Từ góc độ đặt vùng đất Bắc miền Trung với những yêu cầu về phát huy và khơi dậy tiềm năng để phát triển trong bối cảnh phát triển chung của đất nước, thì việc chia sẻ những đánh giá và kinh nghiệm từ các mô hình đã thành công, tạo nên những dấu ấn thay đổi lớn, là một cách tiếp cận lý thú. Báo NNVN đã có cuộc trò chuyện bàn tròn với Anh hùng lao động, Doanh nhân Thái Hương – Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH. Cùng tham gia trò chuyện có Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế, Nhà văn Nguyễn Thành Phong và Nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa: Thái Hương đã mang dấu ấn là người kiến tạo, kiến trúc sư cho thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK. TH đã trở thành biểu tượng, như một cuộc cách mạng ứng dựng nông nghiệp công nghệ cao và khoa học quản trị trong nông nghiệp Việt Nam, là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành sữa tươi Việt Nam, đã thành công và phát triển, trở thành một tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước hiện nay. Hành trình thành công này tạo nên những dấu ấn rất riêng biệt, rất đặc trưng cho Việt Nam và thực tiễn là đi lên từ nông nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch: Vâng, chính vì thế mà Báo Nông nghiệp Việt Nam đề nghị chị Thái Hương bố trí cho một cuộc gặp gỡ. Với những đánh giá và kinh nghiệm phát triển nông nghiệp và các vấn đề liên quan mà chị rút ra được từ quá trình xây dựng Tập đoàn TH, chúng tôi hy vọng sẽ có những gợi mở cho nhiều nơi khác, nhiều người khác, hướng đến những bước phát triển mới.
Doanh nhân Thái Hương: Tôi là một độc giả của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Tờ báo đã gắn bó và tuyên truyền rất sâu đậm, toát lên bản sắc về nông nghiệp, nông thôn và nông dân chúng ta. Tờ báo đã luôn sát cánh đồng hành cùng người nông dân, doanh nghiệp, cho những sản phẩm của họ đến người tiêu dùng thông qua việc truyền thông, bảo vệ trong quá trình xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm, góp phần minh bạch hóa các tiêu chuẩn của sản phẩm nông nghiệp và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn thông thái của mình.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Quê hương chị Thái Hương là Nghệ An, một tỉnh Bắc miền Trung. Cách đây hơn mười năm, chị bắt đầu xây dựng những trang trại bò sữa quy mô tập trung công nghệ cao lớn nhất Châu Á (năm 2015 – kỷ lục do Asia Book of Records chứng nhận) và nay là “Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới” - được chứng nhận bởi Liên minh Kỷ lục Thế giới (World Records Union – WorldKings). Lúc đó, không thiếu những suy tư về sự thành công của dự án, kể cả các nhà khoa học cũng như trong ngành chăn nuôi bò sữa. Bây giờ, thì chị lại được tôn vinh là người phụ nữ tạo nên sự thay đổi ngoạn mục ở vùng đất nghèo khó này. Doanh nghiệp của chị đã phát triển đi lên từ chính nơi đây. Vậy, xin chị bắt đầu câu chuyện với chúng tôi từ Nghệ An, từ Bắc miền Trung đi.
Doanh nhân Thái Hương: Cảm ơn anh, tôi rất thấm thía khi đọc những trang sách về Phật pháp, trong đó có một ý đã nói thế này: Ở đời, muốn làm một việc tốt, việc thiện nào đó cho đúng ý nghĩa thì cũng phải đủ duyên, mà đúng thời khắc đó thì tôi đã đủ duyên để làm một việc tốt đấy ạ. Thời điểm đó tôi không biết gì về sữa, nhưng một kỳ duyên đã đưa Tập đoàn TH đóng góp to lớn cho trẻ em, cho người Việt, cho người tiêu dùng một món quà ý nghĩa, góp phần nâng cao thể chất và trí tuệ Việt – “sữa tươi sạch TH true MILK”.
Đó là năm 2008, trên bất cứ trên phương tiện thông tin đại chúng nào, chỉ cần tìm chữ “melamine” là ngập tràn tin về sữa nhiễm melamin gây chảy máu thận trẻ em. Đúng anh ạ, chỉ khi xem truyền hình trong một đêm, nhận được thông tin đó, ngay hôm sau tôi đã có quyết định cùng hội đồng tư vấn là tìm ai đó để đầu tư vào ngành sữa.
Thời điểm đó, ngành sữa Việt Nam, nếu không nói là thất bại, thì chính là chưa thành công. Trước đây, người ta cho rằng bò sữa là con vật nuôi chỉ để nhằm xóa đói giảm nghèo, nhưng qua nghiên cứu, tôi thấy nuôi bò sữa là có thể làm giàu được. Nhưng muốn như thế thì cần thông hiểu sâu sắc về quy trình chăn nuôi cũng như các ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến đi kèm.
Ví dụ, con bò sữa ôn đới không thích hợp để phát triển với khí hậu vùng đất Nghệ An, ở nước ta, nếu có khu vực nào phù hợp với loài vật này, thì có thể là Đà Lạt, Mộc Châu… Làm bò sữa từ vùng đồi núi Nghệ An cần phải vượt qua được điều ngăn trở cốt tử ấy. Tôi đã chăm chú vào việc hóa giải điều này.
Và thật may mắn, nông nghiệp thế giới đã phát triển. Đã có những phát kiến lớn về khoa học và công nghệ được áp dụng thành công vào nông nghiệp để khắc chế những điều kiện tự nhiên ngăn trở như thế. Khi đã có công nghệ mới để triển khai thì điều kiện tự nhiên không còn là cản trở lớn nữa, thay vào đó, lại phát huy được thế mạnh về đất đai rộng lớn của các nông lâm trường cũ không có hiệu quả ở Nghệ An.
Việc tiếp theo để thành công như ngày hôm nay là xây dựng chiến lược và thương hiệu sản phẩm. Tôi dựa trên những giá trị cốt lõi mang tính nhân văn, tính khoa học, tính quản trị chuyên nghiệp để tạo ra chất lượng sản phẩm, năng suất lao động chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam. Bằng truyền thông lành mạnh, và cũng có những lúc tranh luận nảy lửa, bảo vệ đến cùng cái đúng, cái chính nghĩa, rồi “hữu xạ tự nhiên hương” để rồi trong một thời gian rất ngắn, thương hiệu TH true MILK được người tiêu dùng chấp nhận và yêu mến.
Không những bằng thời gian, bằng sự lao động nghiêm túc, tập thể các chuyên gia nước ngoài và người lao động Việt Nam đã chứng minh tại các hội thảo quốc tế chuyên sâu về ngành sữa, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về dinh dưỡng, về sữa, từng bước đấu tranh cho sự minh bạch của thị trường sữa để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người sản xuất chân chính. Từ đó, TH true MILK đã tạo dựng được thị trường, mở ra những chiến lược cho những sản phẩm sữa và sản phẩm từ sữa tươi sạch của mình.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch: Được biết rằng, sau thành công về sữa thì Tập đoàn TH trở thành tập đoàn sản xuất và chế biến thực phẩm sạch TH - True Happiness – hạnh phúc đích thực, dựa trên các giá trị cốt lõi của thương hiệu: - vì sức khỏe cộng đồng; - hoàn toàn từ thiên nhiên; - tươi, ngon, bổ dưỡng; - tư duy vượt trội, thân thiện môi trường; - hài hòa lợi ích. Hiện nay, TH đang tham gia phát triển kinh tế bìa rừng và dưới tán rừng với một quy hoạch vùng trồng cây dược liệu ở Nghệ An. Chị có thể chia sẻ thêm về con đường thảo dược này?
Doanh nhân Thái Hương: Đúng vậy. Ta phải nhận thức: thảo dược có nguồn gốc từ rừng. Bảo vệ rừng, phát triển dược liệu là bảo vệ nguồn sống của con người. Việt Nam là nước nhiệt đới, có nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng, được xếp hạng đa dạng sinh học thứ 16 trong số 25 nước có đa dạng sinh học nhất thế giới. Nhiều loại cây thuốc đặc hữu có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao gắn liền với chỉ dẫn địa lý Việt Nam như sâm Ngọc Linh, nghệ, gấc…
Việt Nam có đến 5.000 loại thảo dược khác nhau, đã từng là quốc gia xuất khẩu dược liệu trong quá khứ, là quốc gia có nền y học cổ truyền lâu đời, người dân có truyền thống và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc.
Thảo dược chính là một mỏ vàng mà ta cần khai thác, như cha ông ta đã nói “Đất nước ta rừng vàng biển bạc”, nhưng cũng phải nhìn đến một thực tế, cần phải đánh giá lại thực tế về rừng để ứng xử một cách đúng đắn, để bảo tồn và phát triển kinh tế vùng đệm của rừng và kinh tế dưới tán rừng.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta đã xuất khẩu thô các cây thuốc quý với giá rẻ, nay cũng đã có doanh nghiệp đang từng bước nhận thấy các thực trạng đó và chú trọng đến chế biến và quy hoạch các vùng dược liệu – đó là lợi thế để các doanh nghiệp dược phát triển.
Và tôi cũng dẫn dắt TH, cụ thể hiện ở khu bảo tồn thảo dược Mường Lống, theo 2 hướng: Hái lượm tự nhiên để tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, khi bà con thấy được giá trị của làm kinh tế dưới tán rừng thì sẽ không phá rừng nữa, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững và làm giàu; thứ hai là phát triển tại bìa rừng những cây đã có thực địa ở đó. Sau đó là chế biến sâu các loại thảo dược để tạo ra các sản phẩm đồ uống, thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, mà bước đầu chúng tôi đã ra mắt bộ sản phẩm trà thảo dược TH true HERBAL. Đó là những sản phẩm được hái lượm tự nhiên dưới tán rừng ở độ cao từ 1.500 -2.700m so với mặt nước biển, và cũng có những sản phẩm trồng tại bìa rừng.
Những thảo dược, bây giờ có khoa học công nghệ, nên bất cứ ở đâu cũng sống được, nhưng chất lượng thì như người ta vẫn nói “tránh di thực là tốt nhất”… Tôi đang làm theo tôn chỉ đó. Và câu chuyện này ta sẽ tâm sự dài thêm nữa, cần thời gian để tích lũy thêm và tôi sẽ chia sẻ với các anh. Nhưng chắc chắn một điều là cần theo tôn chỉ bảo vệ tự nhiên. Làm được vậy thì đây sẽ là một mỏ vàng thật – với ý nghĩa tốt cho sức khỏe, không chỉ nâng cao sức khỏe cho người dân Việt Nam mà còn xây dựng thương hiệu quốc gia đậm bản sắc dân tộc và xuất khẩu để mang lại nguồn thu cho đất nước.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, xin doanh nhân Thái Hương chia sẻ một chút về sứ mạng và vai trò của doanh nhân trong công cuộc chấn hưng văn hóa hiện nay.
Doanh nhân Thái Hương: Tôi cho rằng trước mắt chúng ta đang là một thực tế sôi động của thời kỳ kiến quốc. Mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ và hoài bão. Nhưng chúng ta phải hun đúc, phải nuôi dưỡng để ước mơ, hoài bão đó thành khát vọng. Thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo… Để tận dụng những thành tựu này, chúng ta cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề để khích lệ, để biến khát vọng thành hiện thực để tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc, để dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn, để đất nước chúng ta giàu có, văn minh.
Về chấn hưng văn hóa, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng có vai trò rất quan trọng. Doanh nhân phải tạo dựng được cho mình và doanh nghiệp của mình văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh riêng, vừa hàm chứa những giá trị phổ quát, vừa có bản sắc riêng để lan tỏa và đóng góp vào văn hóa chung. Chính vì vậy, ngày 19/05/2022, nhân Lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức công bố 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam:
Trong đó, Bộ quy tắc nhấn mạnh 2 phẩm chất cuối cùng là trách nhiệm và ứng xử với thiên nhiên, môi trường, với Tổ quốc, xã hội và gia đình. Mục tiêu phát động bộ quy tắc này của VCCI là để nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thực hiện chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao.
Bộ tiêu chuẩn này sẽ khích lệ các doanh nhân hoạt động và phát triển chuẩn mực và tẩy chay những bộ phận làm ăn gian dối. Nhìn về xa xưa, văn hóa của mỗi làng xã, thôn bản ở Việt Nam đều có những giá trị và sức sống để hòa vào văn hóa dân tộc. Văn hóa ấy khiến con người ta phải chịu áp lực mỗi khi làm những việc xấu, phải tự răn mình để gìn giữ nếp nhà và quan trọng hơn là thúc đẩy con người hướng về phát triển và tiến bộ.
Hiện nay, ở những khu vực TH đang đầu tư, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng các nhà văn hóa cấp thôn, cung cấp một lượng lớn đầu sách để người dân có thể thu nạp kiến thức và nơi đây chính là không gian sinh hoạt chung. Tôi cho rằng xây dựng những làng xã đúng theo những tiêu chí của nông thôn mới, ở đó, nhận thức, tri thức và văn hóa của người dân được nâng cao, thì rất tốt.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Tập đoàn TH, cũng như nhiều tập đoàn kinh tế lớn khác, đã đầu tư rất nhiều vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, đã tham gia rất lớn vào các hoạt động xã hội, từ thiện… Đây là một tiếp nối truyền thống của các doanh gia yêu nước của chúng ta những thời kỳ trước đây.
Doanh nhân Thái Hương: Đầu tư vào giáo dục, y tế, thể thao hay tổ chức các chương trình xã hội, từ thiện là thể hiện trách nhiệm cộng đồng của doanh nhân và doanh nghiệp, là kinh tế chia sẻ. Đó chính là hạnh phúc!
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch: Vâng, rất cảm ơn Doanh nhân Thái Hương đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện nhiều ý nghĩa. Xin chúc chị và Tập đoàn TH tiếp tục mạnh bước trên chặng đường phát triển mới!
Nội dung: Đức Tùng – Hoàng Nhật (lược thuật)
Thiết kế: Trương Khánh Thiện
Ảnh:Tùng Đinh