Trong quá trình thảo luận về giải pháp xử lý tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng mạnh mức tiền cọc. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) bản mới nhất trình tại Hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất giữ nguyên mức tiền đặt trước từ 5 - 20% như Luật hiện hành; đồng thời, bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá.
Theo đó, trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án và quyền khai thác khoáng sản nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy thì sẽ bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong vòng 6 tháng đến 5 năm tùy tính chất, mức độ vi phạm. Việc “khoanh vùng” trong đấu giá quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản do đây là những tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng…
Cũng theo dự thảo Luật, quyết định cấm tham gia hoạt động đấu giá phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp và phải đăng tải công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.
Đấu giá, nếu diễn ra một cách bình thường, minh bạch và theo đúng các quy luật về giá của thị trường thì vẫn là phương thức bán hàng hiệu quả nhất mà người có tài sản mong muốn tiến hành, bởi nó giúp tìm được nhà đầu tư trả giá cao nhất. Trong tư cách là chủ thể đứng ra đấu giá bán hoặc chuyển nhượng tài sản của mình (ở đây là quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản), Nhà nước cũng cần thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá để có thể bán được với giá tốt nhất.
Ở góc độ này, không nâng mức tiền đặt trước là một lựa chọn chính sách hợp lý. Báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo dự Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) cũng khẳng định rằng, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.
Đặc biệt, như lý giải của Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, thay vào đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và hình thức đấu giá. Ví dụ, tiền đặt trước ở Anh từ 5% - 10%; ở Mỹ từ 5% - 25% nhưng không quá 25.000 USD; ở Trung Quốc là 25% nhưng không quá 50.000 nhân dân tệ…
Đấu giá trúng rồi bỏ cọc để lại nhiều hệ lụy xấu cho cả xã hội vì thế ngăn chặn tình trạng này là cần thiết. Tuy nhiên, tổng kết của cơ quan soạn thảo dự Luật Đất giá tài sản (sửa đổi) cũng cho thấy, số vụ việc bỏ cọc chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng số vụ việc bán đấu giá thành. Năm 2023, có chưa đến 100 vụ “bỏ cọc” trong tổng số hơn 20.000 vụ việc đấu giá thành. Như vậy, có lẽ không nên vì một số ít người tham gia đấu giá bỏ cọc mà đặt thêm gánh nặng cho người tham giá đấu giá, khiến cho các phiên đấu giá kém hấp dẫn hơn! Hơn nữa, cấm tham gia đấu giá nếu vi phạm từ 6 tháng đến 5 năm cũng là một chế tài đủ sức nặng răn đe, khiến các nhà đầu tư phải thực sự cân nhắc.