Bảo tồn những ngôi nhà cổ của người Mông ở Kỳ Sơn
Với những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc mình, cộng đồng người Mông đã góp phần lớn vào việc tạo nên một nền văn hóa đa dạng hòa cùng các dân tộc thiểu số khác ở miền Tây xứ Nghệ.
Hiện cộng đồng này sinh sống nhiều nhất trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Khi đặt chân đến các bản làng người Mông, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh những ngôi nhà lợp bằng gỗ sa mu nằm san sát, bên sườn các đỉnh núi cao. Theo thời gian, những mái nhà sa mu đã lên màu xanh mốc, cổ kính, trầm mặc giữa đại ngàn.
Theo các già làng người Mông, nhà ở của cộng đồng này trước đây đều được lợp bằng loại gỗ có dầu như sa mu nhằm giữ nhiệt. Gỗ sa mu vừa giúp họ vượt qua được cái lạnh mùa Đông trên núi cao và duy trì không khí mát mẻ vào mùa Hè nóng nực. Đồng thời, loại gỗ này có thể sử dụng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trời. Đây là truyền thống của dân tộc Mông từ thời xa xưa khi mới di cư đến vùng núi cao huyện Kỳ Sơn.
Hiện Kỳ Sơn có 25.932 người Mông chiếm 32,46 % đồng bào sinh sống trên
địa bàn, trong quá trình phát triển, đồng bào Mông đã lưu giữ di sản văn
hoá như tri thức bản địa, phong tục tập quán, văn hoá vật thể. Trong đó, đáng chú ý là văn hoá vật thể về nhà ở bằng gỗ sa mu.
Theo khảo sát, hiện người Mông trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang sinh sống ở 73 bản/12 xã, tuy nhiên chỉ còn 23 bản/6 xã đang lưu giữ hàng trăm ngôi nhà cổ được làm từ gỗ sa mu có niên đại hàng trăm năm. Đây là di sản vô cùng quý giá có giá trị quan trọng đối với địa phương. Tuy nhiên, di sản này đang đứng trước nguy cơ bị mai một, cần có phương án khôi phục bảo tồn phù hợp.
Ông Vừ Chống Dì ở bản Huồi Giảng 2 (xã Tây Sơn) những năm trước sống cùng con, cháu trong ngôi nhà lợp bằng mái sa mu ấm cúng được truyền lại từ đời cha ông. Tuy nhiên, khi các con đã trưởng thành và cất nhà ở riêng gần đó, những ngôi nhà gỗ được dựng lên nhưng không phải lợp bằng gỗ sa mu nữa, mà thay vào đó là những tấm fibro xi măng. Mái nhà sa mu có tuổi đời gần trăm năm của ông cũng được các con vận động thay lại.
“Mái nhà sa mu bị thay đổi lòng tôi cảm thấy như bị mất đi một cái gì đó thiêng liêng lắm. Nhưng ngẫm lại các con nói đúng, gỗ thì không được khai thác nữa, mà mái nhà lâu năm quá trước sau gì cũng bị hư hỏng, dột nát” – ông Chống Dì chia sẻ.
Khác với ông Vừ Chống Dì, ông Vừ Lầu Phổng ở bản Huồi Giảng 1 lại không chọn cách thay mái nhà, bởi với ông Phổng đây là món quà quý mà cha ông đã để lại cho đời sau. Ông Phổng bảo rằng, nhiều thời điểm mưa gió, mái nhà bị hở ra dột nước. Ông đành mua những tấm lợp nhựa trong suốt để luồn vào dưới tấm lợp sa mu. Việc này vừa giúp tránh mưa dột, vừa giữ được nét cổ kính của ngôi nhà.
Trước đây, nhà mái sa mu tập trung chủ yếu ở bản Huồi Giảng 1, 2,3 với khoảng 200 hộ và một số ở bản Lữ Thành, nhưng hiện tại ở bản Huồi Giảng 1 chỉ còn giữ được khoảng 60% nhà mái sa mu, Huồi Giảng 2 và 3 chỉ còn 20%... Một số hộ đã cố gắng bảo tồn bằng cách lợp mái nhựa trong suốt dưới mái sa mu để gắng không làm thay đổi vẻ hoài cổ của những nếp nhà. Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự vào cuộc của cấp trên để bảo tồn được những ngôi nhà này.
Còn tại xã Nậm Càn, nơi có 6/6 bản làng người Mông sinh sống cũng đang rơi vào tình trạng “mất trắng” những mái nhà lợp gỗ sa mu. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những ngôi nhà ở đây theo sự phát triển đều được lợp mới bằng tôn hoặc ngói. Những mái nhà sa mu hiện ở xã biên giới này chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Ngày trước các nhà đều được lợp bằng gỗ sa mu, tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, khi có tuyến đường nhựa nối từ xã Lưu Kiền (Tương Dương) vào thì bà con ồ ạt đua nhau làm lại nhà hoặc thay lại mái như một trào lưu. Bây giờ muốn khôi phục cũng không tìm đâu ra gỗ được nữa. Đây quả thực là một điều đáng tiếc.
Đây thực sự là một thực trạng đáng báo động khi huyện Kỳ Sơn đang cố gắng để phát triển ngành du lịch dựa trên thế mạnh về thiên nhiên và bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người cũng bày tỏ quan ngại, những ngôi nhà lợp bằng mái sa mu bị mai một thì cũng đồng nghĩa với nền văn hóa của cộng đồng người Mông đang dần bị mất đi và rơi vào “dĩ vãng”...
Huyện cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này, bởi đây không chỉ là bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là một hướng đi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trong tháng 3/2024 huyện đã có văn bản gửi Sở Khoa học Công nghệ đề xuất phương án khôi phục và bảo tồn những ngôi nhà cổ của người Mông ở 23 bản thuộc 6 xã trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp, ngành những ngôi nhà bằng mái sa mu được khôi phục sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài huyện.