Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, Nghệ An đã tiến hành sáp nhập 4.108 đơn vị hành chính, khối, xóm, đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó, sáp nhập 35 xã (giảm 20 xã), sáp nhập 3.903 khối, xóm, bản (giảm 2.090 khối, xóm); sáp nhập 170 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện (giảm 101 đơn vị). Theo đó, sau sáp nhập có 476 cơ sở dôi dư, trong đó, các đơn vị cấp xã dôi dư 37 cơ sở; các khối, xóm, bản dôi dư 400 cơ sở, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, các huyện dôi dư 39 cơ sở. Cùng với đó, tổng số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp sau sáp nhập là 4.302 cơ sở với tổng diện tích đất hơn 5.987.638 m2 và diện tích nhà là hơn 715.994 m2. Trong đó, cấp xã 184 cơ sở; khối, xóm, bản 3.937 cơ sở; đơn vị sự nghiệp công lập 181 cơ sở.

Trụ sở xã Hưng Tiến (cũ), huyện Hưng Nguyên sau sáp nhập với xã Hưng Thắng thành xã Hưng Nghĩa được bố trí cho các cơ quan, đoàn thể xã sử dụng

Xác định việc quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính là vấn đề cần thiết, cần giải quyết sớm để quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công tránh lãng phí, đây cũng là nội dung được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm nên tháng 6/2022, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giải trình về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Sau giải trình, Thường trực HĐND đã ban hành Thông báo số 108/TB-HĐND.TT ngày 28/6/2022. Từ đó đến nay, nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nội dung đã kết luận, tại các phiên giải trình định kỳ hằng năm, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh báo cáo và giao Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện của UBND tỉnh.

Nhiều kết quả tích cực

Thực hiện Thông báo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau phiên giải trình 6 tháng đầu năm 2022 và Thông báo kết luận tại phiên giải trình 6 tháng đầu năm 2024, trong đó có đề nghị UBND tỉnh: Tập trung hoàn thiện hồ sơ nhà, đất đối với 140 cơ sở chưa được phê duyệt đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/12/2024 theo kế hoạch đã đề ra. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính rà soát lại các hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện sắp xếp tài sản công sau sáp nhập. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý tài sản công sau sáp nhập, đặc biệt là phát huy hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí gây dư luận không tốt trong Nhân dân.

Phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính

So với thời điểm Thường trực HĐND tỉnh tiến hành giải trình (tháng 6/2022), đến nay, việc sắp xếp, xử lý nhà và đất sau sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Theo báo cáo cáo của UBND tỉnh, tính đến 24/9/2024, UBND tỉnh đã phê duyệt 4.238/4.408 cơ sở nhà, đất (đạt 97,16% tổng số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp sau sáp nhập đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh); số cơ sở nhà, đất còn lại chưa được phê duyệt sắp xếp là 125/4.408 cơ sở (chiếm 2,84%). Dự kiến đến ngày 30/12/2024 số cơ sở nhà, đất được phê duyệt là 4.408 cơ sở đạt 100% tổng số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, hiện có 9/21 địa phương đã hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp, gồm các huyện: Anh Sơn, Qùy Châu, Quế Phong, Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Kỳ Sơn và thị xã Hoàng Mai.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Mặc dù đạt kết quả tích cực, dự kiến đến ngày 30/12/2024 sẽ hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất sau sáp nhập đơn vị hành chính nhưng hiện nay vẫn còn 12/21 địa phương chưa hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp gồm các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Qùy Hợp, Tương Dương, Con Cuông, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh.

Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thật sự tích cực phối hợp, quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong việc hoàn thiện hồ sơ và lập phương án sắp xếp sau sáp nhập; chưa cập nhật, điều chỉnh kịp thời các cơ sở nhà, đất dôi dư không còn sử dụng theo mục đích cũ vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới theo mục đích sử dụng mới nên không phê duyệt được phương án.

Nhà văn hóa xóm Gia Hội, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương sau sáp nhập không đảm bảo diện tích cho việc sinh hoạt, hội họp của xóm phải cơi nới mở rộng chỗ ngồi ra bên ngoài sân

Một số trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng đã được xây dựng từ lâu, hồ sơ pháp lý bị thất lạc, sai sót, do đó cần phải trích đo lại diện tích nhà, đất nên mất nhiều thời gian. Mặt khác, việc lựa chọn phương án sắp xếp tại các địa phương còn lúng túng, bị động, do sau sáp nhập diện tích tăng lên, dân cư phân bổ rộng, các nhà văn hóa không nằm ở trung tâm, nên việc lựa chọn cơ sở nhà, đất nào cần giữ lại tiếp tục sử dụng là rất khó khăn,… nhiều trường hợp như đất có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, hồ sơ nhà đất thiếu,…nên khó khăn trong việc phê duyệt phương án.

Phấn đấu trước ngày 30/12/2024 sẽ hoàn thành sắp xếp phê duyệt

Để phấn đấu đến trước ngày 30/12/2024 hoàn thành việc phê duyệt sắp xếp lại, xử lý nhà, đất sau sáp nhập đơn vị hành chính, UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư không có nhu cầu sử dụng theo mục đích cũ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, việc thực hiện trích đo lại diện tích nhà, đất đã mất hồ sơ pháp lý, xử lý đất có tranh chấp, sai mục đích sử dụng, hồ sơ nhà đất thiếu;…để kịp thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị lập phương án sắp xếp và hoàn thiện hồ sơ nhà đất để hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp nhà, đất trước ngày 30/12/2024 theo kế hoạch đã đề ra; quản lý việc sử dụng tài sản công đối với các đơn vị thực hiện sáp nhập trong thời gian tới và các đơn vị chưa đưa vào kế hoạch; thực hiện tốt công tác cập nhật, kiểm kê, theo dõi hồ sơ, phần mềm quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả.

Ngoài ra, song song với việc chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp, xử lý nhà, đất sau sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, cần chỉ đạo các sở ngành có liên quan kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp, kịp thời xử lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua (sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh; sắp xếp 92 đơn vị hành chính cấp xã thành 44 đơn vị, sau sắp xếp toàn tỉnh có 20 đơn vị hành chính cấp huyện và 411 đơn vị hành chính cấp xã).

UBND cấp huyện thực hiện rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành;.../.