Qua đó có thể thấy vai trò rất lớn của các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp không những đối với sự phát triển kinh tế mà còn đối với yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nuôi tôm mặn lợ ở huyện Diễn Châu

Nhận thức về tầm quan trọng này, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều quy định cũng như hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bên cạnh Luật An toàn thực phẩm và văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 13 thông tư về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; 98 tiêu chuẩn Việt Nam và 07 quy chuẩn Việt Nam về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Bộ cũng đã ban hành Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch triển khai hàng năm.

Ở Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hệ thống văn bản về phân công, phân cấp, phối hợp; tiêu chí chấm điểm, đánh giá xếp loại, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; Kế hoạch thực hiện Đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn và hàng năm; xây dựng riêng Đề án phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Hội Nông dân tỉnh xây dựng và triển khai Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm  nằm trong hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh tại Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND.

Sản xuất dưa lưới trong nhà kính ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành

Cùng với hành lang pháp lý, chính sách đầy đủ, đồng bộ, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (như VietGAP hoặc tương đương); tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, HACCP, ISO 22000...tăng lên qua các năm. Đơn cử năm 2023, có 13 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ với sự tham gia của 210 thành viên là các tổ chức, hộ gia đình; 03 mô hình chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, 04 mô hình chuyển giao quy trình, công nghệ chế biến nông lâm thủy sản cũng đã được triển khai. Đến tháng 3/2024, đã có 33 mô hình sản xuất, chế biến an toàn tại 15 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, trong đó nhiều mô hình tiêu biểu, đã có chỗ đứng trên thị trường như: cam VietGAP ở Thanh Chương, Yên Thành, rau VietGAP ở thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Diễn Châu; các sản phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP như dược liệu Pù Mát, chè Thanh Chương, Anh Sơn, nước mắm Quỳnh Lưu, Cửa Lò...Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc; thiết kế và cung cấp mã QR Code cho các cơ sở sản xuất để tăng cường công tác quản lý, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tính đến hết năm 2023, đã có trên 50 sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ ổn định trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm; có 10 sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu tại 36 nước.

Song song với công tác hướng dẫn, hỗ trợ các mô hình, công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản luôn được chú trọng. Tính riêng năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 81 cuộc tại 898 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 125 cơ sở với số tiền nộp ngân sách Nhà nước hơn 879 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi Gà tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc

Bên cạnh kết quả đạt được, việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng nông lâm thủy sản còn nhiều vấn đề đặt ra. Tình trạng lạm dụng các chất hóa học trong sản xuất, chế biến, bảo quản hàng nông sản vẫn còn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cách thức truyền thống, sử dụng thiết bị, công nghệ kỹ thuật lạc hậu. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tỷ lệ các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản cấp huyện, cấp xã quản lý được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc tương đương và ký cam kết an toàn thực phẩm hiện rất thấp (chỉ 9,9%, 15,05% ở cấp huyện và 35% ở cấp xã). Theo đó, tỷ lệ các sản phẩm thực phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm so với sản phẩm thực phẩm được sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ trên thị trường còn thấp; công nghiệp chế biến phát triển chậm; việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, có thương hiệu trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản còn hạn chế; giá cả, thị trường nông sản không ổn định. Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm chưa được thường xuyên. Sản phẩm an toàn và không an toàn còn lẫn lộn, nhất là ở các chợ truyền thống. Hiện tại các ngành chức năng đang tự cập nhật dữ liệu để quản lý mà chưa kết nối liên thông cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra giết mổ gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình chưa thực hiện được, chủ yếu tập trung kiểm tra, giám sát tại các lò giết mổ tập trung. Ngay cả nông sản đạt chuẩn OCOP có sự giám sát chất lượng cũng như kiểm soát về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh hiện mới chiếm khoảng 55-60% trên tổng số sản phẩm đạt sao OCOP.

Thực phẩm an toàn góp phần cũng như thể hiện sự nâng cao chất lượng cuộc sống và ở chiều ngược lại, chất lượng cuộc sống được nâng cao đặt ra yêu cầu, đòi hỏi thực phẩm phải an toàn. Ngoài ra, nông sản có nguồn gốc nước ngoài, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nước ta vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều đã tạo ra thách thức, sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm trong nước. Bối cảnh đó dẫn đến xu hướng, con đường đi tất yếu của nông sản Việt nói chung và nông sản Nghệ nói riêng là xây dựng, phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn”. Gắn kết chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản với cơ cấu lại sản xuất; lồng ghép với các hoạt động trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng cũng như sự phối hợp, giám sát hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cũng như nâng cao ý thức của người tiêu dùng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, xây dựng chợ đầu mối...

Có thể nói, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra, an toàn thực phẩm, trong đó có an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, “vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài” như Chỉ thị của Ban Bí thư đã xác định mới có sự chuyển biến tích cực và vững bền./.