Trên cơ sở phân công của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định của Pháp luật, giúp HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh có căn cứ, cơ sở để xem xét, thông qua. Tuy vậy, trong quá trình thẩm tra vẫn còn có một số hạn chế, vướng mắc thường gặp từ các nhiệm kỳ trước đến nay, dẫn đến chất lượng công tác thẩm tra phần nào bị ảnh hưởng như: Một số tờ trình, dự thảo nghị quyết gửi về Thường trực HĐND tỉnh còn chậm so với yêu cầu; việc bố trí lãnh đạo tỉnh tham gia thẩm tra chưa đầy đủ tại một số cuộc thẩm tra; một số Ban HĐND tỉnh chưa được tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết; thành viên của các Ban hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm, việc tham gia của thành viên Ban đôi khi chưa thực sự đầy đủ. Một số dự thảo nghị quyết của đơn vị trình chưa thực sự đảm bảo chất lượng, đội ngũ chuyên viên giúp việc các Ban còn mỏng so với yêu cầu công việc…

bna-toan-canh-ky-hop-thu-10-hdnd-tinh-nghe-an-khoa-xviii-9303.jpg
Toàn cảnh kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: BNA

Để tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo nâng cao chất lượng thẩm tra theo quy định của Luật và Nghị quyết 28/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 của HĐND tỉnh khoá XVIII về việc ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngoài những bước trình tự về công tác chuẩn bị, tổ chức thẩm tra, xây dựng báo cáo, xin đề cập số nội dung về giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thẩm tra như sau:

Thứ nhất, Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung, trong việc ban hành nghị quyết, công tác thẩm tra nói riêng. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác thẩm tra tại Nghị quyết 28/NQ-HĐND, trong đó chú trọng đề nghị về sự tham gia của lãnh đạo UBND, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn tham mưu tại các buổi thẩm tra để tăng hiệu quả, chất lượng và tính thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chuyên môn.

Bổ sung quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND: UBND chỉ xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND; Thường trực HĐND không xem xét cho ý kiến những nội dung trình không đảm bảo hồ sơ, thủ tục; quy định cụ thể thời gian giải quyết theo tính chất vấn đề (nội dung thật cấp bách, thời hạn trả lời, phản hồi); đảm bảo việc bố trí đủ thời gian cần thiết cho việc nghiên cứu, đối chiếu hoặc tổ chức khảo sát, thẩm tra.

Thứ hai, Thực hiện tốt công tác chuẩn bị và đổi mới hoạt động chuẩn bị thẩm tra.

- Phát huy vai trò trách nhiệm của Ban chuyên trách; chủ động tham gia ngay từ giai đoạn đầu của việc xây dựng nghị quyết.

Trên cơ sở thực hiện yêu cầu đổi mới của Thường trực HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026, trong quy trình xây dựng chính sách, các Ban HĐND chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, UBND để tham gia ngay từ đầu trong các giai đoạn, quá trình soạn thảo nghị quyết. Theo đó, từ danh mục nghị quyết dự kiến đã được phê duyệt, các cơ quan chuyên môn của UBND chủ trì tham mưu có sự phối hợp với các Ban HĐND trong quá trình các bước xây dựng nghị quyết, họp lấy ý kiến thông qua dự thảo nghị quyết trước khi trình sang Ban HĐND. Thực hiện tốt quy trình này, thì công tác thẩm tra sẽ thuận lợi, đồng bộ, sát hơn về quan điểm giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, cũng như nâng cao chất lượng dự thảo nghị quyết, chất lượng công tác thẩm tra.

Các Ban HĐND tuân thủ trình tự, nội dung, các bước thẩm tra theo quy định. Chủ động sớm trong việc tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu các nội dung thẩm tra được phân công; kịp thời chuyển các tài liệu để thành viên của Ban, đại biểu chuyên trách có thời gian nghiên cứu; Phát huy thẩm quyền đã được cấp ủy giao: thẩm tra trước đối với các nghị quyết cần xin ý kiến Ban Thường vụ, đây là một trong những điểm mới của nhiệm kỳ 2021-2026, cấp ủy đã giao quyền để nâng cao vai trò vị thế của các Ban HĐND, do đó cần được phát huy có hiệu quả, chất lượng trong công tác thẩm tra để làm kênh thông tin giúp BTV cho ý kiến đối với các vấn đề UBND trình;

ipiccy_image.jpg
Các Ban HĐND tỉnh họp thẩm tra các dự thảo nghị quyết và báo cáo trước kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh. Ảnh: BNA

Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần tập thể của Ban, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban, phân công, giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm cụ thể về các nội dung cần thẩm tra. Trên cơ sở kết quả thẩm tra, trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau, cần thiết, các Ban HĐND đề nghị Thường trực HĐND tổ chức cuộc họp với UBND, cùng các cơ quan chuyên môn của UBND để trao đổi, nghe giải trình những nội dung chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau trước khi có ý kiến chính thức với UBND.

- Tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình làm việc với các cơ quan, địa phương có liên quan.

Các Ban xem xét một số nghị quyết trọng tâm, có tính chất tác động lớn tới người dân và cơ sở, tiến hành khảo sát trực tiếp tại một số đơn vị địa phương liên quan để nắm bắt thông tin. Trong đó, cần tập trung khảo sát, giám sát các nội dung liên quan dự thảo nghị quyết về cơ chế chính sách, về đầu tư công, về thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư…; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề để lắng nghe ý kiến tham gia của cử tri, ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp theo dự thảo nghị quyết; làm việc trực tiếp với cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu để yêu cầu giải trình, làm rõ nội dung, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ góp phần thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng về công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết trình HĐND bên cạnh những quy định về thẩm quyền Luật định trong công tác thẩm tra.

Thứ ba, Tiến hành thẩm tra cần đảm bảo quy định về mặt thời gian, thành phần và đầy đủ của hồ sơ dự thảo nghị quyết; bố trí hợp lý thời gian thẩm tra, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công tác thẩm tra.

Theo quy định là: “Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, cơ quan trình dự thảo nghị quyết là UBND tỉnh phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra để thẩm tra”. Do đó Thường trực HĐND cần yêu cầu UBND thực hiện nghiêm túc các quy định về thời gian gửi hồ sơ thẩm tra; trong trường hợp có quy định riêng cho phép linh động về thời gian là khoảng bao nhiêu ngày, trên cơ sở đó để Ban thực hiện nghiêm việc gửi/nhận hồ sơ thẩm tra, nhằm đảm bảo chất lượng công tác thẩm tra. Đối với các Ban, cần chủ động yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân gửi báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết kèm theo hồ sơ, tài liệu liên quan theo quy định (số lượng bản in, bản mềm dự thảo nghị quyết; hồ sơ trình kèm theo). Phối hợp giữa các Ban để xây dựng khung thời gian phù hợp, tránh sự trùng lặp thời gian thẩm tra giữa các Ban, nhằm tạo điều kiện cho đại biểu chuyên trách có thể tham gia được các hội nghị thẩm tra của các Ban. Tuỳ theo tính chất nội dung yêu cầu thẩm tra để bố trí khung thời gian hợp lý, tránh quá dồn dập nhiều nghị quyết trong khoảng thời gian nhất định, nhằm tối đa việc lấy ý kiến các thành phần dự họp. Cần chú trọng bố trí thời gian hợp lý đối với các dự thảo Nghị quyết về cơ chế chính sách, nhất là chính sách riêng của địa phương.

bna-img-9694-428.jpg
Thường trực HĐND tỉnh thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 11. Ảnh: BNA

Báo cáo thẩm tra là cơ sở quan trọng để đại biểu HĐND nghiên cứu, thảo luận và quyết nghị thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Do đó, báo cáo thẩm tra phải nêu rõ ý kiến đánh giá của Ban về những vấn đề được Ban nhất trí, không nhất trí, còn có ý kiến khác nhau, những kiến nghị sửa đổi, bổ sung và được các thành viên Ban cho ý kiến vào nội dung kết luận. Nội dung báo cáo thẩm tra cần nêu rõ quan điểm, chính kiến của Ban và gợi mở những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đề nghị cơ quan chuyên môn giải trình làm rõ; bên cạnh đó, cần có sự tổng hợp các ý kiến đã nêu của đại biểu khi tiến hành thẩm tra.

Đối với các vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp, cần thực hiện nghiêm quy định về trình HĐND. Hạn chế việc trình các vấn đề phát sinh, trừ một số trường hợp thực sự cần thiết. Trong trường hợp UBND trình phát sinh, thì quy trình thẩm tra, cho ý kiến cũng cần hết sức chặt chẽ, nghiêm túc.

Thứ tư, Đảm bảo tính kịp thời trong công tác tham mưu của Văn phòng, lãnh đạo phòng chuyên môn và chuyên viên được phân công tham mưu trực tiếp. Từ các khâu: nhận hồ sơ và kiểm tra sơ bộ số lượng, chủng loại nội dung để yêu cầu cơ quan soạn thảo, bổ sung; giúp cho Ban HĐND đôn đốc việc gửi hồ sơ thẩm tra và kịp thời báo cáo với lãnh đạo Ban HĐND về các vấn đề liên quan như: nội dung cần khảo sát, giám sát phục vụ thẩm tra; tổng hợp các nội dung phản biện, góp ý kiến tại buổi thẩm tra và tham mưu tổng hợp báo cáo thẩm tra chất lượng.

Thứ năm, Tăng cường hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng về hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh, trong đó chú trọng nội dung về phương pháp, kỹ năng thẩm tra. Bố trí các lớp tập huấn nâng cao về kỹ năng hoạt động cho đại biểu chuyên trách, bộ phận chuyên viên tham mưu phục vụ./.