Đây là bước điều chỉnh quan trọng nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, và đáp ứng yêu cầu về minh bạch trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phòng, chống rửa tiền.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật tập trung sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số trong đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, một số yêu cầu về giấy tờ doanh nghiệp phải nộp sẽ được bãi bỏ, thay thế bằng phương thức định danh điện tử dựa trên dữ liệu dân cư. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng thủ tục mà còn nâng cao hiệu quả kiểm soát về tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường.

Việc tích hợp hệ thống đăng ký doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho phép xác thực nhân thân người thành lập một cách nhanh chóng và chính xác, hạn chế các hành vi trục lợi, núp bóng pháp nhân để vi phạm pháp luật.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong dự thảo là việc bổ sung 15 nội dung mới liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp; đây là nội dung quan trọng trong phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải kê khai thông tin về cá nhân, tổ chức thực sự kiểm soát hoặc hưởng lợi từ doanh nghiệp, kể cả khi họ không đứng tên trực tiếp.

Việc yêu cầu cung cấp, cập nhật và chia sẻ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Đồng thời, quy định này sẽ được thiết kế theo hướng không phát sinh thủ tục hành chính mới, không gây thêm chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn tăng cường hiệu lực giám sát của cơ quan chức năng.
Chính phủ sẽ ban hành Nghị định chi tiết hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xác định và khai báo thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, bảo đảm đồng bộ với Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, qua thẩm tra tán thành sự cần thiết sửa đổi luật và cho rằng dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong xây dựng pháp luật hiện nay. Đồng thời, cơ quan này cũng lưu ý cần tiếp tục rà soát kỹ các quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời, không để phát sinh khoảng trống pháp lý hoặc vướng mắc trong thực tiễn.

Một trong những đề xuất quan trọng là xây dựng các quy định chuyển tiếp hợp lý, tránh gây xáo trộn hoặc tạo áp lực chi phí cho các doanh nghiệp đã được thành lập trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực. Ngoài ra, để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ, việc xây dựng hệ thống kê khai, lưu trữ và khai thác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cần ứng dụng triệt để công nghệ số, kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp lần này thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội trong việc xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và an toàn; đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của nước ta với công tác phòng, chống rửa tiền.

Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).