Đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT của Chính phủ có lẽ được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình. Một phần bởi chính sách này sau 3 đợt triển khai (cả năm 2022, 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024) đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Báo cáo của Chính phủ cho biết, chính sách giảm 2% thuế VAT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024; trong 6 tháng cuối năm 2023 hỗ trợ 23,4 nghìn tỷ đồng; cả năm 2022 hỗ trợ 51,4 nghìn tỷ đồng. Tương ứng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I.2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; quý III và quý IV.2023 tăng lần lượt 7,5% và tăng 9,3%, cả năm tăng 9,6%; năm 2022 tăng 19,8%.
Một phần khác, khó khăn vẫn đang đeo bám doanh nghiệp. Luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, có đến hơn 97.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự báo tăng trưởng đều thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng đầu năm dù tăng trưởng khá (8,7%), song vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước đại dịch. Điều này cho thấy, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình đã được cải thiện một phần nhưng chưa bền vững. Trong khi đó, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, tiếp tục giảm thuế VAT là cần thiết giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều còn băn khoăn ở đây là có nên mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế VAT hay không? Theo phản ánh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc trong việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Có doanh nghiệp phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít doanh nghiệp đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Cũng có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất. Để tránh phát sinh chi phí xã hội và gia tăng rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, VCCI đề xuất phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Ủng hộ phương án tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đề xuất cân nhắc mở rộng đối tượng áp dụng, như quan điểm của VCCI. Tuy nhiên, lý do VEPR đưa ra là động lực tiêu dùng nội địa - động lực của tăng trưởng - còn yếu, chưa phục hồi so với trước đại dịch Covid-19. Trước đại dịch, tiêu dùng đóng góp 7,1% vào tăng trưởng nhưng trong suốt năm 2023 cho đến quý I.2024 tiêu dùng chỉ còn đóng góp 4,9%.
Có nên mở rộng đối tượng giảm thuế VAT hay không - vấn đề này sẽ được các đại biểu Quốc hội cân nhắc trên nhiều khía cạnh. Giảm thuế cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ là điều doanh nghiệp, người dân mong muốn và sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, song “liệu cơm gắp mắm” trong bối cảnh ngân sách nhà nước không thực sự dư dả cũng là điều cần tính đến.