Thiếu giáo viên so với quy định

Trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ giáo viên đứng lớp, định mức số người làm việc được giao chưa đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ giáo viên/lớp/bậc học: Bậc THPT: 2,24; Bậc THCS: 1,8; Tiểu học: 1,2; Mầm non: Nhà trẻ: 1,6/ nhóm; Mẫu giáo: 1,2. Trong khi đó quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: Mầm non: 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo, Tiểu học: 1,5 giáo viên/lớp, THCS: 1,9 giáo viên/lớp và Tổng phụ trách Đội, THPT: 2,25 giáo viên/lớp. Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 quy định định mức số người làm việc nhưng hầu hết các trường đều không đủ số lượng quy định.

bai-van.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mặc dù thiếu số lượng lớn giáo viên so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng lại có tình trạng thừa cục bộ từng địa phương, từng trường như: tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp THCS (bậc THCS tổng chung thiếu 301 giáo viên nhưng lại thừa cục bộ ở một số địa phương như Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn). Xu hướng thiếu nhiều giáo viên ở các môn học theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 như: môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân; thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non (thiếu 5.398 giáo viên) và tiểu học (thiếu 2.297 giáo viên); thiếu ít nhất là bậc THCS (thiếu 301 giáo viên) và THPT (thiếu 48 giáo viên).

Huyện Qùy Châu, theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn huyện thiếu 153 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non (76 người). Trường mầm non Châu Hội - Qùy Châu có 26 giáo viên/14 lớp, tỷ lệ 1,86 giáo viên/lớp, hiện tại trường đang thiếu 5 giáo viên để đảm bảo định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về cán bộ quản lý giáo dục, hiện tại trường chỉ có 01 Hiệu trưởng và 01 Phó Hiệu trưởng trong khi đó theo quy định trên 6 nhóm lớp thì được bố trí 2 Phó Hiệu trưởng, đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có từ 05 điểm trường trở lên có thể bố trí thêm 01 Phó Hiệu trưởng.

Huyện Hưng Nguyên thiếu 244 giáo viên so với định mức quy định, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non (thiếu 123 giáo viên). Trường Tiểu học Hưng Thông có tổng số cán bộ quản lý, giáo viên: 19 người. Tỉ lệ giáo viên/lớp: 1,25 thấp hơn so với quy định tỉ lệ giáo viên cần có để thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày (theo định mức quy định, trường đang thiếu 4 giáo viên).

Việc thiếu giáo viên gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học, đảm bảo tiêu chí Trường chuẩn quốc gia và gây áp lực làm việc cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, dẫn đến tình trạng một số chế độ, chính sách đối với giáo viên như: định mức dạy/tuần, giảm tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm, giảm giờ dạy đối với các hoạt động chuyên môn khác quy đổi ra giờ dạy chưa được thực hiện. Hầu hết giáo viên đều phải dạy vượt giờ nhưng không có kinh phí chi trả hoặc được chi trả thấp hơn so với quy định.

dong-chi-dao-cong-loi-pho-giam-doc-so-giao-duc-va-dao-tao-phat-bieu-y-kien-1.jpg
Đồng chí Đào Công Lợi -Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu ý kiến (Ảnh: Nguyễn Vân)

Đồng chí Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thiếu giáo viên đã tạo áp lực làm việc lớn đối với đội ngũ giáo viên đang giảng dạy, thực tế là giáo viên đang dạy học phải làm thêm việc, dạy thêm tiết cho số giáo viên đang thiếu. Mặt khác, việc đảm bảo tiêu chí Số lượng, cơ cấu giáo viên đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục” trong xây dựng Trường chuẩn quốc gia còn khó khăn do hầu hết các trường đều thiếu giáo viên.

Phải giảm biên chế dù đang thiếu giáo viên

Có nghịch lý đó là thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, ngành phải cắt giảm chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục trong khi đang thiếu giáo viên, quy mô học sinh thì ngày càng tăng. Dự báo năm học 2025-2026 so với năm học 2021-2022 toàn ngành giáo dục giảm 14 trường, tăng 2.516 lớp (tăng 10,3%), tăng 106.137 học sinh, trong đó cấp mầm non tăng 354 lớp với 10.832 học sinh, tiểu học tăng 940 lớp với 8.603 học sinh, THCS tăng 1.326 lớp với 64.378 học sinh, THPT tăng 562 lớp với 23.193 học sinh. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên theo định mức quy định càng trầm trọng hơn khi thực hiện tinh giản biên chế. Đặc biệt, thiếu nhiều nhất là các cơ sở giáo dục thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày theo quy định chương trình giáo dục phổ thông mới.

truong-mam-non-nghia-long-huyen-nghia-dan.jpg
Trường Mầm non Nghĩa Long huyện Nghĩa Đàn (Ảnh: Nguyễn Vân)

Đồng chí Nguyễn Song Hào - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nghĩa Đàn cho rằng, có nghịch lý một bên thì thực hiện chủ trương cắt giảm sỹ số học sinh/lớp để nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; một bên thì thực hiện tinh giản biên chế, do đó bắt buộc phải cắt giảm số lớp, tăng số học sinh/lớp. Vì vậy, địa phương rất khó khăn trong việc vừa bảo đảm chất lượng dạy và học vừa phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

Trao đổi làm rõ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết trong thời qua, việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của ngành rất khó khăn trong điều kiện đang thiếu giáo viên, quy mô trường lớp tăng, theo lộ trình từng giai đoạn giảm 10%, trung bình mỗi năm ngành giáo dục phải giảm 1.300 người, do đó việc bảo đảm số lượng giáo viên theo quy định của trung ương là rất khó khăn.

Giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên

Để đảm bảo chương trình, chất lượng dạy học trong điều kiện thiếu giáo viên trong thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục thực hiện nhiều giải pháp như: vận động giáo viên dạy thêm giờ, thêm tiết, thực hiện xã hội hóa huy động tiền đóng góp của phụ huynh để chi trả lương cho giáo viên, hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên,…Năm học 2021-2022 tổng biên chế giao là 54.475 người; trong đó có 45.980 người hưởng lương từ ngân sách; 8.459 hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp; 36 người hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn về kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp do nguồn kinh phí chỉ có học phí (dùng để cải cách tiền lương và chi thường xuyên), không đảm bảo để chi trả cho giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng.

Theo cô Trần Thị Huyền - Hiệu trường Tiểu học Hưng Thông cho biết để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày trường phải thỏa thuận phụ huynh học sinh thu tiền học: 85.000 đ/học sinh để chi trả cho giáo viên. Ngoài ra, trường đã hợp đồng 01 giáo viên dạy môn Tiếng Anh để đảm bảo chương trình học. Tuy nhiên, số kinh phí thu được này cũng không đủ để chi trả lương dạy thêm giờ đối giáo viên theo quy định

Trao đổi rõ vấn đề này đồng chí Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học của Sở giáo dục và Đào tạo cho biết hầu hết giáo viên hiện nay đều phải dạy “tình nguyện” chứ chưa có kinh phí để chi trả. Theo quy định định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, tuy nhiên do thiếu giáo viên nên hiện tại giáo viên phải dạy 32 tiết/tuần. Để chi trả số tiết vượt định mức này, một số cơ sở giáo dục phải tìm cách xã hội hóa, vận dụng Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thể thu tiền tăng cường buổi 2 để chi trả cho giáo viên. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương nhất là các địa phương ở miền núi không thể xã hội hóa, thu tiền từ phụ huynh nên hầu hết giáo viên phải dạy “tình nguyện” để đảm bảo chương trình học.

Bên cạnh đó, để đảm bảo về đội ngũ giáo viên thực hiện các mục tiêu xây dựng Trường đạt chuẩn quốc gia và tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm áp lực lao động lên đội ngũ nhà giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh trình Trung ương bổ sung 7.843 biên chế giáo viên còn thiếu nhưng đến nay Trung ương chưa cho ý kiến về vấn đề này.

Việc thực hiện tinh giản biên chế cần thực hiện linh hoạt, đồng thời có các giải pháp hữu hiệu để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW; đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 NQ/TW, đảm bảo tinh giản biên chế, nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.

Nguyễn Thị Vân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh