Đưa thực tiễn vào nghị quyết

Theo dõi hoạt động của HĐND tỉnh, nhất là trong thực hiện chức năng quyết định, nhiều khó khăn, bất cập hoặc yêu cầu phát triển của tỉnh đã được HĐND tỉnh trăn trở, nghiên cứu để ban hành chủ trương, nghị quyết đúng, trúng và kịp thời. Nói cách khác, HĐND tỉnh đã thực sự bám sát, lắng nghe hơi thở cuộc sống, đưa cuộc sống vào nghị quyết.

Đơn cử vào năm 2022, qua phản ánh của Báo Nghệ An cùng một số cơ quan báo chí, có thực trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh bỏ việc có xu hướng tăng; nguyên nhân chính do nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thấp, không ổn định, có khi gần cả năm trời không được nhận chế độ, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống bản thân và gia đình...

bna-toan-canh-phien-giai-trinh-3794.jpg.webp
Toàn cảnh phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác giao đất; giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Trước thực tiễn khó khăn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và tình trạng bỏ việc của lực lượng này gia tăng, nguy cơ rừng không còn người bảo vệ, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Và tại kỳ họp thứ 14, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức vào đầu tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua Nghị quyết số 02 quy định chính sách hỗ trợ chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chia sẻ: Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành chính là sự đảm bảo về nguồn kinh phí ổn định cho các chủ rừng chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng; đồng thời tăng mức kinh phí chi trả quản lý, bảo vệ rừng lên 300 nghìn đồng/ha/năm. Đặc biệt, đảm bảo sự công bằng ở mức chung cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, bởi nghị quyết quy định: đối với diện tích chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng được hỗ trợ 300 nghìn đồng/ha/năm; đối với diện tích đã được bố trí kinh phí bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chương trình, dự án, nguồn vốn hợp pháp khác nhưng tổng đơn giá đã hỗ trợ nhỏ hơn 300 nghìn đồng/ha/năm thì được hỗ trợ bổ sung để đạt mức 300 nghìn đồng/ha/năm.

bna-dong-chi-nguyen-nam-dinh-trao-doi-viec-giai-quyet-cac-kien-nghi-phan-anh-cua-cu-tri-huyen-thanh-chuong-anh-mai-hoa-7373.jpg.webp
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao đổi việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với nghị quyết về chính sách cho lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng, cũng tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh đã quyết nghị ban hành Nghị quyết số 01 về một số chính sách hỗ trợ tàu cá khai thác thuỷ sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh. Chính sách gồm có ba nhóm hỗ trợ, bao gồm: Kinh phí chuyến biển cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi; hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình thay thế thiết bị Movimar; hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.

Ông Trần Văn Dương - một chủ tàu tại xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu), cho rằng: Chính sách của HĐND tỉnh ban hành rất hợp lòng dân; vừa hỗ trợ nhằm khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trong điều kiện giá dầu, lưới cụ và nguyên liệu phục vụ khai thác, đánh bắt thuỷ sản tăng; vừa góp phần cùng các địa phương trong cả nước nỗ lực thực hiện việc gỡ “thẻ vàng” cho thuỷ sản Việt Nam, thông qua hỗ trợ chủ tàu mua thiết bị giám sát hành trình thay thế thiết bị Movimar và cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.

Đưa thực tiễn vào nghị quyết, nên ở mỗi nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đều chứa “câu chuyện” cuộc sống trong đó. Như nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ; đó là “câu chuyện” giải pháp mang tính bền vững trong phòng, chống đuối nước ở trẻ em - một trong những vấn đề “nóng” của xã hội. Hay nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp, đó là “câu chuyện” động viên, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ trực “một cửa”…

bna-dong-chi-nguyen-nhu-khoi-uy-vien-ban-chap-hanh-dang-bo-tinh-pho-chu-tich-hdnd-tinh-cung-doan-giam-sat-hdnd-tinh-khao-sat-cong-tac-quan-ly-hoat-dong-khai-thac-khoang-san-tai-huyen-quy-hop-6526.jpg.webp
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mai Hoa

Ngay cả các nghị quyết về chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư là những “câu chuyện” phát triển thông qua đầu tư các dự án, công trình mới kịp thời hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng nhằm đẩy nhanh đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức 3 kỳ họp, gồm 2 kỳ họp chuyên đề và 1 kỳ họp thường lệ giữa năm với 49 nghị quyết được ban hành.

Chủ động, linh hoạt trong xây dựng, ban hành nghị quyết

Hơi thở cuộc sống không chỉ được HĐND tỉnh thể hiện thông qua nội dung từng nghị quyết và giải quyết những các vấn đề thực tiễn đặt ra, mà còn chính từ những gì thực tiễn đòi hỏi để vừa chủ động, vừa linh hoạt trong xây dựng, ban hành nghị quyết.

Chủ động ở đây là Thường trực HĐND tỉnh đặt ra yêu cầu khâu xây dựng nghị quyết phải chuẩn bị “từ sớm, từ xa” với việc đầu mỗi năm yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, xây dựng danh mục nghị quyết cần trình HĐND tỉnh xem xét ban hành trong năm để Thường trực HĐND tỉnh xem xét thông qua; đồng thời giao các ban HĐND tỉnh đồng hành cùng các sở, ngành và UBND tỉnh trong quá trình chuẩn bị.

bna-dai-bieu-bieu-quyet-nghi-quyet-tai-ky-hop-thu-14-hdnd-tinh-nghe-an-khoa-xviii-anh-thanh-cuong-5370.jpg.webp
Các đại biểu biểu quyết Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường

Có như vậy, nghị quyết ban hành mới có khả thi và đạt hiệu quả cao, sớm đi vào cuộc sống; tránh tình trạng cơ quan soạn thảo chuẩn bị dự thảo nghị quyết sơ sài, mang tính hình thức, nội dung còn chung chung, thiếu cụ thể, dẫn đến phải trình nhiều lần mới được thông qua, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở địa phương hoặc gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh tính chủ động, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng khẳng định: HĐND tỉnh linh hoạt, sẵn sàng tổ chức các kỳ họp chuyên đề bất cứ lúc nào thực tiễn cần để xem xét, ban hành các nghị quyết nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách của tỉnh, của các địa phương. Đây chính là sự linh hoạt, bám sát hơi thở cuộc sống của HĐND tỉnh.

Đưa thực tiễn - cuộc sống vào nghị quyết và bám sát hơi thở cuộc sống để ban hành các chủ trương, nghị quyết, cơ chế chính sách, đã góp phần tăng “sức nặng” quyết định của HĐND tỉnh và nâng cao “sức sống” của các chủ trương, nghị quyết trong thực tiễn.

3-theo-pgs-ts-tran-dinh-thien-can-phai-dat-uu-tien-hang-dau-ve-mat-the-che-chinh-sach-nguon-luc-cho-thanh-pho-vinh-anh-mot-goc-tp-vinh-8410.jpg.webp
Một góc khu vực trung tâm thành phố Vinh hiện nay. Ảnh: Thành Duy