Thực trạng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh trong thời gian qua

Xác định tầm quan trọng trong việc xây dựng và ban hành các nghị quyết tại địa phương, thời gian qua, triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cùng với việc quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng, giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, HĐND tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, không ngừng nâng cao chất lượng việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh tại các kỳ họp.

Đề nghị xây dựng nghị quyết của UBND tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Các nội dung đưa vào kế hoạch xây dựng nghị quyết phải đáp ứng đầy đủ về cơ sở pháp lý, sự cần thiết từ thực tiễn, tính khả thi, hiệu quả của chính sách cũng như nguồn lực và các điều kiện đảm bảo thi hành khác. Qua xem xét, một số nội dung được yêu cầu cần có sự chuẩn bị chu đáo hơn, điều chỉnh thời điểm trình phù hợp hơn. Ngoài đề nghị của UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh cũng có nhiều đề nghị xây dựng nghị quyết để kịp thời cụ thể hóa quy định của cấp trên và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

cac-chu-toa.jpg
Việc làm sáng tỏ, thấu đáo các vấn đề của dự thảo nghị quyết đã tạo sự đồng thuận cao trong việc biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp

Các Ban của HĐND tỉnh đã tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng nghị quyết. Theo lĩnh vực phân công, các Ban HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu, tiếp cận thông tin, tổ chức khảo sát, tham gia góp ý vào dự thảo văn bản. Đồng thời yêu cầu cơ quan tham mưu thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng nghị quyết, nhất là việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.

Quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cơ bản đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ việc ban hành chương trình xây dựng pháp luật, đến việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND trước khi trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp. Công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết được tiến hành kỹ lưỡng, chặt chẽ. Nhiều báo cáo thẩm tra vừa mang tính phản biện cao vừa đảm bảo tính thuyết phục, được UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đồng tình, tiếp thu. Qua công tác thẩm tra, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau được Thường trực HĐND tỉnh trao đổi kỹ với UBND tỉnh để đi đến thống nhất trước khi trình HĐND tỉnh

Tại kỳ họp, các phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường đã đề cập, làm sáng tỏ, thấu đáo nhiều vấn đề, đặc biệt là về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận cao trong việc biểu quyết thông qua các nghị quyết, tạo tiền đề để các nghị quyết, kết luận kỳ họp sớm được triển khai đi vào cuộc sống. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết được Thường trực HĐND tỉnh rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ họp, đảm bảo các nghị quyết được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định pháp luật.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 khóa XVII HĐND tỉnh tổ chức 21 kỳ họp, ban hành 322 nghị quyết trong đó có 143 nghị quyết quy phạm pháp luật; từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 khóa XVIII đến nay HĐND tỉnh đã ban hành 82 nghị quyết trong đó có 32 nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó có nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều nghị quyết đã phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội như các nghị quyết về chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ giảm nghèo; giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hè phố; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dư dôi do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập khối, xóm, bản …

Một số tồn tại, hạn chế:

Nhìn chung, việc xây dựng và ban hành nghị quyết đã cơ bản theo hướng quy định cụ thể để áp dụng ngay, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn và đảm bảo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

Tồn tại, hạn chế trong quá trình đề nghị xây dựng nghị quyết: Việc rà soát các nội dung quy định được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đôi khi chưa kịp thời. Nhiều văn bản cấp trên có nội dung giao địa phương quy định chi tiết, đã ban hành và có hiệu lực từ nhiều năm nhưng đến nay mới tham mưu hoặc chưa tham mưu ban hành. Do đó, mặc dù danh mục nghị quyết của HĐND tỉnh đã được Thường trực xem xét, quyết định nhưng việc bổ sung nội dung trình kỳ họp hàng năm còn nhiều, thậm chí có cả việc xin lùi, gia hạn hoặc trình chậm, trình quá hạn còn nhiều (như tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVIII: từ dự kiến 34 nghị quyết lên đến 39 nghị quyết được thông qua. UBND tỉnh đã có các văn bản đề nghị dừng xây dựng 01 nghị quyết, chuyển 01 nghị quyết sang năm 2022 và có 01 nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3 (kỳ họp đột xuất)). Hiện vẫn còn một số cơ quan soạn thảo chưa tuân thủ nghiêm bước lập đề nghị xây dựng nghị quyết nhất là các nghị quyết về cơ chế, chính sách. Tại một số kỳ họp, còn một số nội dung trình phát sinh sau khi Thường trực HĐND tỉnh thống nhất, ban hành danh mục nghị quyết của HĐND tỉnh trong từng năm, thậm chí có kỳ họp UBND tỉnh trình nội dung phát sinh sau khi Thường trực HĐND tỉnh ban hành chương trình, nội dung kỳ họp làm cho quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, công tác thẩm tra của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh bị động (như tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 01 dự thảo nghị quyết đến thời điểm họp thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh mới trình bổ sung danh mục Nghị quyết trình kỳ họp - Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá tại Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

Việc đánh giá tác động chính sách còn mang tính hình thức, chưa được các cơ quan có thẩm quyền chú trọng, ý kiến của các đối tượng chịu tác động trong các phần đánh giá tác động vẫn còn khá mờ nhạt. Một số sở, ngành khi xây dựng đề xuất ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật nội dung còn sơ sài, thiếu thông tin, không đủ cơ sở pháp lý để khẳng định sự cần thiết phải ban hành văn bản; đặc biệt là đề xuất về xây dựng chính sách trong nghị quyết của HĐND do UBND tỉnh trình, chưa đáp ứng đúng các yêu cầu về trình tự, thủ tục, nội dung.

Tồn tại, hạn chế trong việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật: Một số dự thảo nghị quyết mắc nhiều lỗi về chính tả; câu từ, cú pháp chưa đảm bảo chặt chẽ, thống nhất đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Một số dự thảo nghị quyết chất lượng soạn thảo còn thấp; một số quy định trong dự thảo còn thiếu căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn; chưa bám sát hết nội dung, yêu cầu được giao, giới hạn thẩm quyền được giao của văn bản cấp trên. Vì vậy, một số Nghị quyết khi dự thảo chưa phù hợp với quy định của văn bản cấp trên, tình hình thực tiễn của địa phương.

Tồn tại, hạn chế trong hoạt động lấy ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã quy định rất chi tiết, nhưng một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của việc lấy ý kiến đánh giá, còn xem nhẹ việc tổ chức lấy ý kiến. Việc tham gia ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động còn hình thức; đối tượng truy cập trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tham gia ý kiến đối với dự thảo nghị quyết chưa nhiều; chưa thực hiện thường xuyên việc lấy ý kiến của bộ, ngành có liên quan đối với nội dung nghị quyết sẽ được ban hành theo quy định.

Tồn tại, hạn chế trong hồ sơ tài liệu trình thẩm tra: Một số hồ sơ dự thảo nghị quyết đôi khi còn sơ sài, thuyết minh chưa cụ thể dự kiến nguồn lực để thực hiện nghị quyết; còn có hồ sơ dự thảo nghị quyết đề xuất gấp nên thiếu chủ động. Còn tồn tại trường hợp dự thảo văn bản gửi thẩm định không đúng thời gian quy định làm ảnh hưởng đến thời gian cũng như gây bị động cho Thường trực, các Ban HĐND tỉnh thực hiện chức năng thẩm tra.

Giải pháp nâng cao công tác xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh

Thứ nhất nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong trong việc đề nghị xây dựng, soạn thảo nghị quyết, hạn chế tình trạng bổ sung nghị quyết trước mỗi kỳ họp. Thực hiện đúng nguyên tắc: chỉ cho phép bổ sung, điều chỉnh danh mục ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh trong năm đối với các tình huống có văn bản chỉ đạo mới của Trung ương cần cụ thể hóa trên địa bàn tỉnh hoặc những tình huống cấp bách đặt ra, đòi hỏi từ thực tiễn của tỉnh Nghệ An.

Phối hợp thường xuyên, kịp thời với Ủy ban nhân dân, khắc phục tình trạng bị động, không đảm bảo thời gian, tiến độ hoàn thành, ảnh hưởng đến chất lượng công tác thẩm tra và thảo luận tại kỳ họp.

Thứ hai tăng cường công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết: các Ban HĐND chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình chuẩn bị xây dựng dự thảo nghị quyết; tham gia các cuộc họp bàn về nội dung dự thảo; các hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan, của Nhân dân. Như vậy, sẽ giúp cho các thành viên các Ban có thêm cơ sở để tham gia xây dựng báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thực hiện đúng quy trình trong thẩm tra dự thảo nghị quyết. Các dự thảo nghị quyết, tài liệu có liên quan đến nội dung thẩm tra cần được gửi sớm để thành viên các Ban có nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin; sắp xếp thời gian khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động... từ đó, trao đổi với cơ quan soạn thảo để chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, báo cáo Thường trực HĐND những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

ban-van-hoa---xa-hoi-hdnd-tinh-to-chuc-cuoc-hop-tham-tra-mot-so-du-thao-nghi-quyet-se-duoc-trinh-ky-hop-thu-4-hdnd-tinh-khoa-xviii-nhiem-ky-2021---2026-.jpg
Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp thẩm tra một số dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thứ ba đổi mới phương thức, cách thức thảo luận, thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Trong điều hành các phiên họp, chủ tọa kỳ họp phải chủ động từ khâu dự kiến nội dung đến thời gian, chương trình kỳ họp. Chủ tọa có định hướng, gợi ý những vấn đề trọng tâm, những nội dung còn có ý kiến trái chiều, làm rõ mục đích, đối tượng, phạm vi tác động của nghị quyết, nguồn lực thực hiện hay tính khả thi của nghị quyết... để đại biểu HĐND tập trung thảo luận làm rõ. Chương trình kỳ họp cần giảm thời gian đọc tài liệu, nghe báo cáo tại hội trường, tăng cường thời gian thảo luận. Trong thảo luận, chủ tọa phiên họp nên yêu cầu đại biểu phát biểu thẳng, trực tiếp vào các vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải. Tăng cường hình thức thảo luận bằng văn bản của các đại biểu để huy động được tối đa trí tuệ tập thể của các đại biểu HĐND trong thảo luận nghị quyết.

Thứ tư nâng cao năng lực thực hiện chức năng quyết định của đại biểu HĐND. Để nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND, các đại biểu phải nâng cao kiến thức chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng cần thiết; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước tập thể HĐND. Các đại biểu cần dành thời gian thỏa đáng để thu thập thông tin, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, chuẩn bị ý kiến thảo luận chu đáo để tham gia ý kiến thảo luận tại kỳ họp, góp phần đảm bảo tính hợp lý, tính khả thi của nghị quyết.

Thứ năm Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND cần chú trọng khâu tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nghị quyết. Việc điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của UBND cùng cấp và các cơ quan có liên quan chính là yếu tố thực tiễn để kiểm chứng về tính phù hợp, tính khả thi của các nghị quyết. Nếu có những vấn đề chưa phù hợp khi thực hiện nghị quyết, Thường trực HĐND cần trao đổi với UBND và trình HĐND xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Khi cần thiết hoặc theo lộ trình giai đoạn của nghị quyết cần có sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện nghị quyết.

Việc xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND, nhất là nghị quyết quy phạm pháp luật cần phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cùa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cần thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách theo quy định; đồng thời, cần xác định rõ các nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là đối với các dự thảo nghị quyết có tác động sâu rộng đến đời sống Nhân dân./.

Nguyễn Thị Vân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh