Có thể nói đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng của cơ quan dân cử, có giám sát mới đi đến quyết định đúng đắn, đảm bảo các quy định theo nghị quyết được thực hiện tốt hơn; có giám sát mới thực hiện hết trách nhiệm với cử tri, có giám sát mới có cơ sở giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và phản ánh của công dân gửi đến các đại biểu HĐND.
Qua các Hội nghị cho thấy, nhiều kinh nghiệm, kỹ năng quan trọng và cần thiết có liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND tại các địa phương đã được đúc kết phong phú, sinh động. Các bài tham luận thể hiện tinh thần đổi mới trong hoạt động giám sát, đúc rút từ hoạt động thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu trong đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, cách làm hay để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp.
Các bài tham luận đều thống nhất HĐND các cấp cần tăng cường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; đặc biệt, là cần triển khai thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND từ chương trình giám sát đến các hoạt động giám sát, như: chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề, giám sát của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Trọng tâm là tập trung đổi mới trong việc giám sát thực hiện nghị quyết, kiến nghị, kết luận sau giám sát, việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trong hoạt động giám sát, việc tạo điều kiện để đại biểu HĐND thực hiện giám sát theo Hướng dẫn trên. Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm đối với các chủ thể giám sát, đảm bảo kế hoạch giám sát thống nhất, đồng bộ, nâng dần cấp độ từ giám sát của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND đến giám sát của Ban HĐND, Thường trực HĐND, HĐND; tổ chức thực hiện nhuần nhuyễn các hình thức giám sát bao gồm giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, giám sát tại kỳ họp,… để giải quyết vấn đề qua giám sát một cách tuần tự, khép kín và giải quyết triệt để. Thực hiện nhiều hình thức giám sát: từ khâu khảo sát nắm tình hình, giám sát trực tiếp, đi đến kết quả cuối cùng, tái giám sát, giải trình, đối thoại tại phiên họp Thường trực HĐND, chất vấn tại kỳ họp HĐND,… Không chỉ bó hẹp trong giám sát chuyên đề theo chương trình, kế hoạch, mà phải chú trọng lắng nghe thêm thực tiễn để kịp thời giám sát, có kiến nghị đối với những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu HĐND quan tâm.
Việc chọn nội dung giám sát chuyên đề phải đi vào trọng tâm các vấn đề quan trọng, bức xúc, được dư luận xã hội, cử tri, đại biểu HĐND quan tâm. Cần lấy ý kiến đề xuất chuyên đề giám sát từ các đại biểu HĐND, từ Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và từ ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trên cơ sở đề xuất này, sẽ lựa chọn chuyên đề giám sát phù hợp để tổ chức giám sát. Lưu ý cần có sự phối hợp giữa HĐND với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để tránh trùng lặp nội dung, đối tượng, gây lãng phí nguồn lực và phiền hà cho đối tượng giám sát. Tổ chức hoạt động giám sát phải chặt chẽ, đúng quy trình và hướng đến hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu mời các đại biểu HĐND từng hoạt động chuyên trách có kinh nghiệm hoặc chuyên gia am hiểu lĩnh vực tham gia Đoàn giám sát. Cần thành lập và phát huy vai trò, hiệu quả của Tổ giúp việc Đoàn giám sát. Tổ giúp việc có nhiệm vụ tổng hợp các báo cáo, thẩm tra các văn bản, tài liệu liên quan để đề xuất cho Đoàn giám sát các vấn đề cần tập trung giám sát tại buổi làm việc, các nội dung cần kết luận sau buổi giám sát.
Đổi mới phương thức giám sát theo hướng kết hợp giám sát các nội dung chung với các vụ việc cụ thể; kết hợp việc nghe báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát với công tác thu thập thông tin, khảo sát nắm tình hình thực tế; kết hợp giám sát tại chỗ với khảo sát các đối tượng chịu sự tác động để lắng nghe ý kiến, quan điểm, đảm bảo khách quan, toàn diện và đầy đủ. Nhận thức và nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Nội dung, chủ đề chất vấn, giải trình hình thành từ chương trình, kế hoạch và kết quả hoạt động giám sát của HĐND, phù hợp với điều kiện, thời điểm nhất định. Sau khi xác định được vấn đề chất vấn, giải trình, thì phải có kế hoạch, phân công Ban của HĐND liên quan tổ chức khảo sát, nắm thông tin, làm cơ sở cho thành viên Ban và đại biểu HĐND đặt vấn đề chất vấn, giải trình. Trên cơ sở vấn đề chất vấn của đại biểu gửi về, Thường trực HĐND phân loại, chọn lọc vấn đề có chất lượng, nội dung phù hợp để đưa vào chương trình phiên chất vấn trực tiếp. Phiên chất vấn, giải trình phải được tổ chức công khai, dân chủ, sinh động, kèm theo câu hỏi chất vấn là hình ảnh hoặc đoạn phóng sự ngắn để qua đó, minh họa những vấn đề bức xúc nhằm tăng tính thuyết phục. Tăng cường hoạt động truy vấn, tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề, tạo điều kiện để mở rộng đối tượng tham gia. Đối với các vấn đề chất vấn tại kỳ họp, HĐND phải ban hành thông báo kết luận hoặc nghị quyết về phiên chất vấn; đối với các hoạt động chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND phải có kết luận về phiên chất vấn, giải trình, với các yêu cầu cụ thể, xác đáng, thuyết phục đối với các cá nhân, cơ quan có liên quan trong giải quyết những tồn tại, vướng mắc.
Các tham luận và ý kiến của đại biểu cũng cho rằng Thường trực HĐND phải thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND cùng cấp với nhau và với cấp trên. Tùy vào điều kiện thực tế, có thể kết hợp các hoạt động giám sát sao cho tinh gọn, khoa học, hiệu quả, tránh trùng lặp về nội dung, thời điểm thực hiện; hướng dẫn, điều phối và tạo điều kiện để phát huy tốt vai trò giám sát của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, tập trung định hướng giám sát việc giải trình, làm rõ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị của công dân tại địa bàn ứng cử. Cần có cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu về theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình nhằm đôn đốc, tái giám sát kịp thời đối với các nội dung xác đáng nhưng chưa hoặc chậm được thực hiện.
Như vậy, việc nâng cao chất lượng giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và HĐND các cấp ngày càng được chú trọng. Không chỉ tại các Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện vấn đề này mới được triển khai mà luôn được các đại biểu, cơ quan dân cử đúc rút, tìm tòi, đổi mới để làm tốt hơn trách nhiệm của người đại biểu đối với Nhân dân, thực hiện có hiệu quả hơn các nhiệm vụ chính trị của HĐND các cấp./.