Đó là trích đoạn trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleyku năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

115-11-21-bac-ho.jpg
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961. Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề vai trò, vị trí của các dân tộc thiểu số (DTTS) trong quá trình dựng nước và giữ nước. Bác nhận định, đồng bào DTTS và miền núi có tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chịu hy sinh gian khổ vì mục đích, lý tưởng. Tuy nhiên, do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, họ sống rải rác với phong tục, tập quán khác nhau….. Do đó, Người luôn đau đáu 2 điều, làm sao để đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào: “Chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sự đoàn kết giữa các dân tộc, giữa dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số anh em, nhất là giữa các dân tộc thiểu số với nhau để cùng chung sức, đồng lòng tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu nước nhà mới giành được độc lập, giữa muôn vàn khó khăn thử thách, vừa phải tập trung cho nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đang rình rập, vừa phải thực thi chính sách nội trị, chuẩn bị tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I… Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Cụ thể, ngày 18/10/1945, chỉ hơn 40 ngày sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào tỉnh Lào Cai; trong đó, Người căn dặn rằng: "Đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc…Tất cả nhân dân Lào Cai, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo, v.v., cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng". Tại Hội nghị đại biểu các DTTS Việt Nam ngày 3/12/1945, mở đầu bài phát biểu, Bác khẳng định: “Nhờ sức đoàn kết trong đấu tranh của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa”. Bác căn dặn: “Hôm nay là một ngày rất vẻ vang cho nước Việt Nam, là một đại hội xưa nay chưa từng có, một cuộc thân thiện làm cho cả nước vui mừng...; trước kia, các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”. Trong phát biểu tại Hội nghị phụ nữ miền núi ngày 19-3-1946, Người nói: “Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, Đảng và Chính phủ đã làm cho gái, trai bình quyền, các dân tộc bình đẳng về chính trị, các dân tộc đều bình đẳng, dân chủ, đoàn kết”. Trong Báo cáo dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa khóa I năm 1959, Người khẳng định: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ… Chính sách dân tộc của chúng ta nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp đỡ nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vì sự phát triển không đồng đều trong lịch sử, nên giữa miền xuôi và miền núi, giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số tồn tại những sự chênh lệnh về trình độ kinh tế - văn hóa. Riêng ở miền núi, giữa vùng thấp và vùng cao, mức tiến bộ và trình độ sinh hoạt càng có sự chênh lệnh... Đảng và Nhà nước dân chủ nhân dân cần phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao và vùng biên giới tiến kịp vùng nội địa, các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc Kinh, giúp đỡ các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và năng lực to lớn của mình, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ để tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã không ngừng phấn đấu vì một chính sách dân tộc đúng đắn, phù hợp và sát với thực tiễn. Trong những năm tháng làm Chủ tịch nước, Người luôn quan tâm, đi thăm, chia sẻ, động viên đồng bào DTTS và miền núi. Người đã đi thăm nhiều nơi, gửi nhiều bức thư tới đồng bào, tuyên dương những địa phương làm tốt trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, trong xây dựng hợp tác xã và phát triển văn hoá, nâng cao dân trí. Người chỉ ra những mặt còn tồn tại, những khuyết điểm cần phải khắc phục trong công tác lãnh đạo, công tác đoàn thể, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, trong việc xây dựng đời sống văn hoá mới với mong muốn nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

tiet_muc_nhay_sap_cua_nguoi_dan_ban_phuc_20221118124450-copy.jpg
Ngày hội Đại đoàn kết tại bản Phục, huyện Con Cuông

Trong những năm tháng cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Từ tư tưởng đến hành động chỉ đạo của người đã trở thành kim chỉ nam cho Trung ương Ðảng và Chính phủ khi xây dựng và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 118 nghị quyết, nghị định, quyết định về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành nhằm đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực trong đó có các chính sách nổi bật như Chương trình 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định 134/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo ở vùng sâu, vùng xa…đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đó là các chính sách thực hiện xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh… để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN ở Nghệ An

Ở Nghệ An, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan đã quyết tâm từng bước tháo gỡ những vướng mắc, những khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc (dân cư thưa thớt, tập quán sống và canh tác lạc hậu, thậm chí không ít dân tộc còn du canh, du cư, điều kiện giao thông bị chia cắt, cách trở do sông núi hiểm trở, lại thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai khắc nghiệt…) nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, miền; cổ vũ, động viên tinh thần tự nỗ lực, tự phấn đấu vươn lên của đồng bào, để từng bước nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào. Năm 2020 có 182/210 (86,6%) xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (toàn tỉnh 92,4%), 83/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng ở trẻ em DTTS dưới 5 tuổi giảm 1,55% so với năm 2015; tỷ lệ huy động trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) nhập học đúng độ tuổi đạt 99,14%; tỷ lệ trẻ em DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,74%; tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ chữ mức độ 1 đạt 97,04%. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm bình quân 3,4%, riêng các huyện 30a giảm bình quân 6%/năm. Giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn huy động trực tiếp thực hiện Chương trình 135 là 945.490 triệu đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, miền núi được củng cố và tăng cường; các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, chợ thương mại được xây dựng khang trang hơn trước; công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS ngày càng được quan tâm làm thay đổi căn bản diện mạo vùng DTTS và MN, đời sống của của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt.

bna-2-giu-nghe-anh-dinh-tuyen-9898-3484-n1.jpg
Người dân bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn) học nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN Nghệ An còn có một số tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng vẫn ở mức cao và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy được cải thiện nhưng chưa đồng bộ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, một số công trình hạ tầng bị hư hỏng do thiên tai nhưng chậm khắc phục; y tế, giáo dục đã có bước phát triển nhưng chất lượng còn hạn chế, các dịch vụ xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu; việc lồng ghép và sử dụng các nguồn vốn đầu tư chưa cao, chậm tiến độ; đời sống của đồng bào DTTS và MN vẫn còn nhiều khó khăn, người dân chưa tạo được thu nhập ổn định hay sinh kế bền vững trên quê hương; hệ thống cán bộ làm công tác dân tộc còn bất cập về mặt số lượng, chất lượng ở một số nơi chưa thật sự đảm bảo, nguồn nhân lực cán bộ thiểu số để đáp ứng yêu cầu còn hạn chế.

Ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030 được, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chương trình ngày 14/10/2021. Đây là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng “lõi nghèo” của cả nước (trong đó có Nghệ An), thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước với vùng DTTS và MN. Chương trình là một bước triển khai thực hiện phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2025. Đây là lần đầu tiên có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào vùng DTTS và miền núi với mục tiêu đề ra: đến năm 2025, mức thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số gấp 2 lần năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi mỗi năm giảm trên 3%, 50% số thôn, bản ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất cho bà, con, tăng cường y tế, giáo dục, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con...

Một số nội vấn đề cần chú trọng

Hiện nay, Chương trình mục tiêu đang được triển khai rộng khắp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước với quyết tâm chính trị cao nhất. Để đạt được những mục tiêu mà Chương trình đề ra, tỉnh Nghệ An cần sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ngoài việc thực hiện nhất quán và triệt để những nội dung trong Chương trình, các cấp chính quyền cần sáng tạo trong cách thức nhằm phải phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng, vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS, tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và tập trung vào một số những vấn đề sau:

1. Cùng với sự hỗ trợ của trung ương, chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp cũng như bố trí ngân sách địa phương để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN theo các giai đoạn Chính phủ đã đề ra trên cơ sở lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; chương trình thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS… từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền nhằm đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc. Xây dựng các cơ chế đặc thù nhằm tăng cường thu hút các nguồn đầu tư

2. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động theo hướng gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng là đồng bào DTTS. Ví dụ: Nghệ An là một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Hơ Mông, đồng bào Ơ Đu thì việc tuyên truyền, huấn luyện phải có sự thay đổi cho thích hợp. Bởi vì đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào có sự khác nhau. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phải cụ thể, thiết thực, chính xác để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu, dễ tin, dễ tiếp thu và thực hiện. Tăng cường tuyên truyền các trường hợp thành công về giảm nghèo, làm giàu trong đồng bào DTTS để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Vận động đồng bào các dân tộc phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng, vượt khó vươn lên, tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

a-nh-chu-p-ma-n-hi-nh-2021-06-4069-4056-1622974986_1200x0.png
Một góc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

3. Nắm bắt kịp thời tình hình đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc và có những giải pháp kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, giải đáp được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Tiếp tục rà soát việc thực hiện chính sách dân tộc để kịp thời phản ánh, kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết. Thực hiện có hiệu quả các chính sách DTTS và MN; làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, tiếp tục chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giống nòi, cản trở phát triển sản xuất; quan tâm việc cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ, hướng dẫn, tạo điều kiện về mọi mặt để đồng bào đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống gắn với việc phát huy ý thức tự lực, tự cường của đồng bào.

4. Nâng cao chất lượng chính sách dân tộc đối với xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số, tạo nên nguồn lực, hiệu quả đào tạo về số lượng và chất lượng trong xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số, tăng cường nguồn nhân lực cho sự phát triển các vùng dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay.

5. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, đặc biệt tập trung giám sát Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện