Từ bao đời nay danh tiếng của những sản vật này không còn dừng lại trong tỉnh, mà đã bay xa đến các vùng miền khác trong và ngoài nước. Về cây đặc sản, hầu như không ai lại không biết những sản vật như: khoai sọ Kì Sơn; xoài Tương Dương; Quế Quỳ; cây lùng Quỳ Châu; trám đen Thanh Chương; các loài dược liệu; các giống dưa rẫy, lúa nương…Về vật nuôi, những bò Mông; trâu Na Hỷ; lợn đen; gà ác, vịt bầu Quỳ; cánh kiến…cũng nổi tiếng từ lâu. Bên cạnh đó, những sản phẩm qua bàn tay chế biến của con người như thổ cẩm, hương trầm, các bài thuốc nam bí truyền; sản phẩm nghề rèn của người Mông, nghề đan lát của người Thái…cũng là những sản phẩm đặc sắc, không chỉ được sử dụng trong đời sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc, mà còn là những sản phẩm được ưa chuộng, thậm chí được săn lùng của những người ở nhiều nơi trong và ngoài nước.
Từ hàng chục năm nay, nhất là những năm gần đây khi giao thương ngày càng thuận lợi và mở rộng, các sản phẩm đặc sản nói trên càng có cơ hội tốt để dần xâm nhập thị trường. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, các đặc sản vẫn đang là đặc sản. Hai chữ hàng hóa đối với chúng vẫn chỉ ở dạng tiềm năng là chủ yếu. Đó là chưa kể hàng chục năm qua xu hướng ồ ạt đưa các giống cây, con mới vào miền Tây đã và đang lấn át xu hướng phục hồi và phát triển cây con bản địa truyền thống. Các giống lúa lai (chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc) ồ ạt xâm nhập miền Tây, đẩy các giống lúa nương bản địa dần vào…kí ức. Tương tự chương trình Shin hóa đàn bò cũng đã nhọc nhằn leo dốc lên núi, mà quên mất những trâu Na hỷ, hay bò Mông to lớn, lực lưỡng, phẩm cấp thịt ngon, thích nghi với môi trường bản địa đã hàng trăm năm. Rồi các giống xoài lai tạp cũng đã làm hỏng giống xoài Tương Dương danh tiếng. Vài chục năm trước cây quế lên ngôi. Nhưng, trong cao trào quế ấy, người ta không nhân giống cây quế Quỳ bản địa lừng danh, mà ồ ạt nhập giống quế từ nơi khác về. Kết quả là mấy năm gần đây người dân đang chặt quế để trồng keo lai. Không chỉ có thế, chính giống quế ngoại lai này đã làm mất uy tín danh tiếng của Quế Quỳ. Không phủ nhận trong rất nhiều giống cây con mới được đưa lên miền Tây cũng đã có những giống thích nghi và trở thành hàng hóa, như cây chè Tuyết shan ở Kì Sơn, cây ngô lai, lúa lai, keo lai … Nhưng, trong lúc mọi nguồn lực hầu như dành cho xu hướng đó, thì rõ ràng cơ hội để cho các đặc sản và sản phẩm truyền thống của các địa phương trở thành hàng hóa hầu như không có.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi thấy cần thiết và có thể làm một số việc sau đây, để góp phần đưa đặc sản trở thành hàng hóa.
1. Tác động về khoa học công nghệ để góp phần tạo ra khối lượng và chất lượng đồng đều cho các sản phẩm
Đối với các đặc sản, khoa học - công nghệ cần thiết và có thể tác động vào các khâu:
- Giống cây trồng, vật nuôi để đảm bảo có giống thuần chủng và sạch bệnh, cũng như có số lượng giống lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong đó, cần thiết và có thể áp dụng các kỹ thuật mới về nhân giống, tạo giống, nhằm phát triển các nguồn gen quý bản địa. Từ tạo giống tiến tới tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất.
Hương trầm Quỳ Châu là một ví dụ. Nhận thấy giá trị và tiềm năng thương mại của mặt hàng truyền thống này, liên tục mấy năm nay địa phương và các ngành công thương, nông nghiệp, khoa học công nghệ đã có những đầu tư thích hợp cho nó. Riêng Sở Khoa học và Công nghệ sau dự án trồng cây rễ hương dưới tán rừng thành công, đã đầu tư tiếp đề tài nhân giống cây rễ hương bằng hom. Hai công trình này đã góp phần đắc lực giải quyết vấn đề nguyên liệu cho sản xuất hương.
Tương tự như hương trầm Quỳ Châu là câu chuyện con vịt bầu Quỳ. Từ nguy cơ mất giống vài ba chục năm trước, giống vịt bầu Quỳ đã được Viện Chăn nuôi nghiên cứu bảo tồn nguồn gen. Đặc biệt, nó đã được doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu dày công nuôi và kiên trì nhân giống, cho đến nay đã đảm bảo nguồn giống cho cả vùng, thậm chí ra các địa phương khác.
Tuy nhiên, hiện vẫn có một vài giống chưa thành công như giống cây lùng ở Quỳ Châu, giống trà hoa vàng ở Quế Phong, giống sâm Puxalaileng ở Kỳ Sơn…
- Tác động vào quy trình sản xuất, chế biến. Theo hướng này chủ yếu là chúng ta nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến truyền thống, đồng thời có thể ứng dụng một số tiến bộ khoa học, công nghệ vào một số khâu cụ thể.
Ví dụ, nghiên cứu hoàn thiện quy trình làm men lá, quy trình ủ rượu và làm rượu men lá ở Con Cuông, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào khử độc tố trong rượu.
Việc sản xuất hương trầm Quỳ Châu cũng đã được nghiên cứu chuẩn hóa về phối trộn nguyên liệu, quy trình sản xuất thủ công, đưa thiết bị công nghệ mới vào để phối trộn nguyên liệu và sản xuất hương thẻ theo cơ khí hóa.
Đối với con bò Mông, đây là giống bò có tầm vóc cao lớn, có phẩm chất thịt tốt, đặc biệt đã thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng vùng cao. Gần đây một dự án khoa học nhỏ đã tác động đến con bò Mông ở Kỳ Sơn mới chỉ ở hai khâu là thức ăn và thú y, thế nhưng đã mang lại hiệu quả rất tốt. Nếu như được đầu tư để giải quyết rốt ráo khâu giống (khắc phục tình trạng cận huyết hiện nay), khâu chăm sóc, tổ chức nuôi, cùng với chế biến và xây dựng, phát triển thương hiệu, thì câu chuyện thịt bò Mông cạnh tranh ngang bằng với thịt bò ngoại là điều không đến nỗi xa vời.
2. Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đặc sản
Phần lớn các đặc sản của Nghệ An đã có danh tiếng lâu đời, nghĩa là đã có thương hiệu một cách tự nhiên. Tuy nhiên, khi trở thành hàng hóa, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cần phải được xây dựng một cách khoa học và tuân thủ các quy định của pháp luật. Theo đó, cần dựa trên danh tiếng của đặc sản đã có sẵn để xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm. Từ đó đẩy mạnh quảng bá, quảng cáo, nâng cao chất lượng sản phẩm để tái định vị thương hiệu cho đặc sản ở tầm cao hơn.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, các sản phẩm có thể đăng kí bảo hộ nhãn hiệu dưới các hính thức:
- Nhãn hiệu hàng hóa thông thường, như Vịt Bầu Quỳ, Măng Loi (Tân Kỳ); Rượu Mường Cuông (Con Cuông)…
- Nhãn hiệu tập thể (như Hương trầm Quỳ Châu; Dược liệu Pù Mát; Bánh Gai Dốc Dừa; Chè Gay…)
- Nhãn hiệu chứng nhận (như Rượu men lá Con Cuông; Dê Tân Kỳ; Chanh leo Quế Phong…)
- Chỉ dẫn địa lý (như Cam Vinh; Gừng Kỳ Sơn…)
Để khai thác được lợi thế từ danh tiếng của đặc sản, khi xây dựng nhãn hiệu cần:
- Cố gắng sử dụng được các địa danh gắn với đặc sản
- Đưa các hoạ tiết, hoa văn, chỉ dấu…gợi liên tưởng đến đặc sắc văn hóa của vùng có đặc sản vào logo, nhãn mác, bao bì sản phẩm, hoặc vào slogan của sản phẩm.
Đặc biệt coi trọng việc đưa nhãn hiệu vào sử dụng và quản lý nhãn hiệu một cách thường xuyên và chặt chẽ.
- Tổ chức sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, không đồng đều của đặc sản
Cản trở cho việc biến đặc sản thành hàng hóa lớn nhất hiện nay chính là hình thức tổ chức sản xuất. Tuyệt đại bộ phận các đặc sản đang là sản phẩm của kinh tế hộ, thậm chí là của những hình thức tổ chức sản xuất hết sức sơ khai, lạc hậu và cực kì manh mún, kể cả du canh du cư. Bởi vậy, để hiện thực hóa xu hướng này cần phải quan tâm xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất thích hợp, như tổ sản xuất (chế biến rượu men lá ở Con Cuông); Hợp tác xã (Hương trầm Quỳ Châu, Bánh gai Dốc Dừa); Doanh nghiệp (Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu sản xuất giống vịt Bầu Quỳ)…
Trong đó, cần phát triển các liên minh sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt. Họ vừa là người xây dựng các cơ sở chế biến, vừa tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua sản phẩm cho người nông dân. Câu chuyện phát triển dược liệu Pù Mát ở Con Cuông trong những năm gần đây với vai trò nòng cốt, dẫn dắt của doanh nghiệp là một mô hình đáng tham khảo.
- Thực hiện “3 có” để quản lý đồng bộ sản phẩm
Biến đặc sản thành hàng hóa không chỉ là tăng về khối lượng, mà quan trọng, khó khăn hơn là đảm bảo sự đồng đều về chất lượng và có đủ các điều kiện cần thiết để lưu thông trên thị trường. Muốn vậy, cần thực hiện “3 có” là:
- Có nhãn hiệu (nhãn hiệu, bao bì, ghi nhãn hàng hóa đúng quy định…)
- Có quản lý chất lượng, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm phải được sản xuất, chế biến trong những cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; được lấy mẫu đưa đi phân tích chất lượng, được công bố chất lượng đảm bảo theo quy định của pháp luật.
- Có truy xuất nguồn gốc (bằng mã vạch hoặc tem truy xuất nguồn gốc điện tử QR code).
“3 có” cũng chính là yêu cầu cốt lõi của sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hiện nay.
Nếu đảm bảo “3 có” thì các sản phẩm hàng hóa phát triển từ đặc sản hoàn toàn có thể tự tin bước vào thị trường một cách bền vững.
Từ những thành công và những mày mò thử nghiệm, gần đây trong chiến lược phát triển cũng như các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đã quan tâm hơn đến xu hướng biến đặc sản thành hàng hóa. Trong đó, khẳng định, cần phải tác động đến các đặc sản và sản phẩm truyền thống một cách đồng bộ từ khoa học, công nghệ (để giải quyết các vấn đề giống; kĩ thuật nuôi, trồng; công nghệ chế biến), đến tổ chức sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường.. Thành công bước đầu của một số mô hình nghiên cứu và ứng dụng đã khẳng định tính khả thi của việc biến các đặc sản và sản phẩm truyền thống thành hàng hóa.
Rõ ràng đặc sản và các sản phẩm truyền thống không chỉ là sản phẩm của sự đa dạng sinh học và độc đáo văn hóa, mà còn chứa đựng tiềm năng thương mại to lớn. Đặc biệt trong xu thế tiêu dùng hướng về các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên và được chế biến bởi bàn tay con người, mang bản sắc văn hóa vùng miền thì cơ hội để đặc sản trở thành hàng hóa càng rộng mở hơn bao giờ hết. Khai thác thế mạnh này cũng là lời giải cho bài toán phát triển kinh tế mà không triệt tiêu, không xâm hại đến văn hóa.