Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn

Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 quy định, HĐND có 2 hình thức tổ chức kỳ họp: kỳ họp thường lệ (2 kỳ/năm) và kỳ họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề phát sinh đột xuất.

bd5ee4091d18de468709.jpg
Quang cảnh hội nghị trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng kỳ họp chuyên đề do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức

Từ thực tiễn và căn cứ quy định của pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức 5 kỳ họp ban hành 89 nghị quyết; trong đó có 2 kỳ họp chuyên đề với 15 nghị quyết được thông qua. Các nghị quyết ban hành tại 2 kỳ họp chuyên đề liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển thị xã Thái Hoà trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ thực hiện Đề án" Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030"; liên quan đến điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2020 kéo dài sang năm 2021 và Kế hoạch đầu tư công năm 2021; về chủ trương đầu tư một số dự án, như xây dựng Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò…; thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Các nghị quyết được ban hành tại 2 kỳ họp chuyên đề đáp ứng được tính kịp thời về chủ trương để UBND tỉnh, các sở, ngành, các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, nhất là thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển ở mỗi địa phương và của tỉnh nói chung.

Cùng với HĐND tỉnh, ở cấp huyện cũng đã tổ chức được một số kỳ họp chuyên đề. Như ở huyện Nghĩa Đàn, theo chia sẻ của ông Ngô Văn Thành - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn, trong 5 kỳ họp được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 2 kỳ họp chuyên đề để xem xét, thông qua 7 nghị quyết. Trong đó, xuất phát từ thực tiễn thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và việc thu tiền từ người dân để phục vụ các công việc trên đặt ra một số vấn đề tác động lớn đến đời sống người dân và sự phát triển của huyện; cho nên, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết về phân loại, thu gom, vận chuyển, kiểm soát khối lượng và quản lý kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn”. Đây là nghị quyết mang tính cá biệt nhằm đưa ra định hướng về phân loại và thu gom như thế nào; ai là người thu gom - hợp đồng với ai và thu như thế nào hợp lý để UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

5972c6123d03fe5da712.jpg
Thường trực HĐND tỉnh và các huyện trao đổi kinh nghiệm trong quá trình hoạt động

Hay như HĐND huyện Diễn Châu cũng tổ chức được 01 kỳ họp chuyên đề để xem xét, thông qua nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Tương tự ở huyện Yên Thành tổ chức được kỳ họp chuyên đề xem xét, thông qua Quy hoạch phát triển nông nghiệp huyện Yên Thành gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050; thông qua đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Thành đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2050…

Tránh xem chỉ là thủ tục phải làm

Hiện nay, các nội dung thuộc thẩm quyền HĐND các cấp phải xem xét, quyết định tăng lên, nhất là trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, tài chính - ngân sách, kinh tế - xã hội. Thực tế, các nội dung này phát sinh liên tục, yêu cầu cần phải xem xét, quyết định ngay, nếu chờ đến kỳ họp thường lệ hàng năm (kỳ họp 6 tháng và cuối năm) thì sẽ chậm trễ trong triển khai thực hiện và có thể dẫn đến hiệu quả không đạt như mong muốn. Bởi vậy, tổ chức kỳ họp chuyên đề nhằm mục đích kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh, đột xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều hành, chỉ đạo kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân cùng cấp, cũng như tháo gỡ, giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, để giảm tải cho kỳ hợp thường lệ, tại kỳ họp chuyên đề cũng xem xét, quyết định những nội dung đã đăng ký tại kỳ họp thường lệ nhưng đã được các ngành chuẩn bị xong và trình kỳ họp chuyên đề.

Tuy nhiên, kỳ họp chuyên đề thường xem xét, quyết định các vấn đề lớn, cấp bách hoặc những phát sinh trong thực tiễn cần giải quyết kịp thời nhưng thời gian chuẩn bị kỳ họp thường ngắn, khẩn trương. Đấy là những vấn đề khó khăn dễ ảnh hưởng đến chất lượng kỳ họp chuyên đề.

4752d6093118f246ab09.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ vên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với cử tri liên quan đến nhiều vấn đề dân sinh

Theo bà Trương Thị Hà - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Hợp, điều quan trọng đầu tiên là cần phải xác định đúng và trúng nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, kịp thời thúc đẩy sự phát triển hoặc giải quyết nhanh chóng các vấn đề đặt ra, không làm đứt gãy hoặc kìm hãm sự phát triển, gây ra bất ổn xã hội nếu chờ đến kỳ họp thường lệ; tránh dễ dãi, lạm dụng, “chạy theo” UBND và các ngành trong tổ chức kỳ họp chuyên đề. Nghĩa là UBND, các ngành đề xuất nội dung gì là sẽ tổ chức kỳ họp để xem xét, quyết định nội dung đó mà cần phải xem xét thấu đáo trên cơ sở thống nhất của HĐND và UBND cùng các ngành chủ trì đề xuất.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Hoàng Thị Thu Trang – Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn đề xuất cần có quy chế, quy định cụ thể, trong trường hợp nào tổ chức kỳ họp chuyên đề, tránh tình trạng cứ có phát sinh là tổ chức kỳ họp chuyên đề, bởi bên cạnh giải quyết các vấn đề bức bách của địa phương thì mặt trái, khó khăn của nó là thời gian chuẩn bị ngắn, gấp gáp, bị động và nội dung được đưa ra mang tính chuyên đề sâu, phức tạp.

Nhiều ý kiến quan tâm khâu chuẩn bị phải được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng, trong đó quan tâm khâu khảo sát trước nội dung được trình nhằm xác định tính thực tiễn của vấn đề như thế nào và khâu thẩm tra phải chặt chẽ để khi quyết định thật sự sát đúng. “Mọi khâu chuẩn bị kỹ nhưng kết quả kỳ họp, đại biểu HĐND là người quyết định. Vì vậy nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đại biểu hết sức quan trọng. Muốn vậy, chủ tọa kỳ họp phải “truyền lửa”, tiếp sức cho đại biểu làm tròn chức năng nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân; phải linh hoạt trong quá trình điều hành để khơi dậy được ý thức, trách nhiệm của đại biểu. Về trách nhiệm của mỗi đại biểu cũng cần chủ động nghiên cứu kỹ nội dung và tham gia ý kiến chất lượng tại kỳ họp” - ông Nguyễn Duy Thao – Phó Chủ tịch HĐND thị xã Hoàng Mai nhấn mạnh.

Đồng tình với các ý kiến nêu trên, ông Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định, kỳ họp chuyên đề phải được coi là hoạt động bình thường của HĐND các cấp, đòi hòi Thường trực HĐND cần chủ động từ sớm, từ xa, thống nhất với Ủy ban nhân dân về chương trình, nội dung, phân công nhiệm vụ, công tác chuẩn bị của kỳ họp, khắc phục tính bị động, gấp gáp về thời gian tổ chức kỳ họp. Mặt khác, các khâu chuẩn bị và tổ chức kỳ họp cần phải đảm bảo chặt chẽ, bài bản về quy trình; tránh xem việc tổ chức kỳ họp chuyên đề như một thủ tục cần phải làm, bởi như vậy vừa đánh mất vai trò của Hội đồng nhân dân, lại ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều hành, chỉ đạo phát triển chung của địa phương.

Bài, ảnh: Mai Hoa