Để phát huy vai trò của các ĐBQH chuyên trách trong hoạt động lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tổ chức nhiều hơn các hội nghị ĐBQH chuyên trách; phát huy những thế mạnh của đại biểu chuyên trách ở Trung ương và địa phương để kết hợp tốt giữa lý luận, khoa học và thực tiễn. Cùng với đó, cần phối hợp thực hiện tốt hoạt động phản biện xã hội trong quá trình xây dựng pháp luật.
Vai trò chính yếu trong xây dựng thể chế
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đó là đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Ba đột phá chiến lược đã được xác định từ Đại hội XI và Đại hội XII, đến Đại hội XIII được tiếp tục thực hiện.
Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI, tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021 - 2030.
Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Ảnh: Lâm Hiển
Vậy, ai, cơ quan nào có vai trò chính yếu trong xây dựng thể chế? Không ai khác, đó là Quốc hội và các ĐBQH, đặc biệt là vai trò của các ĐBHQ chuyên trách. Trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, số lượng ĐBQH chuyên trách ngày càng tăng (Quốc hội Khóa XV có 38,6% chuyên trách), xuất phát từ yêu cầu của hoạt động lập pháp trong thời kỳ đổi mới và cũng là điều kiện quan trọng tăng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động lập pháp.
Đặc biệt quan tâm chất lượng hoạt động lập pháp
Chất lượng hoạt động lập pháp được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, vì tác động trực tiếp và thúc đẩy quá trình đổi mới đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra yêu cầu: Hoạt động lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV phải tăng cường hơn nữa với yêu cầu xây dựng thể chế phát triển để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật, sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế- xã hội.
Để đại biểu chuyên trách chuyên tâm vào hoạt động lập pháp
Để đáp ứng những yêu cầu nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra yêu cầu và tạo điều kiện để ĐBQH chuyên trách hoạt động hiệu quả nhất. Ngày 28.3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách (hội nghị đầu tiên của Quốc hội Khóa XV) thảo luận, cho ý kiến vào một số dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới. Với hình thức kết hợp tập trung tại Hội trường Diên Hồng và trực tuyến qua thiết bị điện tử được trang bị cho mỗi đại biểu, chỉ trong một ngày rưỡi, hội nghị đã tiếp thu được nhiều ý kiến xây dựng dự thảo luật. Đây cũng là hình thức để ĐBQH chuyên trách thể hiện vai trò trong hoạt động lập pháp. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tổ chức nhiều hơn các hội nghị ĐBQH chuyên trách như vậy trong hoạt động lập pháp.
Trong điều kiện được trang bị kỹ năng và các thiết bị công nghệ thông tin như hiện nay, các ĐBQH ở địa phương (và cả các đại biểu khác quan tâm đến các dự án luật) có thể tham gia tốt các hội nghị theo hình thức trực tuyến, vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Và để đại biểu chuyên trách có nhiều thời gian, chuyên tâm vào các hoạt động lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phân định rõ các hoạt động "ưu tiên" để sử dụng đội ngũ chuyên trách này, hạn chế để đại biểu chuyên trách phải "sa vào" những việc các đại biểu khác có thể làm được và làm tốt.
Kết hợp tốt giữa lý luận, khoa học và thực tiễn
Yêu cầu đặt ra là mỗi ĐBQH chuyên trách cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình. Đối với đại biểu chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội (chiếm gần 70% số đại biểu chuyên trách), đây là lực lượng chủ yếu trong hoạt động lập pháp, vì đại biểu có nhiều thời gian nghiên cứu sâu và tiếp cận với các cơ quan soạn thảo để phối hợp ngay từ khi dự thảo, đến quá trình thẩm định, thẩm tra...
Đối với đại biểu chuyên trách ở địa phương, tuy không có nhiều "lợi thế" như các đại biểu chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, nhưng lại có "thế mạnh" là được tiếp xúc nhiều hơn với người dân, với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp - là những đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Vì thế, sẽ có những đóng góp rất tốt từ thực tiễn cuộc sống trong quá trình xây dựng pháp luật. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị triển khai Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị “Về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV”: Quốc hội luôn xác định rõ, để pháp luật đi vào cuộc sống thì trước tiên công tác lập pháp phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, bảo đảm "cuộc sống phải đi vào pháp luật và pháp luật phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn".
Như vậy, đại biểu chuyên trách ở Trung ương và đại biểu ở địa phương đều có những thế mạnh trong hoạt động lập pháp. Vấn đề ở chỗ kết hợp tốt giữa lý luận, khoa học và thực tiễn cuộc sống (giữa hai nhóm đại biểu) để pháp luật ban hành vừa bảo đảm cơ sở về mặt lý luận và khoa học, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, như yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã đặt ra.
Đưa nguyện vọng chính đáng của Nhân dân vào các chế định pháp luật
Cùng với đó, cần phối hợp thực hiện tốt hoạt động phản biện xã hội trong quá trình xây dựng pháp luật. Mới đây, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, chế định phản biện xã hội đã được đưa vào quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng trên thực tiễn, do còn nhiều lý do, "rào cản", nên hoạt động này chưa thực sự mang lại hiệu quả cho công tác lập pháp.
Mỗi cơ quan của Quốc hội cũng như mỗi Đoàn ĐBQH ở địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để tổ chức phản biện xã hội các dự án luật đạt hiệu quả. Cần hiểu rằng, phản biện xã hội không chỉ là tham gia ý kiến một cách đơn thuần, mà còn là tranh luận, thảo luận để đi đến cùng của vấn đề, để vấn đề đó "tiệm cận" với lý luận, khoa học và thực tiễn cuộc sống. Phản biện xã hội trong xây dựng pháp luật chính là đưa tiếng nói của Nhân dân, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân vào các chế định của pháp luật, như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: Xây dựng hệ thống pháp luật phải lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Để phản biện xã hội đạt hiệu quả, mỗi dự án luật chỉ nên chọn ra những vấn đề quan trọng, cốt yếu, tác động trực tiếp đến đối tượng điều chỉnh của luật để thực hiện.
Lương Anh Tế- Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương