CPI tăng 3 - 4% cũng ảnh hưởng đến người dân
- Hiện, quy định về mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1.7.2020 đến nay. Theo ông, mức giảm trừ như vậy có còn phù hợp không?
- Luật Thuế thu nhập cá nhân ban hành năm 2007 và đã hai lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Tuy nhiên, hiện nay có những yếu tố biến động khá rõ. Điển hình là từ 1.7.2023, lương tối thiểu tăng khoảng 20%, từ 1.490.000 triệu đồng/tháng lên 1.800.000 triệu đồng/tháng. Như vậy, thu nhập của người lao động tăng lên ít nhất 20%. Nếu cứ duy trì mức tối thiểu chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh như cũ thì phần tăng lương của Nhà nước sẽ chuyển thành tăng nghĩa vụ đóng góp vào thuế.
- Luật cũng quy định sẽ điều chỉnh giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lũy kế qua các năm đạt 20%. Như vậy có hợp lý không, thưa ông?
- Những năm qua, CPI mỗi năm tuy chỉ tăng ở mức 3 - 4% nhưng ngay lập tức ảnh hưởng ngay đến đời sống, thu nhập của người dân. Vì vậy, khi CPI có biến động bất thường, phải lập tức điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp chứ không nên để cộng dồn qua các năm, khi nào đạt 20% thì mới điều chỉnh.
Hơn nữa, CPI không phải là tiêu chí duy nhất để điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, mà phải căn cứ vào các tiêu chí khác như mức thu nhập bình quân, mức chi tiêu, chi phí cuộc sống người dân đã biến động thế nào.
Do vậy, tôi cho rằng điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là cần thiết lúc này.
Cần tăng khoảng cách giữa các bậc thuế
- Nhiều ý kiến cho rằng biểu thuế lũy tiến hiện khá dày, tới 7 bậc và không có sự khác biệt tương đối rõ ràng giữa các bậc đầu - vốn là mức thu nhập phổ biến của đa số người lao động, công chức, viên chức. Quan điểm của ông như thế nào?
- Số bậc càng nhiều thì sẽ khó khăn cho công tác quản lý thuế, thu thuế, tính thuế nhưng sẽ có mặt tích cực là không tạo ra sự thay đổi giật cục. Như vậy, những đối tượng nộp thuế có thể sẽ không bị ảnh hưởng chênh lệch. Nếu số bậc quá ít, mức chênh lệch các bậc quá cao thì khi người nộp thuế ở khởi điểm ở bậc cao nhiều khi thấp hơn người nộp thuế chỉ ở mức cuối bậc cao của mức thấp. Ví dụ khoảng cách nộp thuế đến 10 triệu đồng thì người nộp thuế mức 9,9 triệu đồng nộp mức thấp nhưng người đến 10,1 triệu đồng nộp mức rất cao và sau khi trừ thuế thì thu nhập còn lại thấp hơn nhiều so với người thu nhập 9,9 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều người nộp thuế quan tâm là giãn cách giữa các bậc. Như hiện nay, giãn cách ở mức 5 triệu đồng đã phải thay đổi. Có lẽ mức giãn cách như thế còn khá thấp nên ảnh hưởng ngay đến thu nhập người chịu thuế và không khuyến khích người lao động gia tăng thu nhập, đặc biệt ở nhóm thu nhập thấp. Theo tôi, cần tính toán tăng thêm khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế; còn khoảng cách, mức thuế là bao nhiêu thì cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng.
- Dù nhiều điểm bất cập như vậy nhưng dự kiến, năm 2025 Chính phủ mới trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi). Theo ông, có cần phải đẩy nhanh tiến độ sửa luật này?
- Theo tôi, đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân sẽ rất tốt cho việc xử lý kịp thời những quy định bất cập và đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Tuy nhiên, để sửa Luật cần nhiều việc mang tính chất tổng thể, căn bản chứ không phải chỉ điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế hay mức giảm trừ gia cảnh. Vì vậy, thời gian chuẩn bị không thể ngắn, phải có đánh giá, tổng kết. Nếu đã chuẩn bị, có tổng kết, đánh giá rồi thì không lý do gì mà chần chừ, không sửa ngay. Trường hợp không sửa Luật ngay được thì cần điều chỉnh kịp thời mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với các biến động nhìn thấy ngay như việc tăng lương tối thiểu, sự thay đổi chỉ số giá trong nhiều năm qua.
- Xin cảm ơn ông!