Thường trực HĐND huyện có thể báo cáo, đề xuất với cấp ủy về những vấn đề còn vướng mắc trong giám sát, tham mưu, đề xuất thanh tra, kiểm tra vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Tăng cường giám sát chuyên đề, giải trình

Năm 2022, Thường trực HĐND huyện Nam Đàn đã tổ chức 2 cuộc giám sát chuyên đề về: việc đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trường học trên địa bàn huyện; giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên địa bàn huyện.

toan-canh-ky-hop-thu-4-hnd-huyen-nam-an-khoa-xxi-nhiem-ky-2021-2026.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND huyện Nam Đàn Khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: N.Tuấn

Để bảo đảm hiệu quả hoạt động giám sát, Thường trực HĐND huyện xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Đoàn giám sát. Thông qua các hình thức giám sát như: xem xét báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, các văn bản liên quan và khảo sát thực tế tại một số cơ quan, đơn vị và địa phương. Ngoài ra, đôn đốc các đơn vị chịu sự giám sát phải chuẩn bị tài liệu đầy đủ theo yêu cầu, phát huy trách nhiệm của các thành viên trong đoàn giám sát (nghiên cứu báo cáo, tham gia khảo sát, đóng góp ý kiến) nhằm huy động trí tuệ của tập thể để có thể đánh giá sâu sắc kết quả đạt được trong hoạt động được giám sát, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ liên quan nội dung giám sát. Từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục.

Trong năm 2022, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức 2 phiên giải trình giữa hai kỳ họp thường lệ nghe UBND huyện và các phòng chuyên môn báo cáo, giải trình các nội dung: tình hình thu, chi ngân sách; kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cải cách hành chính; tình hình triển khai, phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023; công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên năm học 2022 - 2023; công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập xóm, khối, xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thường trực HĐND huyện tập trung làm rõ những mặt làm được và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ liên quan nội dung giải trình, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, một số thành viên đoàn giám sát chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa được thường xuyên, kịp thời; một số kiến nghị chưa được các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm thực hiện đầy đủ…

Đề xuất thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu

Theo Thường trực HĐND huyện Nam Đàn, lựa chọn nội dung giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm là một yếu tố rất quan trọng. Vì hoạt động giám sát có phạm vi rộng, đối tượng giám sát đa dạng, nội dung phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm.

Để giám sát có chất lượng, hiệu quả, kế hoạch phải được xây dựng chi tiết, xác định rõ: sự cần thiết phải tiến hành giám sát, mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng được giám sát, thời gian thực hiện. Muốn thực hiện tốt điều này, cần nắm biết rõ các quy định của pháp luật, các khâu liên quan vấn đề giám sát; những điều kiện cần thiết bảo đảm cho hoạt động giám sát. Sớm gửi kế hoạch, quyết định thành lập Đoàn giám sát, đề cương, chương trình giám sát, thông báo phân công nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị được giám sát và thành viên Đoàn giám sát để có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị theo yêu cầu của Đoàn. Một yếu tố quan trọng khác là việc xây dựng đề cương báo cáo giám sát, các biểu mẫu phải chi tiết, có tính tổng hợp khái quát được vấn đề giám sát để xây dựng báo cáo đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhận định, đánh giá, giải pháp khắc phục tồn tại, có ý kiến, kiến nghị xác đáng.

Khi thành lập Đoàn giám sát, lựa chọn đại biểu có kinh nghiệm, năng lực, am hiểu về lĩnh vực chuyên môn; đồng thời, cung cấp tài liệu kịp thời liên quan đến nội dung giám sát cho các thành viên đoàn nghiên cứu. Phương thức giám sát phù hợp với từng nội dung, vấn đề, đối tượng, thời điểm giám sát. Kết quả giám sát phải được công khai trên trang thông tin điện tử của huyện để cung cấp tới các cơ quan, đơn vị, cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Đặc biệt, cần tăng cường giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Thường trực HĐND huyện chỉ đạo, điều hòa với các Ban HĐND thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị được giám sát và các cơ quan liên quan thực hiện kiến nghị giám sát nghiêm túc, kịp thời. Đối với những vấn đề sau giám sát còn nhiều vướng mắc, chưa được các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm sẽ được đưa ra giải trình, chất vấn tại các phiên họp của Thường trực HĐND hoặc kỳ họp HĐND để đưa ra những biện pháp cụ thể khắc phục những việc làm chưa tốt. Mặt khác, Thường trực HĐND huyện có thể báo cáo, đề xuất với cấp ủy về những vấn đề còn vướng mắc trong giám sát, tham mưu, đề xuất thanh tra, kiểm tra vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Thái An