Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững miền Tây Nghệ An
Công tác bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp vùng miền Tây
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 68 – CTr/TU ngày 15/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trên cơ sở triển khai thực hiện Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025; với những giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của vùng, hướng đến mục tiêu “Phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển” các giá trị đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa độc đáo, mang tính đặc thù của miền Tây xứ Nghệ, đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Những năm gần đây, các ngành tham mưu quản lý nhà nước trong lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp đã tiến hành điều tra, rà soát, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn về triển khai kế hoạch với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các nhà quản lý, đơn vị đầu tư, gắn nhãn sinh thái “Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An”, “Sản xuất hàng hoá không gây mất rừng theo quy định EUDR”; thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn… nhằm tạo điều kiện phát triển nguồn nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất các loại hàng hoá từ lâm sản và các dịch vụ môi trường; đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng; nâng cao nhận thức của người dân; đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp; đầu tư hạ tầng trong các vùng nguyên liệu để giảm chi phí khai thác; đẩy mạnh nghiên cứu và nhân rộng các mô hình kinh tế dưới tán rừng nhằm giúp người dân "lấy ngắn nuôi dài", ổn định sinh kế bền vững; phối hợp, tổ chức tốt các hoạt động truyền thông với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng; chú trọng chất lượng tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua các Nghị quyết về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, năm 2023, Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 07/07/2023 được ban hành đã hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần giải quyết được nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Đến nay, cấp uỷ, chính quyền các địa phương có rừng, cùng với ngành đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu lâm nghiệp được UBND tỉnh giao và mục tiêu phấn đấu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tính đến cuối năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 270,25 triệu USD, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,67%; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; toàn tỉnh đã có 24.826,39 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, tăng 34,9% so với năm 2022; công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng được thực hiện kịp thời đúng quy định; thực hiện giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 3.415 hộ gia đình và 82 cộng đồng với 25.701,04 ha; lắp đặt mới 07 hệ thống camera giám sát cháy rừng; tổ chức được hơn 4.250 đợt tuần tra, kiểm tra rừng; phát hiện và xử lý 476 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp; diện tích rừng cơ bản được bảo vệ tốt, không có điểm nóng, vụ việc nổi cộm xảy ra...
Đối với địa bàn miền Tây, nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan, danh lam, thắng cảnh, di tích nổi tiếng…nổi bật là Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận vào năm 2007, được đánh giá là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất nước, có tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, trải dài trên địa bàn 9 huyện, với hành lang xanh kết nối 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, chứa đựng sự đa dạng về mặt sinh học, có nhiều loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp quý hiếm, … và đời sống văn hoá đặc sắc, phong phú từ cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống; với các nội dung trong kế hoạch phát triển Lâm nghiệp bền vững của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các mục tiêu về việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào DTTS&MN; trong 2 năm 2022, 2023, tổng số nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3 thuộc Chương trình đã được phân bổ 617.494 triệu đồng, để thực hiện 6 nội dung hỗ trợ gồm: khoán bảo vệ rừng; bảo vệ rừng; khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung; trồng rừng sản xuất phát triển lâm sản ngoài gỗ; trồng rừng phòng hộ; trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng… là những điều kiện thuận lợi để chủ rừng và bản thân đồng bào thực hiện tốt nhiệm vụ giữ đất, giữ rừng, ở những nơi có rừng phòng hộ, đặc dụng, nơi đầu nguồn, biên giới… Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết và quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh trên địa bàn vùng miền Tây của tỉnh.
Xác định khó khăn, vướng mắc và thực hiện các giải pháp tháo gỡ
Việc triển khai công tác lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng miền Tây hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; nhất là trong điều kiện số liệu quy hoạch lâm nghiệp chưa thống nhất đồng bộ với quy hoạch đất đai; đặc biệt là số liệu phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, do đặc điểm tự nhiên tỉnh Nghệ An vào mùa hè nắng nóng, hạn hán kéo dài, nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp, gió Lào thổi mạnh; diện tích rừng lớn, là vùng trọng điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng; tình trạng cháy rừng, khai thác rừng trái phép lấy gỗ về làm nhà, phá đốt rừng tự nhiên nghèo kiệt để lấy đất sản xuất; tranh chấp đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Tại các huyện vùng núi cao, đất trống quy hoạch cho rừng phòng hộ, đặc dụng chủ yếu tập trung ở Kỳ Sơn (hơn 63%); Tương Dương (17%), Quế Phong (14%), số diện tích này nằm xa đường giao thông, nằm sâu trong khu vực xung quanh là rừng tự nhiên, nằm ở những nơi có độ dốc lớn, địa hình chia cắt, nhỏ lẻ, manh mún, vào mùa mưa thường bị sạt lở, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về rừng, một số diện tích là đồi núi đá nằm ở vùng có khí hậu khắc nghiệt như huyện Kỳ Sơn, Tương Dương… trong khi các quy định về trồng rừng thay thế còn có sự thay đổi, nên nhiều địa phương không chủ động trong triển khai thực hiện; việc người dân dựa vào phát triển rừng để có các mô hình làm giàu, phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở các địa phương thuộc địa bàn còn nhiều khó khăn...
Mặt khác, những năm gần đây, việc trồng và bán các loại cây lấy gỗ làm nguyên liệu và một số loài cây nông nghiệp mang lại giá trị cao, giá thu mua năm sau tăng hơn so với năm trước, là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình của địa phương; bên cạnh đó, nhu cầu mở rộng sản xuất hàng năm của người dân tăng lên, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, dẫn đến tình trạng Nhân dân sản xuất nông lâm nghiệp lấn vào rừng tự nhiên. Ngoài ra, việc tổ chức trồng rừng thay thế; thực hiện thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA)… còn chậm; vẫn còn 4 nội dung hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực hiện được.
Hiện nay, trong bối cảnh thời gian còn rất ít để hoàn thành các nội dung theo kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; theo ý kiến của người viết, thời gian tới, ngành Nông, Lâm nghiệp và các Sở, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục xác định các khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, tăng cường công tác tham mưu, quản lý nhà nước về nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững và tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường quản lý nhà nước về Lâm nghiệp, nhất là trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; bảo tồn thiên nhiên, theo dõi cập nhật và công bố hiện trạng rừng theo quy định của pháp luật.
Hai là, tiếp tục rà soát quỹ đất Lâm nghiệp 3 loại rừng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, triển khai thực hiện tốt quy hoạch tỉnh được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023. Trên cơ sở đó thực hiện viêc đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành các nội dung, kế hoạch giao rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Lâm nghiệp theo Đề án được duyệt.
Ba là, nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện bảo vệ, phát triển rừng theo định hướng kế hoạch chung, các dự án trồng rừng gỗ lớn, rừng bổ sung, rừng sản xuất phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng...; tiếp tục có các mô hình phát triển kinh tế mới trong sản xuất lâm nghiệp gắn liền với hoạt động sơ chế, chế biến phù hợp với từng địa phương, tính đến sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, các mô hình sản xuất, chế biến để xuất khẩu; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN ngày 26/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030”; gắn chỉ tiêu hoàn thành 4 nội dung còn lại chưa thực hiện được của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với nhiệm vụ "Xây dựng lực lượng Kiểm lâm đủ mạnh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng".
Bốn là, chú trọng công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc, quản lý động vật hoang dã, chống chặt phá rừng trái phép, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác rừng, chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để sản xuất nông lâm nghiệp; chỉ đạo công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương trong thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng; kịp thời xử lý theo đúng thẩm quyền về tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Năm là, tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức trên địa bàn kịp thời xây dựng, phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy rừng trước, trong thời gian cao điểm về nắng nóng; đồng thời có các phương án, kịch bản phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và thời tiết diễn biến cực đoan gây ảnh hưởng rừng và các đối tượng hưởng lợi từ rừng.
Sáu là, tập trung hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, thu hút các nguồn lực trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và Nhân dân để thực hiện các nội dung trong Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp của vùng miền Tây.
Có thể khẳng định rằng, phát triển bền vững khu vực miền Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng... chính là một trong những nhiệm vụ giải pháp mang tính cốt lõi nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội của vùng, cùng với các khu vực kinh tế trọng điểm khác thực hiện thành công Nghị quyết 39 -NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị, góp phần vào tiến trình “bước mạnh, tiến xa” như mong muốn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Nghệ An./.