Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới, cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.
Thứ nhất, về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động của Công đoàn: Đề xuất quy định theo hướng cho phép người lao động là công dân nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam (Điều 5 của dự thảo Luật), bởi các lý do:
- Hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, tạo điều kiện, cơ hội cho việc dịch chuyển lao động từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam (lao động di cư). Theo thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện có hơn 90 ngàn lao động là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Trên thực tế, quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động ở một số nơi đã phát sinh mâu thuẫn; tranh chấp lao động và người lao động là người nước ngoài cũng phát sinh nhu cầu cần được đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi. Người lao động nước ngoài đa số là lao động chất lượng cao, chấp hành pháp luật tốt, họ có thể đóng góp ý kiến cho công đoàn và người lao động Việt Nam. Điều này có thể nâng cao tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có chất lượng hơn, có cơ hội, có nhiều đơn hàng hơn.
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quyền tự do hiệp hội của người lao động được mở rộng hơn với việc cho phép ra đời “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Nghị quyết số 06 – NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã đặt ra yêu cầu: “Đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…., thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định cho phép người lao động là người nước ngoài được quyền gia nhập “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” (nhưng không được tham gia ban lãnh đạo), đồng thời, tổ chức này có quyền gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam. Quy định như vậy đã gián tiếp mở ra khả năng cho phép người lao động nước ngoài gia nhập vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.
- Thời gian qua, tổ chức công đoàn có nhiệm vụ chăm lo, đại diện cho tất cả công nhân lao động, không phân biệt họ là lao động thuộc quốc tịch Việt Nam hay nước nào. Kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay cũng không loại trừ quỹ tiền lương của người lao động là người nước ngoài.
Vấn đề cho phép người lao động là người nước ngoài gia nhập công đoàn Việt Nam cần được xem xét, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Công đoàn Việt Nam cùng hệ thống chính trị sẽ cần tiếp tục có các giải pháp, biện pháp căn cơ, lâu dài để bảo đảm hoạt động, giữ vững và phát huy bản chất, vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Thứ hai, về quyền gia nhập công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định: “Đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới;…thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Điều 170 Bộ luật Lao động đã cho phép: “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Khoản 3 Điều 172 Bộ luật Lao động quy định: “Trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn”. Như vậy, việc bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tại Điều 6 dự thảo Luật là phù hợp.
Thứ 3, về vấn đề quy định thời giờ hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn không chuyên trách (tại Điều 27):
Luật Công đoàn năm 2012 đã quy định lượng hóa thời giờ hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn không chuyên trách, gắn với từng chức danh cán bộ công đoàn (VD: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành). Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công đoàn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong thời gian qua. Trong thực tiễn, nhiều doanh nghiệp còn tạo điều kiện thêm về thời gian cho hoạt động công đoàn.
Trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, Bộ luật Lao động 2019 đã có cách tiếp cận mới về bảo đảm thời gian cho thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (trong đó có công đoàn cơ sở), theo hướng: “thời gian tối thiểu mà người sử dụng lao động dành cho toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện trên cơ sở số lượng thành viên của tổ chức” và do Chính phủ quy định. Như vậy, việc nghiên cứu sửa đổi Luật Công đoàn 2012 để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và sự bình đẳng giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, việc sửa đổi quy định này cần phải đảm bảo phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ đặc thù của Công đoàn Việt Nam theo quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013. Hiện nay, Công đoàn Việt Nam đang thực hiện 2 chức năng, thứ nhất là “tổ chức chính trị - xã hội” đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, thứ hai là “tổ chức đại diện người lao động”. Với 2 chức năng đó, ngoài nhiệm vụ cốt lõi là “đại diện, bảo vệ người lao động” như tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn sẽ thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của tổ chức chính trị - xã hội mà tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không có như: tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng…vv. Nếu quy định “cào bằng” về thời gian hoạt động công đoàn như tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì sẽ làm khó khăn cho cán bộ công đoàn cơ sở.
Do đó, việc quy định thời giờ làm việc cho cán bộ công đoàn cơ sở phải đảm bảo phù hợp để cán bộ công đoàn cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; không suy giảm quá lớn so với quy định hiện hành và không “cào bằng” so với thời gian của thành viên ban lãnh đạo “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.