113.jpg
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến cuộc sống Nhân dân, tôn trọng ý kiến và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
  1. Một số vấn đề lý luận về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của Nhân dân trong lịch sử: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”; “Dân là gốc của nước, của cách mạng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”; “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Người đã huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình, góp phần to lớn đưa dân tộc Việt Nam tới độc lập, tự do, đưa Nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; vì vậy, “đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò của dân chủ, coi dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân làm chủ. Người chỉ rõ, địa vị của Nhân dân là người chủ đối với xã hội, đất nước và Nhân dân là chủ thể của quyền lực. Đây là nội dung cốt lõi trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, phản ánh giá trị cao nhất, chung nhất của dân chủ là quyền lực thuộc về Nhân dân: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ”. Điều này khẳng định giá trị xã hội đích thực của dân chủ là ở chỗ giành về cho đại đa số Nhân dân lao động những quyền lực của chính họ thông qua đấu tranh cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới của chính bản thân quần chúng Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một “ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước nhà được độc lập, Nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người đã phấn đấu không mệt mỏi, làm tất cả để thực hiện Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Tổ quốc, cho dân tộc và Nhân dân. Người đã rút ra một chân lý không chỉ cho dân tộc mà còn cho cả nhân loại “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Sau khi nước nhà giành độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người yêu cầu tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Nhà nước do dân tức là dân phải tham gia vào công việc của Nhà nước. Quốc hội nước ta tuy ở vị trí cao nhất song không phải là cơ quan tập trung tất cả quyền lực. Khi xuất hiện những công việc liên quan đến vận mệnh của quốc gia, thì sẽ được đưa ra toàn dân phúc quyết. Nhà nước do dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là dân tự làm, tự lo việc, thông qua các mối quan hệ trong xã hội, qua các đoàn thể, chứ không phải Nhà nước bao cấp, lo thay dân, làm cho dân thụ động, ỷ lại, chờ đợi. Nhà nước vì dân, tức Nhà nước ta ngoài lợi ích phục vụ dân chúng không có lợi ích nào khác, đó là bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta. Người yêu cầu mọi việc làm của Nhà nước phải thể hiện rõ bản chất đó: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Người nhắc nhở chính quyền các cấp phải tránh cho được các lầm lỗi, khuyết điểm, những thói hư tật xấu, những chứng bệnh vốn dễ tập nhiễm trong các cơ quan quyền lực Nhà nước như: cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo...

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi chủ trương, chính sách, mọi quy định của Nhà nước từ trung ương đến địa phương đều phải xuất phát từ lợi ích của dân. Mọi cán bộ Nhà nước đều vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Một Nhà nước vì dân phải đảm bảo cho dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người đã chỉ ra một cách rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Nhà nước vì dân không chỉ biết làm lợi cho dân mà còn phải kính dân. Người nhắc nhở, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta; đồng thời phải làm cho Nhân dân hiểu rõ: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân, do dân, vì dân phải là một Nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh, được quản lý bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Trong một Nhà nước dân chủ, dân chủ và pháp luật phải luôn đi đôi với nhau, có mối quan hệ chặt chẽ mới bảo đảm cho chính quyền trở nên mạnh mẽ. Không thể có dân chủ ngoài pháp luật, pháp luật là bà đỡ của dân chủ. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật, ngược lại hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế.

Trọng dân, tin dân, học dân, tổ chức và giáo dục để phát huy sức mạnh của dân là điều nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định: tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi làm bất cứ việc gì, Đảng và chính quyền cũng phải bàn bạc với Nhân dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của họ, cùng với họ đặt kế hoạch cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức họ thi hành. Trong lúc thi hành lại phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích Nhân dân; thi hành xong phải cùng với họ kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã từng bước tạo được cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội của nền dân chủ XHCN; quyền lực xã hội của Nhân dân được xác định trong Hiến pháp và pháp luật; nhu cầu dân chủ của Nhân dân ngày càng phát triển; ý thức và năng lực thực hành dân chủ của Nhân dân ngày càng được nâng cao...

  1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta đó là: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Để đáp ứng yêu cầu mở rộng dân chủ, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Và có lẽ ai cũng biết việc đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc với cử tri là một sinh hoạt dân chủ của chế độ ta. Cử tri bầu ra các đại biểu HĐND là gửi gắm quyền dân chủ của đất nước vào các cơ quan quyền lực ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Tiếp xúc cử tri và liên hệ với cử tri là một hoạt động quan trọng, là nghĩa vụ của đại biểu HĐND. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri góp phần giải quyết các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri, giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

do_luong_1_20211114161651.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh tham gia tiếp xúc cử tri trước kỳ họp

Qua thực tế hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cho thấy, nhiều địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri nghiêm túc, có chất lượng, đa số ý kiến cử tri đồng tình với cách giải quyết và trả lời của các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, vẫn còn một vài địa phương làm công tác này chưa tốt, chất lượng các buổi tiếp xúc còn hạn chế, đặc biệt là một số cán bộ Nhà nước trong thực thi công vụ chưa nắm vững pháp luật, các quy định của Nhà nước để giải thích, giải đáp cho cử tri.

Để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, cần quán triệt vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân vào hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp trên các vấn đề sau:

Thứ nhất, các cuộc tiếp xúc cử tri phải rõ thành phần, thành phần đại biểu HĐND là cấp nào; thành phần cử tri cần phải có số lượng nhất định là những người dân, đặc biệt là những cử tri quan tâm đến tình hình địa phương, có tinh thần thẳng thắn, trung thực đề đạt những vấn đề thực tế tại địa phương mà HĐND địa phương cần giải quyết

Tại cuộc tiếp xúc cử tri nhất thiết phải có sự tham gia của đại biểu chính quyền địa phương để giải đáp, giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền. Sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri ở từng địa phương, Ủy ban MTTQVN các cấp cần phân loại các ý kiến, kiến nghị theo từng lĩnh vực để trên cơ sở đó tổng hợp phản ánh đúng đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Quá trình tiếp xúc cử tri tại các địa phương cũng cần mời đại diện lãnh đạo các sở, ngành cùng tham dự để nắm bắt, trả lời và làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

Thứ hai, để góp phần làm nên hiệu quả của cuộc tiếp xúc cử tri là sự phối hợp đồng bộ giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tại nơi tổ chức tiếp xúc cử tri;

Trước khi tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban UBMTTQ Việt Nam các cấp trong việc xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri. Kế hoạch tiếp xúc cử tri phải cụ thể chi tiết, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để cử tri có điều kiện tham gia đông đủ; cần thông báo lịch tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng; cách thức điều hành buổi tiếp xúc cần linh hoạt, người điều hành cần định hướng nội dung của từng đợt tiếp xúc cử tri phù hợp, có thể gợi mở vấn đề để cử tri tham gia. Lưu ý dành nhiều thời gian để cử tri được thể hiện tâm tư nguyện vọng đề xuất ý kiến, kiến nghị, chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, nội dung tiếp xúc cử tri để có nhiều cử tri tham gia, tránh tình trạng chỉ có “cử tri chuyên nghiệp”, nên tổ chức tiếp xúc cử tri theo xã phường, thị trấn, đối với các xã miền núi nên tổ chức theo từng làng, thôn, bản tạo điều kiện để cử tri tham gia đông đủ.

Các tài liệu có liên quan đến cuộc tiếp xúc cử tri cần được chuyển cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN đúng thời gian quy định, sau đó các địa phương thống nhất thời gian địa điểm tiếp xúc cử tri và thông báo cho cơ sở biết.

Thứ ba, đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri là được nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, có thể là cốc sữa ngọt mà cũng có thể là bát thuốc đắng. Dù ngọt hay đắng thì cũng để nuôi cơ thể và chữa bệnh cho mình, cho nên đại biểu HĐND các cấp cần coi việc tiếp xúc với cử tri không chỉ là nghĩa vụ mà còn là dịp, hoạt động để đại biểu có thể thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của bản thân.

Về phía cử tri, đi tiếp xúc với đại biểu HĐND còn là thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, vai trò của người làm chủ Nhà nước, hết lòng xây dựng Nhà nước thật sự là “của dân, do dân, vì dân”. Cử tri cần có thái độ thẳng thắn, các ý kiến cần có tính xây dựng, vì cái chung, vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân và cử tri.

Thứ tư, đại biểu HĐND các cấp trước khi tiếp xúc cử tri cần nắm chắc về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các vấn đề bức xúc của địa phương tại nơi tiếp xúc cử tri và chuẩn bị các tình huống giải đáp thắc mắc của cử tri hoặc tổng hợp, chuyển ý kiến đề nghị cơ quan chức năng giải quyết.

HĐND các cấp cần tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để có thể tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề đang đặt ra mà HĐND cần xem xét, quyết nghị, ví dụ như cuộc này là thu thập ý kiến của cử tri về nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng, cả năm; cuộc kia là thu thập ý kiến về các khoản đóng góp của người dân, về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hay ý kiến về giáo dục, y tế... Cần thông báo trước nội dung cho cử tri để cử tri chuẩn bị ý kiến. Những đề xuất của cử tri cần được ghi chép đầy đủ và trả lời cho cử tri biết vào cuộc tiếp xúc sau đó (hoặc sớm hơn). Nội dung tiếp xúc cử tri được xác định rõ sẽ làm cho chất lượng cuộc tiếp xúc tốt. Sự gắn bó mật thiết giữa HĐND và cử tri được tăng cường. Và ở đâu cũng vậy, ý kiến và thái độ của những cử tri góp phần quan trọng vào chất lượng các cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND với cử tri.

Thứ năm, cần nâng cao vai trò giám sát của đại biểu HĐND sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri thông qua các kỳ họp và qua công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Qua đó, đại biểu đánh giá chất lượng giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri có đáp ứng được nguyện vọng của cử tri chưa. Đối với những ý kiến trả lời giải quyết chưa thỏa đáng, đại biểu HĐND cần tiếp tục kiến nghị UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo giải quyết.

Hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thực hiện đồng bộ các vấn đề mà tác giả nêu trên mong rằng sẽ góp phần nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trung tá Hồ Xuân Tiến

Chính trị viên phó, kiêm Chủ nhiệm chính trị

Ban Chỉ huy quân sự tx Hoàng Mai