Kết luận càng chặt chẽ, rõ ràng thực thi chứng tỏ đoàn giám sát đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và tâm huyết trong quá trình giám sát.

Không phó mặc cho thư ký

Trên thực tế, vẫn còn một số địa phương khá lúng túng trong việc ban hành báo cáo kết quả giám sát của đoàn hay là ra văn bản kết luận của chủ thể tổ chức Đoàn giám sát, do đó thường bỏ qua bước xem xét báo cáo của đoàn giám sát mà lấy luôn báo cáo kết quả giám sát của đoàn rồi trình luôn kỳ họp HĐND. Bước xem xét kết quả giám sát rất quan trọng, được Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định rất cụ thể. Đó cũng là bước đánh giá được hiệu quả của đoàn giám sát, chất lượng cuộc giám sát. Từ đó, xem xét để trên cơ sở mặt được, hạn chế, nguyên nhân và chỉ rõ được các kiến nghị để vấn đề được giám sát ngày càng hoàn thiện hơn, khắc phục các hạn chế, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và Nhân dân, nhất là các vấn đề, chuyên đề giám sát có nhiều ý kiến bức xúc, cần xử lý. Đặc biệt, khi HĐND ban hành nghị quyết về vấn đề giám sát thì tính pháp lý sẽ cao hơn.

tinh-hoa-1661553795687.jpgThường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh triển khai giám sát chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: Bình Nguyên

Tuy nhiên, hầu như ở cấp huyện, xã, HĐND không ban hành nghị quyết về vấn đề giám sát mà chủ yếu đang là kết luận của Thường trực HĐND, báo cáo của các Ban của HĐND về nội dung giám sát. Ở một số đơn vị, việc chắp bút soạn thảo dự thảo báo cáo kết quả giám sát của đoàn cho đến kết luận của thường trực, báo cáo của Ban HĐND vẫn còn… khoán cho thư ký đoàn thực hiện; khi gửi xin ý kiến có một số thành viên đoàn không đóng góp ý kiến, sau cùng trưởng đoàn cho ý kiến rồi phát hành, thành ra có khá nhiều báo cáo kết quả giám sát chất lượng không cao, có những kiến nghị giám sát còn chung chung, không rõ ràng nên rất khó thực thi. Điều này cũng dễ dàng lý giải cho việc chất lượng giám sát chuyên đề chưa được đánh giá cao, nhất là ở cấp xã, huyện.

Để những kiến nghị "biết nói"

Kinh nghiệm thực tiễn chỉ ra rằng, việc lựa chọn thành viên đoàn giám sát rất quan trọng, trong đó có thư ký Đoàn. Theo đó, thành viên là thư ký đoàn không chỉ nghiên cứu báo cáo của đơn vị được giám sát mà cần nghiên cứu các văn bản liên quan đến nội dung giám sát, đặc biệt là các quy định của pháp luật, của cấp trên liên quan đến nội dung giám sát. Bên cạnh làm tốt công tác ghi chép đầy đủ các ý kiến, cần nhanh nhạy trong tập hợp đến tổng hợp, chắt lọc các nội dung quan trọng, cần làm rõ trong quá trình giám sát, nhất là các vấn đề nhạy cảm, có nhiều ý kiến trái chiều, đánh dấu các vấn đề cơ sở, cử tri kiến nghị, tốt nhất là sử dụng máy tính để ghi biên bản sẽ thuận tiện hơn viết tay. Đặc biệt, cần ghi chép đầy đủ ý kiến kết luận của trưởng đoàn giám sát tại từng đơn vị, địa phương được giám sát.

Quá trình giám sát, thư ký cần tham mưu cho trưởng đoàn phát hiện vấn đề cần giải trình, làm rõ hoặc cần hỏi thêm để thuận lợi khi xây dựng báo cáo kết quả giám sát thì trực tiếp tham gia ý kiến hoặc tham mưu cho Trưởng đoàn quan tâm và “xoáy” sâu hơn về vấn đề đó; đi khảo sát thực tế hoặc gặp gỡ cử tri liên quan để khẳng định vấn đề. Dự thảo báo cáo kết quả giám sát của đoàn cần chú trọng soạn thảo kịp thời, có số liệu rõ ràng nhưng phải lựa chọn những con số “đắt”, “biết nói”, không phải cứ bê nguyên số liệu từ báo cáo của cơ quan, đơn vị được giám sát mà qua báo cáo đó, làm việc, khảo sát thực tế cụ thể tổng hợp rõ những số liệu phản ánh được bản chất của vấn đề. Muốn vậy, thư ký cần có khả năng tổng hợp cao, cần lựa chọn người có kinh nghiệm trong hoạt động của HĐND, có thể là đại biểu HĐND chuyên trách hoặc chuyên viên văn phòng tham mưu, giúp việc.

Quan trọng nhất trong nội dung báo cáo là từ báo cáo của đơn vị được giám sát, thực tiễn làm việc, đối chiếu so sánh khẳng định đánh giá của đoàn, có số liệu minh chứng rõ ràng; riêng phần hạn chế, yếu kém cần có bằng chứng, số liệu để chỉ rõ, tránh chung chung khó xác định và dễ gây tranh cãi trong quá trình xem xét. Tiếp đó, dự thảo báo cáo kết quả giám sát nhất thiết phải được thành viên đoàn giám sát cho ý kiến trước khi họp kết luận giám sát.

Khẳng định tâm thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương

Cuối cùng là không được bỏ qua khâu xem xét kết quả giám sát và ra nghị quyết, kết luận hoặc báo cáo của cơ quan là chủ thể của đoàn giám sát. Theo đó, bên cạnh chuẩn bị tốt dự thảo, đoàn giám sát cần chỉ ra tại cuộc họp này những vấn đề có tính chất quan trọng, phức tạp mà qua giám sát đoàn nhận thấy cần giải quyết, thống nhất, chủ thể của đoàn giám sát cần điều hành làm rõ hoặc bác bỏ ý kiến và giữ nguyên quan điểm của đoàn giám sát. Nếu cầu thiết có thể tổ chức thành phiên giải trình về nội dung giám sát trước khi chính thức kết luận. Sau cuộc họp này, cần hoàn thiện báo cáo gửi các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định và hoàn chỉnh lần cuối ban hành.

Suy cho cùng, hiệu quả giám sát chuyên đề nói riêng và hoạt động giám sát nói chung của cơ quan dân cử được đánh giá qua thước đo trực tiếp và việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị qua giám sát đã được chỉ ra. Nghị quyết và kết luận, báo cáo kết quả giám sát chính là sự thể hiện bằng văn bản pháp lý phản ánh cả một quá trình giám sát theo trình tự luật định. Một văn bản kết luận trọn vẹn, đủ đầy là một văn bản không chỉ thể hiện được vai trò, trách nhiệm của đoàn giám sát mà nó cũng chứa đựng được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức được giám sát và sau cùng chính là tâm thế của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong thực hiện chức năng giám sát của mình. HĐND, nhất là cấp huyện và xã cần xem xét ra nghị quyết về vấn đề giám sát như luật định thì chức năng quan trọng này của cơ quan dân cử mới được phát huy.