Nhiều tồn tại trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Vừa qua, câu chuyện về môi trường lao động tại Công ty TNHH Châu Tiến (Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc) đã trở thành vấn đề xã hội “nóng”, khi nơi đây có 5 công nhân bị mắc bụi phổi silic đã tử vong. Đồng thời, qua giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định của Bộ Y tế đối với những lao động từng làm việc tại doanh nghiệp này, đã xác định có 76 người bị bệnh nghề nghiệp với mức suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 90%.

Công nhân, lao động Nhà máy sản xuất ván ghép thanh và sản xuất mộc dân dụng mỹ Nghệ tại Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hoà

Cùng với thực tiễn diễn ra tại doanh nghiệp Châu Tiến, thông qua hoạt động khảo sát trực tiếp tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh; Ban Văn hoá và Xã hội, HĐND tỉnh cũng đã ghi nhận một số tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hoá và Xã hội, HĐND tỉnh cho biết: Công tác quản lý và tổ chức thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa chặt chẽ, nghiêm túc. Mặc dù doanh nghiệp đã có nội quy, quy chế về an toàn vệ sinh lao động và cấp phát đầy đủ trang bị bảo hộ lao động theo quy định nhưng người lao động không thực hiện vẫn không bị kiểm tra, xử lý dẫn đến nguy cơ tai nạn và không đảm bảo vệ sinh lao động. Tại các cụm công nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh ngành nghề có nguy cơ cao về an toàn, vệ sinh lao động, như sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu; các trang phục, phương tiện bảo hộ đối với người lao động chưa thực sự được đảm bảo. Ở các làng nghề, hầu hết người lao động thiếu nhận thức, kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động và chưa được trang bị đầy đủ, phương tiện, trang phục bảo hộ lao động, cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi tìm hiểu môi trường lao động của công nhân ở doanh nghiệp tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh Mai Hoa

Từ những bức xúc, tồn tại về an toàn, vệ sinh lao động, cuối tháng 5/2024 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay. Tại phiên giải trình này, nhiều tồn tại và lỗ hổng về công tác an toàn, vệ sinh lao động được phân tích, làm rõ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn lao động, làm 20 người tử vong, 17 người bị thương nặng, 22 người bị thương nhẹ. Trong năm 2023, qua khám bệnh nghề nghiệp và điều tra bệnh nghề nghiệp, toàn tỉnh phát hiện 82 người lao động bị bệnh nghề nghiệp.

Dưới góc độ tổ chức Công đoàn thông qua hoạt động giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Thu Nhi – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Công tác quan trắc môi trường lao động để tìm ra các yếu tố có hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động và công tác khám sức khoẻ, phát hiện bệnh nghề nghiêp, thời gian qua ít được doanh nghiệp quan tâm. Một số doanh nghiệp còn hiểu sai và nhầm lẫn giữa quan trắc môi trường lao động với quan trắc môi trường. Hậu quả không quan trắc môi trường lao động, không khám phát hiện bệnh nghề nghiệp rất nặng nề, tác động đến số đông lao động và thời gian ủ bệnh kéo dài, khi phát hiện thì đã trở nên mức độ nặng. Sự việc xảy ra tại Công ty TNHH Châu Tiến đã chứng minh rất rõ điều này. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ sử dụng phân xưởng do chưa đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, nhưng vẫn bố trí lao động vào sản xuất; có doanh nghiệp đưa vào sử dụng những thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn nhưng chưa được kiểm định.

Liên quan đến nguy cơ mất an toàn cháy nổ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng chí Nguyễn Duy Thanh – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Trừ một số khu công nghiệp được đầu tư hiện đại sau này; còn các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhỏ được hình thành ở thời gian trước, khi các quy định pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa ràng buộc nhiều quy định, yêu cầu về công tác phòng, chống cháy, nổ; dẫn đến việc khắc phục có những khó khăn, thậm chí có những doanh nghiệp không thể khắc phục được.

Lãnh đạo Ban Văn hóa và Xã hội, HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo huyện Diễn Châu khảo sát môi trường lao động của công nhân tại CCN Diễn Hồng

Dù công tác an toàn, vệ sinh lao động thời gian qua đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và người lao động được nâng lên, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đang có mức độ khác nhau, tạo “bức tranh” sáng - tối trong câu chuyện này.

Làm rõ nguyên nhân và giải pháp

Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cho thấy, doanh nghiệp FDI chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tốt hơn các doanh nghiệp trong nước; doanh nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu chấp hành tốt hơn các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá tiêu dùng nội địa; doanh nghiệp ngành may chấp hành tốt hơn các ngành dịch vụ, sản xuất khác. Môi trường lao động ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh đang rung hồi chuông cảnh báo nguy cơ tiểm ẩn mất an toàn lao động.

Làm rõ nguyên nhân của thực trạng này, đồng chí Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Vấn đề an toàn, vệ sinh lao động vừa rộng, vừa có tính đặc thù, vừa có tính quy phạm pháp luật, vừa có tính khoa học kỹ thuật và quy trình, quy phạm cũng rất phức tạp. Mặt khác, bên cạnh sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của không ít doanh nghiệp còn hạn chế, thì chính người lao động cũng thiếu kiến thức, kỹ năng và chưa chấp hành tốt an toàn, vệ sinh lao động. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật từ doanh nghiệp của các cấp, các ngành chưa nhiều. Tính trong 3 năm 2021 – 2023, các cơ quan chức năng chỉ thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động tại hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh/tổng hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động toàn tỉnh, chiếm khoảng 2% doanh nghiệp được kiểm tra mỗi năm.

Cùng với số lượng doanh nghiệp được kiểm tra, giám sát ít, đồng chí Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Chất lượng thanh tra, kiểm tra chưa tốt, chưa đeo bám để xử lý đến cùng các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát; trong hơn 1.000 doanh nghiệp được kiểm tra, chỉ phát hiện và xử lý 23 doanh nghiệp vi phạm với số tiền 648 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc phát hiện chậm những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động và xử lý vi phạm cũng như giải quyết chế độ cho người lao động cũng chậm, mà dẫn chứng rõ nhất từ doanh nghiệp Châu Tiến. Không ít cơ sở không thực hiện khám sức khoẻ định kỳ và bệnh nghề nghiệp cho người lao động và không thực hiện quan trắc môi truòng lao động, đề nghị cần làm rõ trách nhiệm để có sự phối hợp tốt hơn trong câu chuyện này ở thời gian tới.

Người lao động tại một cơ sở sản xuất ở cụm công nghiệp Diễn Hồng (huyện Diễn Châu). Ảnh Mai Hoa

Để công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động hiệu quả hơn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và chủ sử dụng lao động; tạo môi trường thu hút đầu tư và phát triển lâu dài của tỉnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền; gắn với rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thanh tra, quản lý về an toàn, vệ sinh lao động, nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra đều trên các lĩnh vực và đeo bám, đốc đốc xử lý sau thành tra, kiểm tra nhằm xử lý đến cùng các kết luận sai phạm của các chủ sử dụng lao động và người lao động, tạo thay đổi về tác phong, kỷ luật lao động của người lao động. Có một thực tế hiện nay, bên cạnh trách nhiệm của không ít chủ sử dụng lao động chưa chấp hành chưa nghiệm các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thì ý thức chấp hành pháp luật của chính người lao động cũng chưa tốt, mặc dù họ được tập huấn, được cung cấp bảo hộ lao động, nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sơ sài, chủ quan, hoặc khi chủ sử dụng lao động thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn chi người lao động cũng không có ý kiến phản ánh, phản biện, đấu tranh đòi quyền lợi cho bản thân mình.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, các cấp, các ngành cần quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai các biện pháp phòng ngừa, cải thiện môi trường lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng: Hiện nay, hệ thống các quy định pháp luật cũng như hướng dẫn thi hành thực hiện an toàn, vệ sinh lao động đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, khó hiện nay là việc thực hiện đảm bảo đúng luật phụ thuộc vào nhiều chủ thể, gồm chủ sử dụng lao động, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước. Mỗi chủ thể này đều có những hạn chế trong đảm bảo an toàn, vệ sinh an toàn lao động; trách nhiệm của UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, đánh giá để làm rõ hơn, cơ sở nào làm tốt, cơ sở nào làm chưa tốt và cơ sở nào không làm được để có “bức tranh” toàn cảnh về an toàn, vệ sinh lao động để đưa ra các giải pháp cụ thể; tránh chung chung, khó triển khai thực hiện. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm, kể cả dừng hoạt động của doanh nghiệp.

Trên cơ sở phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo số 147/TB-HĐND.TT ngày 07/6/2024 kết luận phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4962/UBND-TH ngày 14/6/2024 giao các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Ban Dân tộc tỉnh, cùng UBND các huyện, thành, thị xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện các nội dung Thông báo của HĐND tỉnh đảm bảo đúng quy định./.