Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan giúp việc HĐND còn ít; cơ sở vật chất, chế độ đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với đại biểu HĐND, công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND còn hạn chế, bất cập.

Qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương và quá trình theo dõi tổ chức, hoạt động của HĐND cấp tỉnh năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể thấy bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, trong tổ chức và hoạt động của HĐND vẫn còn một số hạn chế.

Chưa gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ với nguồn lực

Trước hết, quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND có một số quy định và hướng dẫn chưa đầy đủ, rõ ràng về: thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND trong việc cho ý kiến về khung giá đất, giá đất; chế tài xử lý đối với trường hợp không thực hiện kết luận sau giám sát; chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung quy định 1/3 thời gian làm việc trong năm đối với đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm; chế độ, chính sách (thi đua khen thưởng) và việc xử lý kỷ luật đối với đại biểu HĐND kiêm nhiệm; Nghị quyết 1004/2020/UBTVQH14 về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND chưa được sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn; sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng pháp luật vẫn chưa được ban hành.

Hoạt động giám sát bằng hình thức chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh thực hiện chưa nhiều, chủ yếu tập trung chất vấn tại kỳ họp. Nội dung chất vấn chưa phản ánh đầy đủ các vấn đề bức xúc của cử tri; một số nội dung về chất vấn, trả lời chất vấn, giải trình chưa sát với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa tranh luận đến cùng và làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm. Chưa tổ chức được nhiều hoạt động giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND; các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh.

Hình thức TXCT chưa đa dạng, chủ yếu TXCT tại các đơn vị bầu cử trước và sau kỳ họp thường lệ, tổ chức TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, nơi làm việc, nơi cư trú còn ít; việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với một số vụ việc chưa dứt điểm liên quan đến nguồn lực, cơ chế chính sách hoặc chưa nhận được sự đồng thuận cao của cử tri. Việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của một số các cơ quan có thẩm quyền còn kéo dài, quá thời hạn quy định, có trường hợp cử tri chưa đồng tình với kết quả giải quyết nên tiếp tục gửi đơn nhiều lần. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị, kết luận qua giám sát chưa được thường xuyên và triệt để.

Công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa Thường trực với các ban HĐND và một số cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động của HĐND, thường trực HĐND có lúc chưa chặt chẽ. Chưa có biện pháp chỉ đạo hiệu quả việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát, kết luận các phiên họp, lời hứa của người bị chất vấn tại phiên chất vấn, việc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của cử tri; chưa khắc phục được tình trạng chậm gửi một số tài liệu đến các kỳ họp HĐND cấp tỉnh.

Việc tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và các đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách có nội dung chưa bảo đảm thời gian theo quy định. Các đơn vị được lấy ý kiến chưa quan tâm đến việc tham gia vào dự thảo nghị quyết. Công tác dự báo các nguồn lực thực hiện nghị quyết chưa được tính toán đầy đủ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nguồn lực ngân sách nên quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn gặp lúng túng, khó khăn.

to-giam-sat-cua-thuong-truc-hnd-tinh-lai-chau-gap-go-nghe-y-kien-cua-nguoi-truc-tiep-tham-gia-cong-viec-o-thon-ban---anh-pham-cuong.jpg
Tổ giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu gặp gỡ, nghe ý kiến của người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, bản. Ảnh: Phạm Cường

Tổ chức bộ máy cơ quan giúp việc chưa tương xứng

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên được xác định do các quy định của pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp chịu sự giám sát không chấp hành việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Việc cung cấp thông tin, số liệu của các cơ quan phục vụ hoạt động của HĐND một số nơi chưa thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời; chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục việc chậm gửi, lùi hoặc thay đổi một số nội dung trình của UBND và các cơ quan liên quan tại các kỳ họp HĐND. Bên cạnh đó, nguồn lực của một số địa phương còn hạn chế nên chưa giải quyết dứt điểm được một số kiến nghị của cử tri như về lĩnh vực đầu tư xây dựng; một số nơi còn xem nhẹ vai trò của HĐND trong bộ máy nhà nước; thiếu sự quan tâm, phối hợp trong các mặt công tác nên hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt, nhiệm vụ của HĐND được giao ngày càng nhiều, trong khi số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách khá ít. Một số đại biểu do bận công tác chuyên môn, nhất là đại biểu kiêm nhiệm nên chưa bảo đảm về thời gian tham gia giám sát, khảo sát, thẩm tra. Một số đại biểu trình độ, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế hoặc còn nể nang, ngại va chạm, chưa mạnh dạn thảo luận, tranh luận, chất vấn. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan giúp việc HĐND còn ít chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ; chất lượng chưa đồng đều. Cơ sở vật chất, chế độ đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với đại biểu HĐND, công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND còn hạn chế, bất cập.

Phương Nguyên