Trăn trở với miền Tây, trên chặng đường phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Tỉnh đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia để hiến kế cho phát triển miền Tây. Nhiều ý kiến khẳng định, miền Tây của tỉnh có nhiều điểm mạnh về kinh tế rừng, dược liệu, nông sản sạch, phát triển du lịch…, như lời nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển đã từng chia sẻ: Chúng ta không thể làm tất cả mọi thứ được vì nguồn lực chúng ta có hạn. Ở Việt Nam lợi thế so sánh là du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin. Ở Nghệ An, 3 lợi thế so sánh này đều hội tụ đủ, riêng  khu vực miền Tây, 2 lợi thế so sánh nổi trội là du lịch và nông nghiệp. Cần phải biết khai thác hai mũi nhọn này của vùng…

Tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An”

 Thực tiễn và những lợi thế

Hiện nay, mỗi người dân chúng ta đều thấy rõ về những tác động khủng khiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, bão lũ, ngập lụt và hạn hán trên diện rộng…, vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã ra lời kêu gọi đẩy nhanh hành động vì khí hậu toàn cầu, với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", nhằm ứng phó và giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, cũng như thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trườngCOP28 đánh dấu lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp được tập trung thảo luận tại một hội nghị thường niên về khí hậu toàn cầu.

Nghệ An có diện tích đất nông nghiệp lớn, sản phẩm đa dạng, có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ. (Ảnh minh họa)

 Ở tỉnh ta, tháng 10 năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3108/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030; đồng thời triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương phục vụ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, đề xuất hỗ trợ kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, GMP, HACCP,  hữu cơ lần đầu; các chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi lợn, gà; sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm vi sinh... Đây có thể xem bước thúc đẩy căn bản cho các tập thể, cá nhân tiếp tục nỗ lực trên chặng đường “kết tinh và hội tụ” nguồn năng lượng đổi mới sáng tạo, gửi niềm tin yêu vào mảnh đất, tình người miền Tây xứ Nghệ, tạo ra các sản phẩm đặc hữu từ nền nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường sinh thái…

 Nông sản sạch được đặt tên

Trên cơ sở điều tra đa dạng sinh học vùng Puxailaileng; Vườn quốc gia Pù Mát; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thuộc khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, việc ứng dụng các thành tựu công tác giống, tuyển chọn, nhân nhanh và thâm canh các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt ngày càng trở nên rộng rãi trên địa bàn miền Tây. Hiện đã có nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất sạch và sản xuất theo hướng hữu cơ các loại lúa thảo dược, lúa thuần, lúa Japonica ở các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn...; cây ăn quả như cam, bưởi, chuối, thanh long, xoài, mận Tam hoa … ở các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Con Cuông, Thái Hòa…; phát triển mạnh cây chè Shan tuyết ở huyện Kỳ Sơn và chè hoa vàng ở huyện Quế Phong và các loại dược liệu ở Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn…

 

Chè Shan tuyết ở huyện Kỳ Sơn

Trong nuôi trồng thủy sản có ốc bươu đen ở Anh Sơn; cá các loại ở Tương Dương và Kỳ Sơn… Đến nay,  nhiều mô hình ứng dụng công nghệ sinh học đã thành công và đang lan tỏa ra toàn tỉnh như: mô hình lúa thuần, ngô, lạc, đậu, sắn, chè, mía, chanh leo, lúa thảo dược, lúa Japonica, lợn, vịt trời; sản xuất giống và trồng nấm ở huyện Tân Kỳ; ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến thức ăn cho trâu, bò, lợn từ cây ngô, lá sắn ở huyện Thanh Chương, Anh Sơn; mô hình sản xuất các chế phẩm trong sản xuất phân bón, đệm lót sinh học trong chăn nuôi, chế phẩm để xử lý tồn dư hóa chất trên đất trồng rau... Từ đó, phát triển thành các sản phẩm đặc hữu, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản; cấp văn bằng bảo hộ, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm: Gừng Kỳ Sơn, mở rộng chỉ dẫn địa lý Vinh cho sản phẩm Cam quả; xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Trà hoa vàng Quế Phong; nhãn hiệu chứng nhận Dê Tân Kỳ, Chanh leo Quế Phong, Rau An toàn Anh Sơn; nhãn hiệu tập thể Chè Nghệ An, Gà Thanh Chương, Hương trầm Quỳ Châu, Bơ Nghĩa Đàn, Cam Con Cuông, Mật ong Tây Hiếu, Gạo Mường Nọc, Bò giàng Tương Dương ...

Diện tích và sản lượng

Theo số liệu ngành nông nghiệp, gần đây, toàn tỉnh đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô diện tích được chứng nhận chiếm 0,003% diện tích đất nông nghiệp; trong đó, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò sữa hữu cơ, Tập đoàn TH đã đầu tư vùng trồng cỏ và ngô hữu cơ với quy mô 328 ha tại huyện Nghĩa Đàn; diện tích để sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ đạt khoảng 1.500 ha.

Trong trồng trọt các loại rau củ quả hữu cơ,  toàn tỉnh có khoảng 23 ha, sản lượng khoảng 1.250 tấn, phân bố trên địa bàn 4 huyện... Riêng huyện Nghĩa Đàn đã có diện tích 14,70 ha, sản lượng khoảng 808 tấn, với các sản phẩm: Cà chua, bí đỏ, hành lá, dưa leo, mồng tơi, bắp cải, mướp, đậu cove, rau gia vị,… của Công ty sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF thuộc tập đoàn TH; sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ USDA và tiêu chuẩn hữu cơ Organic EU của Châu Âu. Đối với các loại cây ăn  quả hữu cơ, toàn tỉnh hiện có khoảng 7,37 ha, sản lượng khoảng 45,6 tấn, chủ yếu do Công ty sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF thuộc tập đoàn TH sản xuất tại huyện Nghĩa Đàn; sản phẩm đạt tiêu chuẩn Chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ USDA và tiêu chuẩn hữu cơ Organic EU châu Âu (năm 2021). Về dược liệu, với dự án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu” từ năm 2016, đã trồng thử nghiệm thành công 03 loài dược liệu quý hiếm: sâm Ngọc Linh, lan thạch hộc tía và tam thất bắc tại Mường Lống, huyện Kì Sơn; sản xuất thử nghiệm các loại dược liệu trên độ cao 1.300 m so với mực nước biển, trong đó có các giống như: sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, đẳng sâm… Đáng chú ý là sâm Puxailaileng ở độ cao hơn 2.700m, được các chuyên gia đánh giá chất lượng ngang với sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Tại huyện Con Cuông, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đã đầu tư 18 ha, sản xuất 7 loại sản phẩm: Trà túi lọc Cà gai leo, Dây thìa canh, Giảo cổ lam; Cao Cà gai leo, Dây thìa canh; trà hòa tan Cà gai leo, Dây thìa canh. 7 sản phẩm này đều đạt chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh…

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn

Trong chăn nuôi, đàn bò sữa hữu cơ của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn đã chiếm 1,43% tổng đàn bò sữa của tỉnh; sản lượng sữa tươi đạt khoảng 3.250 tấn (chiếm 1,22% sản lượng sữa); sản phẩm sữa TH True Milk Organic đạt tiêu chuẩn chất lượng Organic EU của Châu Âu và USDA Hoa Kỳ. Hiện nay, phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi hữu cơ: đàn trâu, bò thịt ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông; đàn lợn ở các huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Thái Hòa, Quế Phong, Con Cuông; đàn dê ở các huyện: Tân Kỳ, Tương Dương, Kỳ Sơn; đàn gà ở các huyện: Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương  Kỳ Sơn …; ong mật ở các huyện: Tân Kỳ, Tương Dương …

 Kinh tế rừng  

Diện tích đất rừng sản xuất của tỉnh nói chung và trên địa bàn miền Tây còn khá lớn và là nguồn nguyên liệu lâm sản dồi dào, phát triển các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, vừa để phát triển kinh tế rừng, vừa bảo vệ được diện tích rừng và tăng tỷ lệ phủ xanh, mang lại giá trị kinh tế trong khai thác rừng hợp pháp và bền vững. Đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở miền Tây, phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, phát huy hiệu quả tiềm năng đất rừng, trong đó, việc sản xuất viên nén sinh khối, than hoạt tính và sự xuất hiện của gỗ tre như là một loại vật liệu mới – vật liệu xanh, thân thiện môi trường, có khả năng thay thế vật liệu truyền thống trong ngành xây dựng (như bê tông) để giảm lượng khí thải, hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người – là điển hình hướng đến xu thế sản xuất vật liệu xanh, bền vững ở vùng miền Tây.

Ứng dụng khoa học kĩ thuật và công nghệ 

Đến nay, với  trên 180 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương, trong đó phần lớn các sản phẩm nông nghiệp sạch vùng miền Tây đã được tác động về khoa học và công nghệ … đã có 3 nhóm sản phẩm trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ USDA, Organic EU của Châu Âu và chứng nhận phù hợp với định hướng nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017, với tổng diện tích 47,07 ha, trong đó: Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ là 40,67 ha, gồm: Rau củ quả 16,6 ha; cây ăn quả 7,37 ha; dược liệu 16,7. Chứng nhận đạt chất lượng phù hợp với  tiêu chuẩn TCVN là 6,4 ha rau củ quả.

Các loại rau sạch được trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ tại trang trại công nghệ cao SunSmat+ ở xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An luôn xanh tốt, mặc dù điều kiện thời tiết bất lợi

Những khuyến nghị

Thực tiễn những năm qua cho thấy, quá trình tham mưu xây dựng và ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Nghệ An, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tính toán và cân nhắc rất kĩ về quan điểm, mục tiêu, các nguồn lực…; cùng với việc sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ, các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn của tỉnh…để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra … Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau:

Cần thay đổi thói quen, tập quán canh tác nông nghiệp của người dân… đây chính là cách hữu hiệu trong việc giảm trừ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học…trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng giá cả vật tư phân bón tăng cao hiện nay, chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất lớn, đặc biệt là việc đầu tư công sức; trong khi nhận thức tiêu dùng của người dân còn chưa hướng tới các sản phẩm hữu cơ và chạy theo các sản phẩm có giá thành rẻ… Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nông nghiệp xanh, những lợi ích của việc sản xuất sạch, an toàn đối với người sản xuất, người tiêu dùng, đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế nói chung.

Sản phẩm cam Thanh Chương được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ

Phát triển Nông nghiệp hữu cơ nhưng vẫn đảm bảo sản lượng chất lượng cao đồng nghĩa với việc không đòi hỏi chuyển đổi đất đai từ lâm nghiệp sang nông nghiệp nhưng vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng sạch, an toàn… bên cạnh đó, hạ tầng phụ trợ còn chưa hình thành, đất đai quy hoạch manh mún, nhỏ lẻ nên việc tạo ra vùng đệm cho sản xuất hữu cơ rất khó khăn… Vì vậy, cần quy hoạch được những cánh đồng lớn, đầu tư “dài hơi”, trên cơ sở khuyến khích tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại, có hiệu quả cao và bền vững.

 Phát triển kinh tế rừng gắn với các vùng chăn nuôi quy mô lớn, dự án dược liệu. Chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng, đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững và phát triển các lâm đặc sản, dự án dược liệu, trên cơ sở tập trung quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, với diện tích quy hoạch gần 520 ngàn ha, chiếm 37,5% diện tích tự nhiên của vùng miền Tây. Phát triển chăn nuôi đối với các loại vật nuôi có lợi thế, như bò thịt, bò sữa, lợn và gia cầm; chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển tập trung, quy mô công nghiệp, thân thiện với môi trường; quan tâm phát triển các giống đặc sản, các loại cây trồng có tiềm năng, như: chè, cam, thu hút đầu tư dự án trồng và chế biến dược liệu…chăn nuôi hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; chú trọng công tác phòng dịch, chủ động khống chế không để dịch bệnh xẩy ra trên diện rộng… thực hiện chức năng bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chống lũ, đặc biệt là đảm bảo nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh.

Chú trọng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất và chế biến nông nghiệp hữu cơ. Trước tình hình thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần theo hướng phát triển một ngành nông nghiệp đa chức năng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành ngành công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến tổ chức tiêu thụ theo những mô hình liên kết, hợp tác, tùy thuộc vào quy mô và đặc điểm từng vùng, chú ý các loại hình  canh tác hữu cơ, canh tác tự nhiên chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, kết hợp chế biến, tạo sinh kế bản địa cho người lao động tại địa phương kết hợp phát triển các mô hình kinh doanh, dịch vụ, du lịch sinh thái, coi trọng bản sắc văn hoá truyền thống của vùng miền; đảm bảo tiêu chuẩn an toàn đa dạng sinh học, không sử dụng các chất hóa học không có lợi cho sức khỏe con người, cũng như tác động hiệu ứng nhà kính. Tạo ra sản phẩm hữu cơ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng đến lối sống xanh, lành mạnh… 

Miền Tây Nghệ An, vùng đất nhiều tiềm năng lợi thế, nếu được phát huy, khai thác tốt từ một nền nông nghiệp hữu cơ, xanh sạch, an toàn, có thể được ví như những mạch máu lưu thông trong một "cơ thể khoẻ mạnh" để trỗi dậy với năng lượng sáng tạo không ngừng…