Đi vào những vấn đề khó, ách yếu
Đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021 đề ra mục tiêu: năm 2018 đến năm 2021 hoàn thành cơ bản việc giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng để rừng có chủ, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Thế nhưng, dù Đề án đã được gia hạn thêm 2 năm (đến 31/12/2023) song tỷ lệ giao rừng chỉ đạt 59,68%; vi phạm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn xảy ra nhiều; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đất lâm nghiệp giữa các chủ rừng và người dân vẫn kéo dài, phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm...Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có dự án riêng về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước để đảm bảo an sinh, tạo sinh kế cho đồng bào khó khăn. Dù nhu cầu thực tế lớn nhưng cho đến nay, kết quả thực hiện dự án này trên địa bàn tỉnh rất hạn chế, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 24,35%, số đối tượng được thụ hưởng còn rất ít. Nghệ An có số lượng lớn các nông, lâm trường quốc doanh; các tổ chức kinh tế Nhà nước này đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh và các tổng đội thanh niên xung phong còn nhiều bất cập, vướng mắc cần sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương...
Đó là 3 trong số nhiều vấn đề khó, phức tạp trong năm qua đã được Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh lựa chọn để giám sát dưới các hình thức khác nhau: giải trình, chất vấn, giám sát chuyên đề. Có vấn đề mang tính thời sự, cần chỉ đạo, tìm ra nút thắt và tháo gỡ ngay để tranh thủ nguồn lực, giải quyết vấn đề bức bách đang đặt ra. Có vấn đề do lịch sử để lại, tồn đọng qua nhiều giai đoạn, thời kỳ nhưng chưa được giải quyết hoặc sự giải quyết chưa được thấu đáo, triệt để. Tuy mới, cũ khác nhau song điểm chung của nội dung được lựa chọn giám sát là còn nhiều tồn tại, kéo theo sự ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, kìm hãm sự phát triển. Nguyên nhân nằm ở thể chế, nguồn lực hay khâu tổ chức thực hiện thì vai trò, tiếng nói của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương trong tháo gỡ vấn đề cũng vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Đa chiều giám sát, đi sâu, toàn diện vấn đề
Điểm đặc biệt trong hoạt động giám sát năm 2023 đó là nhiều vấn đề đã được Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, đánh giá từ nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau. Từ đó, vấn đề được soi chiếu một cách toàn diện, vừa cụ thể vừa hệ thống, căn cơ.
Tại kỳ họp thứ 14 giữa năm, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành chất vấn nhóm nội dung: Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong điều kiện thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và biến động của thị trường. Từ bức tranh tổng thể về sự phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nhà, giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh sau kỳ họp "Việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay" đã mổ xẻ sâu hơn hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND). Từ báo cáo bằng văn bản, chất vấn và trả lời chất vấn trong nghị trường, Đoàn giám sát đã đi xuống thực tế cơ sở để đánh giá mức độ thẩm thấu của 29 chính sách hỗ trợ đối với từng đối tượng: cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt; cây đầu dòng; nuôi cá lồng trên sông, hồ nước lớn; sản xuất muối; kinh tế trang trại; quy trình chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm v.v...
Cũng nằm trong nhóm nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 14 giữa năm, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại: việc khảo sát, thu thập thông tin về trẻ em có nhu cầu hỗ trợ hàng năm ở nhiều địa phương chưa đầy đủ; một bộ phận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ một cách hiệu quả, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Một trong những thực trạng, nguyên nhân trẻ em nơi đây có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là do điều kiện lao động, sản xuất tại chỗ khó khăn, người lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải rời quê, đi làm ăn xa. Hệ lụy xã hội kéo theo là việc học tập, chăm sóc đối với trẻ em không được quan tâm. Sau phiên chất vấn, Ban Dân tộc đã khảo sát để nắm rõ tình hình, từ đó kiến nghị các giải pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Hội nghị về hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cho thấy tiềm năng để phát triển du lịch của các huyện miền Tây nói riêng, của tỉnh ta nói chung là rất lớn. Phát huy được tiềm năng đó thì du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 và nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sự gợi mở từ hoạt động khảo sát đã trở thành nội dung được bàn luận tại nghị trường, được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chất vấn tại kỳ họp thứ 17, kỳ họp thường lệ cuối năm vừa qua. Những băn khoăn, trăn trở nêu lên tại hội nghị trước đây đã được xem xét, kết luận thành định hướng, nhiệm vụ, giải pháp để du lịch tỉnh nhà phát triển trong thời gian tới.
Có thể thấy, các hình thức giám sát đã được kết hợp triển khai một cách linh hoạt, phù hợp, bổ trợ cho nhau. Từ đó, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn được xem xét thấu đáo, toàn diện, biện chứng. Khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ. Cơ quan dân cử đã thực sự đồng hành, tạo điều kiện để Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành làm tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực.
Từ giám sát đến ban hành chính sách
Giám sát là sự theo dõi, xem xét, đánh giá việc chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, qua giám sát, trong năm qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, đáp ứng tâm tư nguyện vọng, được cử tri, dư luận xã hội đánh giá cao.
Đơn cử như phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác giao đất, giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã phản ánh thực trạng nhiều cán bộ trong lĩnh vực kiểm lâm, chuyên trách bảo vệ rừng xin chuyển công tác, xin thôi việc do áp lực công việc lớn, chế độ chính sách không đảm bảo. Để giải quyết khó khăn trên, tại kỳ họp giữa năm, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Sau chất vấn về công tác phòng chống đuối nước trẻ em, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Sự kịp thời của chính sách là giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ vấn đề đặt ra. Các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay chính sách hỗ trợ phát triển du lịch v.v... đã, đang và sẽ được cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để có sự điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới phù hợp với thực tiễn, yêu cầu của sự phát triển, khắc phục những hạn chế, bất cập mà qua giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh đã chỉ ra.
Bước sang năm 2024, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nói chung và hoạt động giám sát nói riêng cao hơn và có tính toàn diện, bao trùm hơn. Nội dung giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh đã được quyết nghị, đó là giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An; giám sát kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng sẽ tiến hành chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân tỉnh và các chủ thể liên quan về tất cả các vấn đề đã chất vấn, đã hứa. Đây sẽ là sự tổng rà soát, đánh giá trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng, của người có thẩm quyền, đồng thời là thước đo hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Bên cạnh đó, đại biểu, cơ quan dân cử sẽ luôn lắng nghe, nhìn thấu những vấn đề thực tiễn đặt ra, dư luận quan tâm, cử tri kiến nghị, để từ đó giám sát và đề ra những quyết sách đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển./.