Cơ hội nâng cao năng lực hoạt động ở nhiều cơ sở

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc là đơn vị duy nhất trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và là một trong số những đơn vị trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chính sách đầu tư phát triển thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Công trình xây dựng nhà xưởng thực hành 3 tầng của Trường cao đẳng kỷ thuật Việt - Hàn đang tập trung hoàn thiện

Nhận thức rõ, nguồn vốn đầu tư từ chương trình rất quan trọng để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, góp phần nâng cao năng lực đào tạo, hướng tới mục tiêu trường chất lượng cao, đạt trình độ ASEAN-4 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bởi vậy, ngay khi có kế hoạch đầu tư, nhà trường chủ động xây dựng lại quy hoạch nhà trường, lên ý tưởng thiết kế và khi kinh phí được “rót” về là bắt tay ngay vào các công việc đấu thầu, thiết kế, thẩm định giá và triển khai đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, gồm 2 nội dung: phần xây dựng, gồm nhà xưởng thực hành 3 tầng và nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm đào tạo nghề 2 tầng cùng hệ thống phòng cháy, thiết bị phụ trợ 40 tỷ đồng; phần mua sắm trang thiết bị đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề 30 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 3 năm 2022 – 2024. Đến thời điểm cuối tháng 12/2023, phần xây dựng đang giai đoạn hoàn thiện và sẽ đưa vào sử dụng vào quý I/2024. Riêng phần mua sắm thiết bị đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề do thủ tục hành chính về đầu tư và một số thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên chưa giải ngân nguồn vốn đầu tư, phải điều chuyển nguồn sang năm 2024.

Ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc khẳng định: Khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực đào tạo nghề chất lượng cao và đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động. Nhà trưng bày là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đào tạo nghề của nhà trường với các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tuyển dụng lao động; thực hiện mô hình đào tạo gắn với sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường, phục vụ lợi ích thiết thực cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động.

Ngoài thực hiện dự án Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc; trên địa bàn tỉnh đồng thời triển khai 4 dự án chương trình phục hồi, với tổng nguồn vốn 678 tỷ đồng, thuộc hai lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp có dự án kè chống sạt lở bảo vệ tuyến đê tả Lam, khu vực Yên Xuân, huyện Hưng Nguyên, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối năm 2023, khối lượng thi công xây lắp và giải ngân đạt hơn 85%; chủ đầu tư cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023 trước ngày 31/01/2024. Dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần phòng, chống sạt lở bờ sông, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Lĩnh vực y tế có 3 dự án, gồm: dự án xây mới, nâng cấp cải tạo 8 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện, với tổng mức đầu tư 186 tỷ đồng; dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An, với tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng; dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 28 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện, với tổng mức đầu tư 237 tỷ đồng. Hiện tại các dự án đang được chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh phối hợp với các đơn vị thụ hưởng, các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bao gồm phần xây lắp và mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế.

Xây dựng mới nhà điều trị nội trú và kỷ thuận của Bệnh viên đa khoa Thành phố Vinh

Ông Nguyễn Văn Thương – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho rằng: Nếu không có “gói” hỗ trợ chương trình phục hồi thì 28 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn huyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thiết bị y tế, phục vụ khám, điều trị, nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Trong đó có nhiều cơ sở y tế như huyện Diễn Châu, Yên Thành, Anh Sơn…, từ trước đến nay chưa có “gói” đầu tư mua sắm thiết bị y tế lớn như “gói” thuộc chương trình phục hồi. Thông qua thực hiện các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị y tế, góp phần hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng tuyến huyện, trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh, nâng cao năng lực, chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Triển khai các dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh phối hợp với các chủ đầu tư, các đơn vị thụ hưởng nỗ lực triển khai, thực hiện giao vốn đảm bảo theo tiến độ thực hiện và đồng thời chủ động, linh hoạt rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân trong năm 2023 cho các dự án đầu tư khác với tổng hơn 263 tỷ đồng, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của chương trình và bố trí vốn bổ sung lại trong năm 2024 để tiếp tục triển khai các nội dung còn lại.

Đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc

Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội quy định, các công trình, dự án đầu tư phát triển chỉ có thời hạn thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023; song thực tiễn triển khai 5 công trình, dự án thuộc chương trình đều không đảm bảo yêu cầu về tiến độ thời gian. Mặc dù, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bố trí cho các dự án thuộc chương trình đến hết ngày 31/12/2024; tuy nhiên thông qua hoạt động giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, một số chủ đầu tư cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm rút kinh nghiệm trong các chương trình triển khai sau này.

Vấn đề chung nhất đó là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá sát các yếu tố khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra để đề ra thời gian hợp lý hơn. Đồng thời kiến nghị đối với các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước sớm triển khai thanh tra, kiểm toán sau khi kết thúc dự án, để trên cơ sở đó hướng dẫn các đơn vị thực hiện dự án điều chỉnh, khắc phục kịp thời, tránh để thời gian dài sau đó, gây khó khăn cho các đơn vị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội trong đầu tư phát triển

Ngoài vấn đề tầm Trung ương, một số ý kiến cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh cần xử lý linh hoạt về thủ tục hành chính trong thực hiện các chương trình, dự án, công trình đầu tư mang tính cấp bách, yêu cầu gấp gáp về thời gian (như Nghị quyết số 43/2022/QH15 chỉ cho phép trong vòng 2 năm). Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Trưởng phòng Kế hoạch và Vật tư, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc cho rằng, trong triển khai dự án, phần mua sắm trang thiết bị đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề cho nhà trường, có những thủ tục hành chính còn vòng vo, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện và ảnh hưởng đến tiến độ.

Cùng đề cập thủ tục hành chính, ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An phản ánh: Ở một số ngành, nếu “chiếu” vào quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính thì đúng hạn, tuy nhiên quá trình tiếp nhận, xử lý, khi đơn vị thực hiện đúng, đầy đủ thủ tục thì sở, ngành mới cho nộp hồ sơ vào và thời gian được tính thời điểm đó.

Bên cạnh thủ tục hành chính, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An cũng nêu một số bất cập tại Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn, kiến nghị tỉnh có cơ chế, giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, theo chủ trương phê duyệt đầu tư đối với dự án là xây mới nhà 3 tầng cho nhà mổ, khoa hồi sức cấp cứu, khoa ngoại cao; nhưng không có hệ thống khí y tế, mặt bằng khuôn viên, đường xung quanh công trình. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cho phép bổ sung đầu tư các hạng mục nói trên, đảm bảo dự án được đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả./.