Tăng cường công tác phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An *
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị!
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Được sự cho phép của Ban tổ chức Hội nghị, tôi xin thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An báo cáo về quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
Cùng là cơ quan dân cử đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của cử tri trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với chức năng, nhiệm vụ có tính chất tương đồng, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An có nhiều thuận lợi trong phối hợp hoạt động. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đòi hỏi cả hai bên phải tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phối hợp, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã chủ động đề xuất với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng và thống nhất ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh. Trong Quy chế này xác định rõ nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và hàng năm đều tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Quy chế. Năm 2024, để nâng tầm quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của tỉnh và thể hiện sự thống nhất, quyết tâm cao thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh, bốn cơ quan gồm Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã thống nhất ký kết Quy chế phối hợp 4 bên.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, trong thời gian qua, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần vào hiệu quả hoạt động của mỗi bên, nổi bật trên các nội dung sau:
Thứ nhất, phối hợp trong công tác chuẩn bị các kỳ họp
- Trước các kỳ họp thường lệ của Quốc hội, căn cứ vào dự kiến nội dung kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban BMTTQ tỉnh để trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; những bất cập, vướng mắc trong thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh và kiến nghị đề xuất tới Quốc hội và các Bộ, ngành TW. Đoàn ĐBQH tỉnh xem đây là 1 cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt và các ý kiến, kiến nghị tại cuộc làm việc này được Đoàn đưa vào Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi các đại biểu Quốc hội để trao đổi, phát biểu tại kỳ họp.
- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã tiến hành 18 kỳ họp, trong đó có 11 kỳ họp chuyên đề để giải quyết các công việc quan trọng, cấp bách của tỉnh. Tiếp thu tinh thần đổi mới của Quốc hội, công tác chuẩn bị các kỳ họp HĐND tỉnh được tiến hành theo phương châm “từ sớm, từ xa” và được chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Những kinh nghiệm hay, những bài học quý tại kỳ họp Quốc hội đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin, trao đổi với Thường trực HĐND tỉnh để nghiên cứu, học tập. Các kỳ họp của HĐND tỉnh, các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh đều có sự tham dự của lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh.
Thứ 2, phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật
- Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật mời Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh tham dự. Đối với những dự án Luật có phạm vi, đối tượng rộng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, cần phải lấy ý kiến rộng rãi, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch, tố chức triển khai lấy ý kiến; sau đó, tổng hợp, thống nhất nội dung cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ tiêu biểu là hoạt động phối hợp lấy ý kiến góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi).
- Để chuẩn bị các kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh mời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia các cuộc họp thẩm tra của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh. Tại các cuộc thẩm tra, Đoàn ĐBQH cử đại diện tham dự, nghiên cứu và đóng góp ý kiến.
Thứ ba, phối hợp trong hoạt động giám sát
Trên cơ sở chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng chương trình giám sát của Đoàn, trong đó xác định rõ nội dung, chuyên đề giám sát. Ngay từ đầu năm, Thường trực và Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất điều hòa hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh để tránh trùng lặp về nội dung và phân bố hợp lý về thời gian, địa điểm giám sát. Khi triển khai các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn ĐBQH đều mời Thường trực HĐND tỉnh và Ban có liên quan của HĐND tham gia đoàn giám sát, ngược lại, khi triển khai giám sát của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh thì Đoàn ĐBQH tỉnh cùng được mời tham gia đoàn giám sát.
Thứ 4, phối hợp trong công tác tiếp xúc cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri hai cấp (thông thường là tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội và trước kỳ họp HĐND tỉnh) tại một số điểm tiếp xúc cử tri, qua đó, giúp đại biểu lắng nghe, nắm bắt rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri và theo dõi sát sao hơn việc giải quyết theo từng cấp có thẩm quyền, đồng thời giảm tải công tác chuẩn bị cho cơ sở.
Đoàn ĐBQH và Thường trực thường xuyên chỉ đạo Văn phòng theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri. Đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, cử tri kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh phối hợp tổ chức giám sát, khảo sát để nắm bắt thông tin, làm việc với UBND tỉnh để xác định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết. Chính vì vậy, một số kiến nghị bức xúc của cử tri kéo dài nhiều năm đến nay đã được quan tâm giải quyết như kiến nghị yêu cầu bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An, hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn, triển khai dự án Hồ chứa nước Bản Mồng…
Thứ 5, phối hợp trong các việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân
Có khá nhiều đơn thư của công dân cùng gửi tới Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh. Để tránh việc trùng lặp trong xử lý đơn, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng khi cơ quan này chuyển đơn đồng thời gửi cho cơ quan kia để biết và khi tiếp nhận kết quả xử lý thì cũng chuyển cho các cơ quan, bộ phận để nắm thông tin. Hiện nay Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh chỉ đạo Văn phòng nghiên cứu, xây dựng phần mềm theo dõi, xử lý đơn thư của công dân.
Trên đây là một số kết quả trong công tác phối hợp giữa Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An. Tham dự Hội nghị này, Đoàn ĐBQH tỉnh rất mong nhận được sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và học hỏi thêm kinh nghiệm của các tỉnh bạn để hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Cuối cùng, thay mặt đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tham dự Hội nghị, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị, các đồng chí lãnh đạo và toàn thể đại biểu tham dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn./.
(*) Tiêu đề do BBT đặt