Từ thực tế quản lý khoáng sản chưa cấp phép của chính quyền địa phương cấp xã và huyện, Đoàn khảo sát ghi nhận thực trạng: khu vực khoáng sản thường tập trung vùng núi cao, giao thông khó khăn; đối tượng khai thác trái phép nhiều thủ đoạn tinh vi và khi bị phát hiện thường chối quanh co... Trong khi đó, chính quyền địa phương không được trang bị công cụ, phương tiện hỗ trợ, không có thẩm quyền, nghiệp vụ điều tra nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn và không triệt để…
Tránh chồng chéo trong quy hoạch, quản lý khai thác
Từ thực tiễn địa phương, UBND huyện Quỳ Hợp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét quy định rõ cơ chế đặc thù cho các địa phương có khoáng sản phải quản lý, như: bổ sung con người, cung cấp phương tiện, thiết bị máy móc…; có chế độ trợ cấp đặc thù cho cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản. Đồng thời, giao trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho lực lượng công an các cấp chủ trì, còn cơ quan quản lý nhà nước địa phương là đơn vị phối hợp để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả… Cùng với đó, quy định rõ quyền lợi địa phương nơi có khoáng sản được khai thác là cấp huyện và cấp xã; quy định rõ tỉ lệ phần trăm trong tổng thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản mà địa phương được hưởng (như trường hợp thu tiền đấu giá đất…), tránh tình trạng đã được quy định trong nghị định số 158/2016/NĐ-CP nhưng thực hiện không hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quán Vi Giang nhấn mạnh mong muốn UBND tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn UBND huyện có phương án xử lý đối với các xưởng chế biến hình thành từ lâu nhưng chưa hoàn thành các thủ tục thuê đất; có phương án khai thác tận thu đá cảnh, phù hợp với nhu cầu cải tạo đất sản xuất của người dân; thực hiện đồng thời việc cấp mỏ và cho thuê đất phục vụ khai thác mỏ để thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan QLNN ở cấp xã, huyện.
Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai quyết liệt, kịp thời các quy định về khoáng sản, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng ghi nhận đề xuất của một số doanh nghiệp, như: nghiên cứu “nới lỏng” cấp phép các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ còn sót lại nằm xen giữa các mỏ đã được cấp phép. Theo Công ty CP Khoáng sản và TM Trung Hải - Nghệ An, cần ưu tiên các doanh nghiệp đã đầu tư chế biến sâu được phép thăm dò, nâng cấp các khu vực đã được cấp phép thăm dò mà chưa cấp phép khai thác để tận thu khoáng sản, cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy; đồng thời, ưu tiên các doanh nghiệp đã đầu tư chế biến sâu đấu giá khoáng sản để ổn định thị trường, tránh lãng phí…; nghiên cứu áp dụng phương pháp tính công suất khai thác tối đa từ 3 - 5 năm.
Còn đại diện Công ty CP An Lộc thì cho rằng: dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang phân khoáng sản thành 4 nhóm cụ thể theo công dụng để có các quy định phù hợp về phân cấp, thẩm quyền quản lý, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý đối với từng nhóm khoáng sản... Tuy nhiên, cần cho ý kiến về tính phù hợp trong phân loại để tránh chồng chéo trong quy hoạch và quản lý khai thác khoáng sản.
Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, các doanh nghiệp cũng kiến nghị: đối với khoáng sản mới được phát hiện, doanh nghiệp được phép báo cáo và khai thác được coi là đi kèm; doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo hoặc được phép bổ sung quy hoạch cục bộ, không bắt buộc phải chờ theo kỳ quy hoạch… Bên cạnh đó, cần làm rõ tỷ lệ thu hồi khoáng sản thuộc nhóm II (các vật liệu ngành công nghiệp xây dựng), nhưng không cần điều chỉnh giấy phép; bổ sung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật khai thác mỏ đối với giám đốc điều hành khai thác lộ thiên...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị, huyện Quỳ Hợp tăng cường vai trò quản lý nhà nước về quản lý khai thác khoáng sản; phối hợp tốt với các cấp, ngành để tạo hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn… “Đoàn tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh lý dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; đồng thời tham gia cho ý kiến tại các phiên họp của Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật này”, bà Thái Thị An Chung nhấn mạnh.