Ngôi đình trong ký ức

Có lẽ ngày xưa làng quê nào trên đất nước ta cũng đều có đình. Bởi ngay từ xa xưa, khi nói đến văn hoá làng, nói đến nông thôn Việt Nam, người ta liên tưởng ngay tới những hình ảnh đặc trưng, làm nên biểu tượng của làng quê, đó là: cây đa, bến nước, sân đình. Trong các biểu tượng vật thể đó thì đình làng là hình ảnh gần gũi sâu đậm nhất, bởi đó là nơi chứng kiến những sinh hoạt cộng đồng làng, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê qua bao thăng trầm của thời gian. Cũng vì vậy, đình làng đã thấm sâu vào tâm thức, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân làng và trở thành biểu tượng tự hào của quê hương không bao giờ mờ phai.

1.jpg
Hình ảnh ngôi đình làng Vĩnh Tuy của cựu chiến binh, họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh

Với người dân xã Vĩnh Thành (Yên Thành) quê tôi, ngôi đình làng là nơi trang trọng và thiêng liêng, nó gần như đại diện của quyền lực, niềm tự hào của làng.

Nhưng nuối tiếc thay, thời gian như có “chất bào mòn”, cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn khốc của chiến tranh và cả sự thờ ơ, thậm chí cả sự phá hoại của những con người “ấu trĩ” đã làm cho hầu hết đình làng không còn giữ được vẻ uy nghi thuở ban đầu, thậm chí nhiều ngôi đình đã “biến mất” không còn dấu vết dù chỉ là một mảnh ngói.

Đình làng tôi cũng vậy, đã bị dỡ bỏ từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, giờ chỉ còn lại cái địa danh, cái “dằm đất” dãi dầu mưa nắng, gió sương mà mỗi lần qua lại khi về thăm quê lòng tôi không khỏi bùi ngùi… Bởi với tôi đình làng là nơi gắn bó, gần gũi, thân thuộc vì đình chỉ cách mấy chục mét trước mặt nhà tôi. Nơi đó đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm vui buồn từ tuổi ấu thơ. Hình ảnh đình làng đã in đậm trong ký ức.

Theo người xưa truyền lại, hồi đó, việc xây dựng đình là một việc lớn lao nên luôn được cộng đồng dân làng chú trọng. Bởi đình làng là một trong những công trình kiến trúc quan trọng của làng, là bộ mặt của làng nên việc xây dựng đình không chỉ để cho đẹp, cho uy nghi, bề thế mà còn phải phù hợp quan niệm tín ngưỡng dân gian, vì ngôi đình ảnh hưởng đến sự bình an, thịnh vượng hay nghề nghiệp của dân làng. Do đó địa thế, hướng của đình hay vùng đất dựng đình đều theo những quy tắc của thuật phong thủy và địa lý. Đình làng thường được xây dựng nơi không gian quang đãng, rộng rãi hoặc là ở nơi trung tâm của làng, thuận đường nối với các ngõ, ngách các xóm.

inh-Hoanh-Son-o-xa-Khanh-Son-huyen-Nam-an.jpg
Đình Hoành Sơn ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn

Theo lời kể của các cụ cao niên, đình làng Vĩnh Tuy được xây dựng vào khoảng những năm đầu của thế kỷ XIX (Thời Gia Long). Trước khi dựng đình, làng đã mời thầy về chọn vị trí theo luật phong thủy. Mảnh đất được chọn hội tụ đủ các yếu tố phong thủy, một vị thế có thể nói là đẹp về mọi mặt, nằm giữa và trước làng, cạnh ngã ba giữa đường làng với đường đi ra chùa Văn Sơn và giếng Chùa ở phía Bắc. Mặt đình quay về hướng Nam, lưng dựa vào các dãy núi ở phía Bắc, trước mặt là dòng nước rộc Cửa được lấy từ các vùng núi cao ở phía Tây và Nam tụ về trước mặt đình tạo thành một vùng khí thiêng và đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Khu đất dựng đình có thế tụ linh, tụ phúc, hội tụ những điều may mắn. Đồng thời, thầy phong thủy đã hướng dẫn dân làng đào khoảng hơn hai sào đất trước mặt đình để dòng lưu thủy hội tụ sâu, sát đình làm ao và lấy đất đó tôn nền đình cao ráo, còn ao đình sâu khoảng hơn một mét nước. Sau đó bờ ao đình đã được ghè đá ba mặt: Bắc, Đông và bờ Nam có cửa lưu thông với rộc Cửa, có bậc tam cấp lên, xuống dài gần chục mét chếch về phía Tây cổng đình. Bờ phía Tây có bờ tre dày, rễ tre kín mít nên không ghép đá. Nghe các cụ bảo: “Ao đình là nơi trữ huyệt của làng!”

Khi tôi lớn lên, ngôi đình đã hiện hữu từ bao giờ, uy nghi, bề thế với mái ngói rêu phong cổ kính, cong vút giữa trời mây. Đình ở vị trí phong quang, khoáng đạt. Từ ngoài nhìn vào, cổng đình gồm hai cột nanh cao khoảng 3 mét, nằm sát mặt đường chính liên thôn. Cột nanh hình chữ nhật, gồm 3 phần: chân cột, thân cột và đỉnh cột. Trên đỉnh mỗi cột được đắp hai con nghê quay đầu vào nhau. Mặt ngoài mỗi thân cột có hàng chữ Nho màu đen từ trên đỉnh xuống chân cột. Sân đình rộng chừng bảy đến tám mét, dài gần hai chục mét được lát gạch nung màu đỏ, xung quanh sân có tường gạch cao bao quanh. Mái đình lợp ngói mũi hài 4 góc có 4 đầu đao cong vút lên như đuôi chim phượng uốn cong. Sát tường phía Đông của đình có ngôi nhà ngang thấp, 3 gian, cũng được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Đây là nơi làng làm kho lúa “Xã thương” dành hỗ trợ cho những gia đình gặp khó khăn những ngày ba tháng tám giáp hạt. Trên nóc gian cuối phía Nam ngôi nhà là cái chòi để tuần đinh trực gác. Bên cạnh đường, góc tạo giữa ngôi nhà ngang và tường đông sân đình là chợ Đình họp vào mỗi chiều hàng ngày bán hoa quả, trầu cau, mắm muối, đèn dầu và kim chỉ.

bna_41319351_1342020.jpg
Đình Võ Liệt ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương

Sau này tôi mới biết, “lòng ông” của đình đều được làm toàn bằng gỗ lim. Những cây cột gỗ lim to, tròn, đã lên màu nâu sẫm, lì bóng, cao dễ trên năm mét, to đến người lớn ôm mới trọn một vòng tay. Hệ thống cột của nhà Bái đường được đặt trên các hòn đá tảng. Các hòn đá tảng này khác với nhiều ngôi đình khác, đó là xung quanh chân cột gỗ được khoét rãnh tròn, mặt kê chân cột cao hơn rãnh độ 1cm. Kèo, xà ngang, xà dọc đều được chạm trổ những hoa văn hình rồng. Các đầu bẫy đều chạm trổ hình "tứ linh, tứ quý" với đường nét sống động, uyển chuyển.

Đình có 5 gian, hai chái. Gian phía Tây chứa chuông, trống, mõ, đòn rồng, ngai, ngựa. Gian phía Đông để đồ tế khí như kiệu, cờ, võng, lọng, hương án, ấm chén. Ba gian giữa Bái đường, có phản gỗ xếp theo thứ bậc thấp dần từ trên xuống để phân vị thứ bậc chức sắc đến người dân. Trên xà nhà có ba biển gỗ lớn ghi tên tuổi những người có công lớn, có ruộng, tiền cúng cho làng và các danh nhân khoa bảng trong làng. Bái đường được bài trí đơn giản, gọn nhẹ, chỉ đặt một hương án, rất phù hợp với chức năng xã hội của đình, đó là nơi sinh hoạt văn hóa của làng.

Kể cũng lạ, thường thì đình thờ Thành hoàng làng, nhưng trong các ghi chép của các tiền nhân cũng không ghi là đình Vĩnh Tuy thờ Thành hoàng. Các cụ cao niên của làng cũng không còn nhớ là có hay không. Có thể chăng, trước đây, sau khi xây dựng đình, tổ tiên làng đã ghi chép đầy đủ về quá trình xây dựng cũng như đình thờ các thần, nhưng do bao thăng trầm thời cuộc, các tài liệu đó đã không còn?. Các ghi chép hiện có chỉ mấy dòng, rất ít thông tin, “xưa” nhất cũng là những năm nửa sau của thế kỷ XX, mà đình có trước đó gần 200 năm!

Ngôi đình với nhiều sự kiện lịch sử

Cũng như bao đình làng khác trên đất nước Việt Nam, đình làng Vĩnh Tuy (Xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành) cũng là nơi thực hiện những sự kiện về đời sống xã hội của làng: hội họp của Hội đồng kỳ mục, phân chia công điền công thổ; giải quyết các vụ tranh chấp kiện cáo, xét xử, phạt vạ, xử tội người vi phạm lệ làng, ăn khao, thu thuế, thúc sưu…Đình làng còn là nơi hội họp của làng, nơi diễn ra các lễ hội truyền thống của làng, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, văn hoá văn nghệ, như: đấu vật, chọi gà, đánh cờ người, cờ thẻ, kéo co, thi nấu cơm…

Nhưng, đình làng Vĩnh Tuy còn là ngôi đình chứng tích của biết bao sự kiện lịch sử hào hùng, oanh liệt của làng, xã, đất nước.

Theo các cụ cao niên kể lại, trong thời kỳ Cần Vương (1885 -1896) đình là nơi che chở, hội họp của nhiều bậc sỹ phu, nghĩa sỹ chống thực dân Pháp. Các chí sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, ngoài lấy đình Mõ (xã Hậu Thành) làm đại bản doanh để hoạt động chống Pháp, một số nơi có địa thế hiểm trở và kín đáo trong vùng Đông Thành cũng được chọn làm nơi tập trung lực lượng, luyện tập của những người tham gia khởi nghĩa. Đình làng Vĩnh Tuy cũng là nơi đi về, nơi hội họp, gặp gỡ, bàn bạc việc quân của Thủ lĩnh Nguyễn Xuân Ôn và Phó tướng Lê Doãn Nhã, bởi ngoài lèn Văn Sơn có nhiều hang động, có nhiều nơi làm bãi tập kín đáo cho nghĩa quân, xung quanh làng thời đó còn được bao bọc bởi lũy tre dày, dân làng cũng như người ngoài chỉ được vào ra theo 5 cổng chính có tuần đinh canh gác, và đặc biệt, dân làng có lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. “Đánh hơi” được sự có mặt của quân khởi nghĩa, dù đã lùng ráp nhiều lần nhưng chúng vẫn không “tăm” thấy nghĩa quân. Thấy địa thế làng gây khó khăn cho việc tiêu diệt quân khởi nghĩa, chính quyền phong kiến tổng Quan Trung và bọn Pháp ở đồn Thịnh Đức (1) bắt dân làng chặt hết bờ tre và phá các cổng làng để chúng dễ bề vào ra bắt bớ nghĩa quân. Lý trưởng làng (kiêm Phó Chánh tổng) thời đó là cụ Trần Duy Áng đã vận động dân làng kịch liệt phản đối thâm ý của bọn chúng. Nhiều lần thuyết phục không xong, thấy cụ kiên quyết chống lại, chúng đã giam giữ cụ tại đình, đánh đập suốt ngày 25 và ngày 26/12/1885, chúng dã man hành quyết người Lý trưởng yêu nước, ông đã anh dũng hy sinh ngay tại ngôi đình thiêng liêng của làng (theo gia phả họ Trần Duy làng Vĩnh Tuy).

Trong phong trào Xô viết (1930 – 1931), tổ chức Nông hội đỏ ở Vĩnh Tuy được thành lập vào khoảng tháng 5/1930, gọi là “xã bộ nông”, đình Vĩnh Tuy là địa điểm hội họp bí mật của tổ chức Nông hội đỏ và những người trong “Hội kín” đều có trong “sổ đen” mật thám Pháp. Nhiều lần, bang tá Phan Bá Thự đến đình làng gọi Lý trưởng kiêm Phó Chánh tổng Ngô Trí Thuộc và ông Trần Thể ra dọa nạt. Sau đó chúng bắt các ông Thể, ông Đẩu, ông Triệu và một số người của làng giam ở nhà lao huyện. Nhờ sự khôn khéo và mưu trí của ông Ngô Trí Thuộc, các hội viên Nông hội đỏ cũng lần lượt được thả ra. Sau đó, qua bọn mật thám ở đồn Thịnh Đức cấu kết với cha linh mục người Pháp nhà thờ Bảo Nham, chúng biết chính xác ông lý trưởng Thuộc theo cộng sản và không những thế mà còn là thủ lĩnh của tổ chức này. Ngày 21 tháng 7 năm 1931, lính đồn Thịnh Đức, mật thám, lính lệ huyện và bang Thự bắt ông ra đình tra tấn dã man đòi khai tổ chức và những người cộng sản. Suốt một ngày đánh đập dã man bằng những đòn roi tàn độc, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại đình trước sự thương xót của bà con dân làng. Một lần nữa, đình làng Vĩnh Tuy lại chứng kiến sự hy sinh anh dũng của người lý trưởng yêu nước thương dân (theo gia phả họ Ngô làng Vĩnh Tuy).

dinh-lien-tri-1.jpg
Đình Liên Trì thuộc làng Liên Trì, nay là xã Liên Thành, huyện Yên Thành

Cách mạng tháng Tám năm 1945 về tới tận làng, đình làng Vĩnh Tuy là nơi lần đầu tiên bà con dân làng được nhìn thấy ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay do người thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng Trần Tiệu - người con của làng - cắm ở cổng đình. Chiều ngày 25/8/1945, đình Vĩnh Tuy là nơi quần chúng Nhân dân tập trung tổ chức cướp chính quyền từ tay bọn phong kiến và tuyên bố thành lập Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời làng. Đình làng trở thành nơi hội họp, làm việc đầu tiên của Mặt trận Việt Minh. Vào những ngày sôi sục cách mạng năm ấy nhiều cuộc mít tinh, hội họp của dân làng ủng hộ Việt Minh đã diễn ra tại đình làng. Bà con tập trung tại đây nghe các cán bộ Việt Minh cấp trên và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời làng đọc điều lệ Việt Minh, điều lệ các Hội, kêu gọi mọi người tham gia vào các hội: “Nông hội cứu quốc”, “Phụ lão cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc”, các cháu nhỏ vào “Nhi đồng cứu quốc” và sau đó cũng là nơi tổ chức các cuộc vận động lớn như: “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ vũ khí”, “Công phiếu kháng chiến”, “Công phiếu Quốc Gia”….

Đình làng Vĩnh Tuy cũng là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của làng năm 1946 và nơi đây cũng trở thành địa điểm ra các nghị quyết của Chi bộ thôn lãnh đạo dân làng đi theo các phong trào cách mạng của Đảng, của đất nước (theo ông Ngô Xuân Lan, 97 tuổi, nguyên tổ trưởng Đảng đầu tiên của làng)

Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, tại đình, làng đã mở lớp bình dân học vụ đầu tiên trong vùng. Và rồi cũng từ nơi đây, từ sau ngày độc lập cho đến hòa bình 1954, ngôi đình làng đã chứng kiến biết bao cuộc tiễn đưa lưu luyến những người con ưu tú của làng ra mặt trận bảo vệ quê hương đất nước.

Những năm đầu sau hòa bình lập lại, năm 1957, đình làng là nơi thành lập HTX nông nghiệp Trần Phú và năm sau 1958 là nơi thành lập HTX nông nghiệp toàn xã Vĩnh Thành - là HTX nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Nghệ An và trở thành điểm sinh hoạt, hội họp, bình công chấm điểm của HTX. Cũng thời gian này, đình là nơi mở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng đầu tiên của làng. Khoảng cuối 1958, đình làng được đón “Triển lãm các nông cụ cải tiến nông nghiệp” của tỉnh Nghệ An, gồm: Máy tuốt lúa, máy cấy dùng tay bằng gỗ, các loại cày 51 và nhiều dụng cụ nông nghiệp khác…

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đình là nơi sơ tán của một số cơ quan tỉnh như: Trường Đảng Lê Hồng Phong, Trường HTX Nông nghiệp…

Sau chiến tranh chống Mỹ, đất nước vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Địa phương đã quyết định dỡ bỏ ngôi đình để làm bàn ghế cho trường học vì ngày đó người ta quan niệm đình, đền, chùa, miếu mạo… lễ bái vừa tốn kém vừa thể hiện thứ văn hóa "phong kiến" của quá khứ cần phải dẹp bỏ. Theo lệnh, đình làng được tháo gỡ xuống và chỉ sau mấy ngày, ngôi đình có gần 200 năm tuổi, cổ kính, trang nghiêm là thế bỗng chốc trở thành bãi đất hoang. Dân làng tôi tiếc và xót lắm nhưng đã là lệnh phải thực hiện.

Từ khi bị dỡ bỏ đến nay, do khó khăn của thời hậu chiến và bận bịu mưu sinh nên dù có muốn cũng chưa thể phục dựng lại đình. Hàng chục năm nay đình làng đã trở thành phế tích với những đống rác phủ lấp để mỗi lần đi qua dân làng phải ngậm ngùi. Phía sau đình còn hơn 3 mét đất với con mương gần 2 mét nữa cũng đã bị người dân lấn chiếm. Không gian đình đã bị thu hẹp. Mảnh đất địa linh này đang “kêu cứu”!

bna_12767179_552020.jpg
Đình Long Thái ở xã Thái Sơn, huyện Đô Lương

Phải đầu tư phục dựng lại ngôi đình làng lịch sử - không gian văn hóa của làng quê lúa Vĩnh Tuy! Đó là nguyện vọng tha thiết không chỉ của người dân làng, của con dân làng đang công tác, làm ăn, sinh sống khắp mọi miền đất nước mà còn là ý nguyện của các bậc tiền bối đã anh dũng hy sinh tại đây, của các anh hùng liệt sĩ trước khi ra chiến trường đã từ sân đình này ra đi cứu nước. Từ nơi đây họ mang theo trong trái tim những kỷ niệm, những nỗi niềm khao khát thấm đẫm hồn làng quê để họ thêm sức mạnh chiến đấu, để họ dám hy sinh vì Tổ quốc.

Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên ở làng, giờ mỗi lần về thăm quê vẫn đi qua nơi có mái đình ngày ấy. Dưới mái đình này chúng tôi lớn lên và chia tay người thân, bạn bè đi chiến đấu và nhiều người đã không trở về. Hình bóng họ như vẫn còn thấp thoáng dưới mái đình cổ kính của làng tôi. Tiếng vọng từ mái đình xưa chắc rằng là của những người con ưu tú của làng tôi. Ôi, mái đình làng của tôi thiêng liêng đến vậy...