Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian tới, tác giả xin có một số đề xuất như sau:

1. Đổi mới hoạt động của tất cả các đại biểu HĐND tỉnh

Mỗi đại biểu HĐND tỉnh, nhất là các đại biểu không chuyên trách có hai trách nhiệm đồng thời: trách nhiệm với công việc chuyên môn đang đảm nhiệm và trách nhiệm với công việc của một đại biểu dân cử. Bởi vậy, các đại biểu cần đồng thời thực hiện tốt hai trách nhiệm này. Khắc phục cách làm lâu nay là nhiều đại biểu chỉ thường xuyên làm công việc chuyên môn mà chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động đại biểu dân cử.

Giữ mối quan hệ thường xuyên với cử tri ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Có thể và nên cung cấp số điện thoại cá nhân đại biểu HĐND cho cử tri để cử tri có thể phản ánh ý kiến cho đại biểu HĐND bất cứ lúc nào, bất cứ vấn đề gì. Đại biểu HĐND qua công việc chuyên môn hàng ngày để tiếp xúc với cử tri vừa nghe cử tri nói, vừa nói cho cử tri nghe. Cũng qua tiếp xúc cử tri như vậy để tham gia giám sát các vấn đề các nội dung cần giám sát.

Từ đổi mới ở trên các đại biểu HĐND tỉnh mới có thêm những ý kiến đóng góp thực sự vào các quyết định tại các kỳ họp của HĐND, có sự đóng góp cụ thể cho hoạt động giám sát của HĐND.

bna_img_86918543186_2942022--n1.jpg
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An

2. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban của HĐND.

Từ HĐND khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Trưởng, Phó Ban HĐND tỉnh được bố trí hoạt động chuyên trách, ngoài ra vẫn tiếp tục bố trí các đại biểu HĐND tỉnh kiêm nhiệm tham gia thành viên các Ban. Đây là điều kiện tốt để các Ban của HĐND nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là hoạt động thẩm định các nghị quyết sẽ trình ở các kỳ họp. Mỗi thành viên các Ban của HĐND phải đi sâu đi sát diễn biến, tình hình ở các ngành, các địa phương để ngoài “vốn kiến thức” chuyên môn, còn có thêm “vốn kiến thức” thực tiễn khi thẩm định các nghị quyết.

Các Ban của HĐND cần thiết phải biết dùng chuyên gia, biết tổ chức và khai thác sự đóng góp của các cộng tác viên thuộc lĩnh vực chuyên môn của các Ban. Chất lượng thẩm định các nghị quyết chắc chắn sẽ được nâng lên nếu biết dùng chuyên gia và đội ngũ cộng tác viên. Với tỉnh Nghệ An điều này càng quan trọng bởi vì chắc chắn Nghệ An không thiếu những người có hiểu biết, có thực tế đóng góp cho hoạt động thẩm định.

3. Hàng năm HĐND tỉnh cần tiến hành việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình hoạt động của từng đại biểu HĐND, của các Ban HĐND. Trên cơ sở đó xếp loại từng đại biểu, từng Ban. Riêng tại các phiên chất vấn của HĐND nên chăng lấy phiếu thăm dò ý kiến của cử tri: đại biểu nào chất vấn đúng và trúng; Trưởng ngành, trưởng cơ quan, tổ chức nào trả lời chất vấn đúng và trúng. Từ đó để nâng cao chất lượng (cả chất vấn và trả lời chất vấn) tại các phiên chất vấn.

4. Tổ chức hoạt động giám sát thật chặt chẽ để hoạt động giám sát đi vào thực chất và có hiệu quả cụ thể là:

- Chọn đúng và trúng nội dung (hoặc vấn đề) cần và nhất thiết phải giám sát. Tinh thần là “thà ít mà tốt”

- Xác định rõ những việc cần làm (hay quy trình) cả trước, trong và sau giám sát.

- Thông báo các nội dung (hoặc vấn đề) sẽ giám sát cho Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội có liên quan để kết hợp chặt chẽ hoạt động giám sát của HĐND với hoạt động giám sát xã hội. Không coi đây chỉ là việc của riêng HĐND tỉnh

bna_truongdulich744061_2842022.jpg
HĐND tỉnh giám sát công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại các trường nghề

- Thông báo các nội dung (hoặc vấn đề) sẽ giám sát cho tất cả các đại biểu HĐND tỉnh để kết hợp chặt chẽ giữa giám sát bằng tổ chức với giám sát của mọi đại biểu HĐND tỉnh. Gắn giám sát từng đợt với giám sát thường xuyên.

- Sau mỗi nội dung (hay vấn đề) đã được giám sát cần tổng kết, đánh giá thật chu đáo: Hoạt động giám sát đó đạt mục đích đến đâu? Đạt kết quả cụ thể thế nào? Cách tổ chức giám sát có gì hay, có gì tốt, có gì phù hợp và có gì cần bổ sung, sửa chữa, hoàn thiện? Qua tổng kết đánh giá như vậy để HĐND tỉnh có thể rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ giám sát của mình. Đảm bảo nội dung (hay vấn đề) giám sát sau tốt hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn và có hiệu lực hơn.

Giám sát càng có hiệu quả, hiệu lực thì quyền lực của HĐND tỉnh càng được nâng lên. Chúng ta phải vừa làm, vừa học - vừa học, vừa làm để đạt được kết quả cao hơn hoạt động này.

5. Tất cả các đề xuất trên được tiếp nhận và hành động như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào quyết định, hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, vì vậy xin đề nghị:

- Xác định thật rõ chức trách nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh và của từng Ủy viên thường trực

- Có quy chế làm việc khoa học, hợp pháp, hợp lý giữa Thường trực HĐND với các Ban của HĐND, với các tổ đại biểu HĐND

- Có và triển khai tốt quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh (cơ quan hành pháp) với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Cơ quan tư pháp); Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.

Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hội đồng nhân tỉnh chỉ thực sự là của dân, do dân và vì dân khi mọi hoạt động của HĐND tỉnh có chất lượng, hiệu lực và hiệu quả. Vấn đề là ở đó.

Trương Công Anh

Nguyên Ủy viên BTV;

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy