Đã ban hành Báo cáo kết quả giám sát số 168/BC-ĐGS ngày 28/6/2023 của Thường trực HĐND tỉnh gửi đến UBND tỉnh, các sở ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan hữu quan.

kinh-nghiem-tu-cuoc-giam-sat-cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-tren-dia-ban-tinh-nghe-an-giai-doan-2020-2022.jpg
Đoàn Giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Giám sát công tác cải cách hành chính tại thành phố Vinh (Ảnh: Báo NA)

Một số kinh nghiệm từ cuộc Giám sát

Từ quá trình và kết quả giám sát chuyên đề này, trên cơ sở quan sát, đánh giá, tổng hợp thêm ý kiến của một số vị đại biểu, xem xét tình hình thực tiễn, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong việc thực hiện giám sát chuyên đề của các cơ quan Hội đồng nhân dân như sau:

Một là: Lựa chọn chuyên đề giám sát đúng giai đoạn và thời điểm phù hợp, là vấn đề “nóng”, được các cấp, các ngành và đông đảo cử tri rất quan tâm.

Rõ ràng cải cách hành chính (CCHC) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một nhiệm vụ hàng đầu trong chỉ đạo, quản lý, điều hành trong giai đoạn hiện nay của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, Chính quyền địa phương các cấp. Tuy vậy, ở tỉnh ta trong năm 2022 trở về trước, những kết quả đạt được trong CCHC mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Từ năm 2020 - 2022, xếp hạng CCHC tỉnh Nghệ An (PAR INDEX) đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2021); đặc biệt chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tuy có tốt hơn năm 2021 xếp thứ 35, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố.

Công nghệ thông tin (thời đại 4.0, chuyển đổi số...) đang là vấn đề rất nóng để thúc đẩy CCHC. Tuy vậy, thực tế ở tỉnh Nghệ An, nhiều sở, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Việc đầu tư và nguồn lực để thực hiện chưa tương xứng. Cơ sở hạ tầng thông tin yếu, chưa đồng bộ, cơ sở dữ liệu còn chưa đầy đủ, sự kết nối còn yếu, vận hành chậm.

Như vậy lựa chọn chuyên đề giám sát tình hình thực hiện công tác CCHC của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 -2023 là rất phù hợp.

Hai là: Chọn thành phần trong đoàn giám sát.

Trưởng đoàn do đồng chí Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cùng với các Phó đoàn và các thành viên chủ yếu là các đồng chí Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban HĐND và đại biểu HĐND khối Văn phòng. Số lượng thành viên tham gia Đoàn khá “gọn” (không nhiều người như trước đây). Làm việc tại các huyện, thành phố, thị xã mời thêm Thường trực HĐND cấp huyện cùng dự họp. Trưởng đoàn phân công nhiệm vụ khá rõ, cụ thể cho từng thành viên, từ các nhiệm vụ được phân công phụ trách và các nhiệm vụ phối hợp đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề. Trước khi làm việc với các đơn vị cụ thể, Trưởng đoàn yêu cầu các thành viên viết các ý kiến, tổng hợp các nội dung đã nghiên cứu, nhận xét, đề xuất để Tổ thư ký tổng hợp. Như vậy, các đại biểu tham gia giám sát cần thật sự trách nhiệm, phát huy các kỹ năng, tổng hợp các vấn đề, xem xét toàn diện để có ý kiến phù hợp phục vụ cho công tác giám sát.

kinh-nghiem-tu-cuoc-giam-sat-cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-tren-dia-ban-tinh-nghe-an-giai-doan-2020-2022--n1.jpg
Đoàn Giám sát kiểm tra việc niêm yết thủ tục hành chính tại phường Quang Tiến, TX. Thái Hòa (Ảnh: Báo NA)

Ba là: Đổi mới trong quá trình thực hiện giám sát.

Trong quá trình giám sát, Trưởng đoàn phân công cho các thành viên trực tiếp khảo sát trước như: trực tiếp đến Trung tâm giao dịch một cửa, quan sát, tự phỏng vấn người dân, có khi chính đại biểu trực tiếp thao tác trên máy tính để đánh giá chất lượng internet, chất lượng phần mềm... Bộ phận khác theo dõi về cải cách tổ chức bộ máy, cải cách biên chế thì trực tiếp trao đổi, tìm hiểu, đặt vấn đề với các chuyên viên phòng Nội vụ, phòng Giáo dục... Từ đó khi trực tiếp làm việc với UBND cấp huyện, các Sở, UBND tỉnh thì các vấn đề đặt ra và nhận xét của các đại biểu; kết luận của Trưởng đoàn rất sát đúng, phù hợp. Theo trình tự từ dưới lên như: khi khảo sát tại UBND cấp xã thì đoàn giám sát trực tiếp quan sát, có khi trải nghiệm thủ tục; khi làm việc với UBND cấp huyện thì dữ liệu đã được tổng hợp từ người dân, ý kiến cử tri, từ UBND cấp xã, các Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phụ trách, chuyên viên... Khi Đoàn giám sát làm việc với các sở, ngành thì các vấn đề từ kết quả, tồn tại, trách nhiệm, nguyên nhân, kiến nghị các giải pháp đã được tổng hợp sàng lọc bước đầu ... nên rất sát đúng, cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ yêu cầu các nhiệm vụ đã và đang đặt ra cần kịp thời được giải quyết. Làm việc với UBND tỉnh thì Đoàn Giám sát cơ bản đã soạn thảo xong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát với đầy đủ nội dung, kiến nghị các giải pháp. Tại cuộc làm việc tuy thời gian không dài nhưng lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục có ý kiến, vừa giải trình, vừa làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm nhưng cơ bản là thống nhất với các nhận xét, đánh giá của Đoàn Giám sát. Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã mời đại diện lãnh đạo VCCI tham gia cuộc làm việc và phát biểu các ý kiến. VCCI là cơ quan đánh giá khách quan về CCHC của tỉnh, họ được lắng nghe, tiếp thu nhiều hơn từ ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

kinh-nghiem-tu-cuoc-giam-sat-cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-tren-dia-ban-tinh-nghe-an-giai-doan-2020-2022--n2.jpg
Giải quyết TTHC cho người dân tại Bộ phận một cửa của TX. Thái Hòa. (Ảnh: Báo NA)

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã thực hiện chu đáo công tác tham mưu, phục vụ quá trình thực hiện giám sát của Đoàn; Tổ thư ký tích hợp nhanh chóng các thông tin, văn bản pháp luật, các báo cáo; phóng viên Báo Nghệ An và Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An, Trang TTĐT Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An cập nhật, đưa tin kịp thời và có một số bài viết phù hợp về công tác CCHC phục vụ chuyên đề của Đoàn Giám sát.

Bốn là: Đổi mới trong soạn thảo Báo cáo giám sát

Để chuẩn bị cho báo cáo giám sát, Trưởng đoàn phân công cho các đại biểu là thành viên Đoàn soạn thảo đánh giá, nhận xét các vấn đề thuộc lĩnh vực được phân công (theo Đề cương Giám sát) và các ý kiến khác thuộc trách nhiệm phối hợp, Tổ thư ký tổng hợp ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương, cá nhân liên quan từ các cuộc làm việc để tổng hợp vào Báo cáo. Bước đổi mới này góp phần khai thác, phát huy rất hiệu quả vai trò, trách nhiệm, cũng như trí tuệ của các đại biểu.

Từ Báo cáo số 168/BC-ĐGS ngày 28/6/2023 của Thường trực HĐND tỉnh, tác giả có một số đánh giá như sau:

Phần I - Kết quả đạt được: Phần này Báo cáo cáo giám sát không nêu dài, chủ yếu nêu các nhận xét, đánh giá và có phần trích dẫn số liệu, nhận định trong phần gạch chân cuối trang để chứng minh.

Phần II: Tồn tại, hạn chế: Đây là phần được chú trọng trong giám sát. Đoàn giám sát đã nêu các tồn tại tổng thể trong chỉ đạo, điều hành và nhất là chú trọng nêu rõ các tồn tại, hạn chế cụ thể theo từng cấp, từng ngành, các địa phương theo các nhóm vấn đề đã được nêu trong Đề cương giám sát. Báo cáo đã cố gắng hạn chế việc đánh giá các tồn tại, hạn chế chung chung, như: Một số cơ quan, đơn vị, một số địa phương, một bộ phận chuyên viên, người đứng đầu một số địa phương chưa quan tâm đúng mức...hoặc là nêu các tồn tại nhưng không có dẫn chứng cụ thể.

Trong Báo cáo giám sát số 168/BC-ĐGS, cho thấy sau các nhận định về mặt tồn tại đều có trích dẫn các số liệu… để chứng minh cụ thể.

Ví dụ: - Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC ở nhiều lĩnh vực như đất đai, bảo trợ xã hội, xây dựng, kinh tế,... thực hiện chưa đầy đủ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, số lượng hồ sơ quá hạn trên hệ thống còn lớn (như phần mềm hộ tịch, đăng ký kinh doanh; một số TTHC về quản lý vận tải, cấp đổi giấy phép lái xe của Sở Giao thông vận tải sử dụng phần mềm của Bộ Giao thông. Phần mềm này lại không tích hợp trên dịch vụ công của tỉnh nên cán bộ xử lý lại phải nhập hai lần tại hai phần mềm).

- Vẫn còn sự chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị (như chức năng về xúc tiến thương mại, du lịch giữa các sở: Công Thương, Du lịch với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh).

Phần III - Kiến nghị: Báo cáo đã tập trung kiến nghị các nhóm giải pháp phù hợp, sát đúng tình hình thực tiễn. Các giải pháp khá cụ thể, định lượng được, khả thi, rõ chủ thể thực hiện. Các kiến nghị được chắt lọc tổng hợp từ các sở, ban ngành, UBND các cấp, từ các đối tượng được tiếp xúc và đặc biệt là từ sự nghiên cứu, đề xuất của Đoàn giám sát.

Điển hình như: - Nâng cao chất lượng cung cấp thông tin trên Cổng TTĐT của tỉnh và các trang TTĐT của sở, ngành, cấp huyện. Nâng cao kết quả giải quyết và kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh (hiện nay mới đạt 23%); tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến; Công khai kịp thời, đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định, Nâng cao chất lượng, duy trì hoạt động hiệu quả các trang TTĐT của UBND cấp huyện nhằm đáp ứng được nhu cầu truy cập, tìm hiểu của người dân, doanh nghiệp”.

- Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin để phụ trách tham mưu công tác CCHC; bố trí nguồn kinh phí hợp lý để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại các đơn vị; Thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC để kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

- Chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu bố trí kịp thời, hợp lý kinh phí trong điều kiện ngân sách có thể để thực hiện các nhiệm vụ CCHC, hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác CCHC; Chỉ đạo các sở ngành liên quan sớm hoàn thành xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về đất đai toàn tỉnh.

Kết quả đạt được và hạn chế, đề xuất

Sau khi nhận được Báo cáo số 168/BC-ĐGS, UBND tỉnh đã tiếp thu và ban hành nhiều giải pháp chỉ đạo, triển khai thực hiện các kiến nghị đã nêu trong Báo cáo giám sát; giao rõ trách nhiệm cho Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể, nhất là chuyển đổi số, ứng dụng tốt hơn công nghệ thông tin. Rà soát thủ tục hành chính, hạ tầng thông tin, phần mềm, đề xuất mức thu lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, rà soát tổng thể các thủ tục, quy trình hiện hành để tiếp tục đổi mới, tinh giản, tích hợp, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết công việc hiệu quả hơn.

UBND tỉnh cũng đã giao Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với các địa phương, cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Bên cạnh những nhiệm vụ, kết quả đã đạt được trong thực hiện giám sát chuyên đề này vẫn còn những băn khoăn như: Thời gian dành cho khảo sát thực tiễn và thực hiện các cuộc làm việc chưa nhiều. Việc nắm bắt ý kiến của người dân và doanh nghiệp đối với CCHC, nhất là giải quyết TTHC chưa được sâu rộng. Các đại biểu chưa thể cập nhật sâu hơn thông tin thực tế, dư luận phản ánh đa chiều, nhất là mặt trái trong thực thi công vụ của công chức diễn ra như thế nào là những vấn đề khó. Đại diện cộng đồng doanh nhân góp ý, đề xuất với Tỉnh về CCHC chưa phát huy tốt hiệu quả.

Các phóng sự của báo chí phản ánh về công tác CCHC chưa đầy đủ, chủ yếu chú trọng đưa tin về các cuộc làm việc của Đoàn giám sát. Vấn đề này trong thời gian tới nên chăng Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng ký kết các hợp đồng với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Nghệ An xây dựng các phóng sự khảo sát, điều tra để phục vụ các cuộc giám sát chuyên đề.

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về “Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2022” vừa mới được ban hành, nhưng đã tác động rất mạnh mẽ và hiệu quả. Các cấp, các ngành và Nhân dân đồng tình cao, UBND tỉnh đã triển khai ngay các giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác CCHC. Những kinh nghiệm trong thực hiện giám sát các chuyên đề của cơ quan dân cử cần tiếp tục được đúc rút, tìm tòi, đổi mới để chúng ta làm tốt hơn trách nhiệm của người đại biểu đối với Nhân dân, thực hiện có hiệu quả hơn các nhiệm vụ chính trị của HĐND các cấp trong thời gian tới./.