịch, Thông tin – Truyền thông, Ngoại giao, Ngoại vụ… cần phải tiên phong, quan tâm và có sự đầu tư một cách hệ thống và đúng mực. Có như vậy thì “dân ta” sẽ biết và hiểu sâu sắc về “sử ta”, từ đó sẽ khởi dậy được tình yêu, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và có trách nhiệm bảo vệ những thành quả cách mạng mà lớp lớp người Việt đã dựng xây.
Thanh Huyền