Về thị xã biển Cửa Lò những ngày đầu hạ, ánh mắt khách xa tưởng đã ngợp đi vì vàng tía xôn xao của loài cúc biển - loài hoa đã trở thành một phần biểu tượng của miền biển này, lại chợt như dịu đi khi nhìn xuống phía chân mình, là dịu dàng và êm ả cái sắc tím mát lành của muống biển lặng thầm. Lòng chợt như chùng lại trước vẻ khiêm nhường đến nhẫn nại của hoa, như chợt thấy tâm hồn được trở lại tuổi ấu thơ, có con diều, mái lá, hàng cây. Nhưng, vẻ tím khiêm nhường của muống biển, không hẳn để giấu mình đi, mà cùng với cúc biển, đã điểm tô thêm sắc màu cho xứ biển Cửa Lò mộng mơ. Sắc hoa tím biếc thủy chung cũng như một lời hò hẹn, đinh ninh cùng du khách rằng hoa và biển trời nơi đây vẫn sắt son chờ bạn quay về.

80d3f1730fb8c1e698a9.jpg
Mỗi khi lập hạ, muống biển lại bắt đầu bừng nở sắc tím, miên man phủ đầy các bãi cát trắng, làm dịu đi cái sắc chang chang của nắng trời, thẳm biển

Về nơi xứ biển Cửa Lò mùa hạ, giữa bâng khuâng một rừng hoa muống biển tươi đẹp, mới thấy sức vươn mãnh liệt giữa vùng khô cằn cát trắng. Loài hoa này còn được ví như đời người phụ nữ vùng biển "như cây rau muống biển, bò lặng lẽ giữa triền cát cháy và khẽ khàng nở những bông hoa tím ngát, chẳng cần ai biết". Chuyện cổ còn lưu rằng, xưa có đôi trai gái yêu nhau. Gia đình cô gái rất giàu, còn chàng trai lại rất nghèo. Cha cô gái ra điều kiện: "Nếu đủ lễ vật như yêu cầu sẽ gả con gái cho". Từ đó, ngày nào chàng trai cũng ra biển đánh cá để mong tìm đủ tiền mua lễ vật. Đến một ngày, số tiền đã gần đủ, nhưng trớ trêu thay, chàng trai đã ra đi không trở về vì gặp cơn bão lớn. Cô gái đã khóc rất nhiều và đứng trên bờ biển để đợi mãi, chờ mãi rồi kiệt sức và chết. Các vị tiên cảm mối tình son sắt, đã biến cô thành hoa muống biển. Và mỗi đóa tím ngắt, thủy chung luôn vươn về phía đại dương để ngóng chờ người tình thương nhớ vẫn chưa về như ước hẹn ngậm ngùi…

Tìm hiểu về loài hoa đã đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật mà bài hát trứ danh "Chuyện tình hoa muống biển" của nhạc sỹ Hoàng Phương như một minh chứng cho nỗi đa cảm của hoa, mới biết hoa muống biển còn được người đời gọi là nhị diệp hồng thự hay mã an đằng, nhưng tôi vẫn cứ thích tên gọi “hoa muống biển”, dung dị và gợi nhớ một miền quê êm ấm đã trôi cùng ngút ngàn mây trắng.

d2c4bdc97002be5ce713.jpg
Cây cứ nhoài mình ra phía đại dương mà hứng gió biển mặn, cứ trải mình trên cát bỏng mà xanh

Loài hoa, loài cây đã như gắn kết với mỗi làng chài ven biển trên dằng dặc 3.260 km bờ biển của dải đất hình chữ S hay duyên dáng uốn mình theo 82 km duyên hải biển Đông của xứ Nghệ. Cây mỏng mảnh là vậy, mỗi nụ tim tím đều tưởng chừng như chỉ là yếu ớt, thế mà cứ nhoai mình ra phía đại dương mà hứng gió biển mặn, cứ trải mình trên cát bỏng mà xanh. Mỗi nhành thân loài cây thảo này đan xen, quấn quít lấy nhau để bò lan trên cát. Thân vươn tới đâu, rễ buông đến đó, âm thầm chui vào lòng cát mà bòn đãi chút chất màu hiếm hoi để nuôi cho lá xanh ngời sắc ngọc kiêu hãnh và trổ nụ tím tươi bền bỉ. Lá muống biển thường mọc so le nhau, phía cuống như hình trái tim xanh, đầu lá hơi tròn lại, xòe ra như móng loài trâu lành hiền, nhẫn nại. Mỗi khi lập hạ, muống biển lại bắt đầu bừng nở sắc tím, miên man phủ đầy các bãi cát trắng, làm dịu đi cái sắc chang chang của nắng trời, thẳm biển. Rồi đến cuối Thu, cánh hoa tím đã dần tàn, những quả be bé, xinh tròn bắt đầu tượng hình, khép giấc ngủ trưa hè một đời cây, lặng lẽ đợi chờ một mùa hè đang tới nữa. Sống cùng biển, những hạt giống bé mọn kia thường nổi nênh trên mặt biển và không bao giờ bị chất chát mặn đại dương làm ảnh hưởng đến cuộc tái sinh ngày sau. Nhỏ bé, nhưng kiên cường là vậy. Đừng tưởng dưới sắc tím mỏng manh kia là sự lãng du, yếu mềm. Mà loài quân tử muống biển vẫn tự chống chèo trước phong ba biển mặn để hào sảng luân hồi kiếp kiếp. Cũng là một nét riêng của những loài chung sống nơi xứ biển nhiều thăng trầm.

Chuyện xưa còn kể về sự tích Hòn Mắt, nằm nao nao nơi đầu sóng, cách thị xã biển mấy tầm chim sải cánh. Nơi đó mọi người vẫn luôn nhắc nhớ câu chuyện về lòng chung thủy của nàng Tố Nương mỏi mắt trông chồng. Nàng tìm chồng trong cơn ly loạn, đến đảo Quỳnh Nhai đã không còn có sức đi tiếp, đoạn đành ở lại mà đăm đắm ngóng về phía bờ. Đảo Mắt - Nhãn Sơn có tên từ đó. Có lẽ, vì cảm cái tình chung thủy của nàng Tố Nương hay sao mà muống biển nơi đây dường như tím hơn, tha thiết hơn miền biển khác?

Muống biển là loài hoa mang lại nhiều tâm trạng, cảm hứng thi, ca cho các nhà thơ, nhà văn và các nhạc sỹ. Đó có lẽ cũng là cảm hứng để nhạc sỹ Hoàng Phương dệt nên những ca từ của bản tình ca "Chuyện tình hoa muống biển" đầy nhung nhớ, day dứt "Có chàng trai tên Biển. Cùng yêu thương cô Muống chân tình. Biển mải mê bơi tìm luồng cá. Con nước vô tình cuốn Biển trôi xa!”. Nữ thi sỹ Phạm Thị Hiền thì e ấp cái thẹn thùng của nàng thôn nữ quê biển "Em ngại mời anh ra thăm đảo. Làng em lúp xúp mái nhà tranh. Trẻ con cháy nắng đùa trên cát. Muống biển bên đường toả lá xanh...". Viết về hoa muống biển, đã có biết bao người. Ưu tư như Võ Kim Ngân khi trải nỗi lòng “Hoa muống biển tím hoàng hôn muộn. Nỗi nhớ lặng thầm, khắc khoải đêm sâu…”

69c4b441428a8cd4d59b.jpg
Sắc hoa tím biếc thủy chung cũng như một lời hò hẹn, đinh ninh cùng du khách rằng hoa và biển trời nơi đây vẫn sắt son chờ bạn quay về

Mùa hạ lại đang về, một chiều thảnh thơi nào đó, thênh thang trên con đường ven sông Lam xuôi xứ biển Cửa Lò, được thấy những thảm hoa muống biển miên man nối bờ với biển. Hay cùng tay trong tay, lộng gió mặn mòi mà dạo bước ven sóng của những bãi tắm Lan Châu, Xuân Hương, Song Ngư, hít căng tràn vị mặn gió đại dương để rồi lại lắng lòng, nghe se sắt lại khi thấy một đám tím màu hoa muống, e ấp nở bên những ồn ã của sóng vỗ bờ từ vạn kiếp. Cùng với thân cành lan tỏa, hoa muống biển trải sắc tím trên nền cát trắng hay dưới tán phi lao xanh, rung rinh trong nắng gió… đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên đằm thắm, dịu dàng làm mát lành miền cát biển nhiệt đới. Lại thấy đang về một mùa hoa muống biển nơi phía Cửa Lò…!

Trần Hải