Những người lính Nghệ Tĩnh, từ xưa đến nay đều là những anh hùng, cốt cán của quân đội kháng chiến. Có hai người lính chống Mỹ mà tôi được biết và rất ngưỡng mộ, đó là Hoàng Thượng Lân và Lê Bá Dương.
Liệt sĩ Hoàng Thượng Lân, là lớp đàn anh. Anh sinh năm 1946, quê Cẩm Nhượng, Hà Tĩnh, là con trai của nhà báo Hoàng Nguyên Kỳ, nguyên Thư ký tòa soạn Báo ảnh Việt Nam, dịch giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như Tự do hay là chết, Xa Mạc-tư-khoa... Anh Lân tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Hà Nội, cùng khóa với các họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng… 21 tuổi, Lân xung phong vào bộ đội, biên chế trong Tiểu đoàn 395, thuộc Sư đoàn 320B và vào Nam ngay sau ba tháng huấn luyện, chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị nóng bỏng nhất. Anh bắn, vẽ và viết ở Trị Thiên, mực và đạn đều tuôn ra như máu tươi của con tim, như sự thật. Anh viết: "Sự thật ở đây, mình vẫn còn chưa đủ lời để diễn tả cho người ta hiểu được cái khốc liệt, cái dũng cảm quyết tử của mỗi con người sống bám lấy mảnh đất chiến đấu này. Mình tôn trọng sự thật. Giả dụ một nhà văn có nhiều khả năng hư cấu thì đến đây, anh ta cũng khó lòng mà hư cấu hơn được nữa. Bởi vì thực tế đã thần kỳ, đã vĩ đại quá rồi".
Hoàng Thượng Lân từng bị thương cụt ngón tay cái bên phải và mỗi ngày kề cận nhiều lần cái chết. Trong trận chiến đấu ác liệt ngày 5-3-1968 ở xóm Ðại Ðộ, Quảng Trị, riêng anh đã diệt bốn tên xâm lược Mỹ và được phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3.
Ngày 4-11-1968, anh được tặng thưởng Huân chương Giải phóng. Năm 1970, anh được điều ra miền Bắc. Thời gian này, có những bài viết và tác phẩm của anh được đăng trên báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân; được giữ lại công tác tại báo Quân đội nhân dân, được cấp trên cử đi học văn hóa để thi vào Đại học Kiến trúc thì anh đã lại chọn con đường khác: Trở vào nam chiến đấu với đồng đội của mình, trở vào nơi anh đã biết gian khổ thiếu thốn, cả đất đá cũng bị xay nhỏ và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Và anh cũng biết, cũng cháy lòng khi biết bố mẹ sẽ khổ như thế nào trước cái chết của anh... Anh đã chọn một cuộc sống mà anh cho là có ý nghĩa nhất vào lúc đó.
Và vào một ngày tháng 10-1971, khi đang vượt sông Xê-băng-hiêng, một chùm bom B.52 tọa độ đã cướp đi sinh mạng Hoàng Thượng Lân, một người lính dũng cảm, một tài năng nhiều mặt và dòng nước Xê-băng-hiêng đã cuốn trôi tập bản thảo cuối cùng của anh. Có thể đó đã là những trang viết hay nhất của Hoàng Thượng Lân, một tác phẩm được hun đúc bởi sự dạn dày trận mạc và độ chín tài năng mà mãi mãi không bao giờ chúng ta được đọc.
Tôi có hai người anh hy sinh ở Quảng Trị. Mỗi lần đọc nhật ký của anh Hoàng Thượng Lân viết ngày 8-2-1968, tôi như thấy lời căn dặn của chính anh mình: “Con đang chiến đấu, đang bắn vào đầu quân thù dữ dội. Ðã hai trận rồi ba mẹ ạ. Nhiều lúc con cứ tưởng như con đang mơ chứ không phải sự thật nó thế này. Con đã xác định kỹ rồi. Con biết con có thể sẽ chết, sẽ không bao giờ trở về với gia đình nữa bởi bom đạn ở đây khốc liệt quá. Lực lượng chiến đấu chênh lệch nhau quá. Bên ta chỉ hơn nó về mặt dũng cảm, mưu trí và tháo vát. Còn nó, nó nổ đạn như mưa, bắn không biết bao nhiêu mà kể nữa. Nhưng dù con có chết cũng là một vinh dự lớn cho gia đình. Con không chết ô nhục đâu. Nơi đây con tìm cái chết quang vinh, cái chết tô thắm nét sử vàng dân tộc... Tình yêu Tổ quốc lúc này đối với con vô cùng rộng lớn, vô cùng tha thiết. Tất cả những gì đã phải mất máu xương mới giành giật được, sau này, ba mẹ nhớ nói với các em phải biết quý trọng, nâng niu bởi một phần máu xương trong đó là của con nữa”…
***
Tôi biết anh Lê Bá Dương thoạt đầu qua bài thơ “Đò lên Thạch Hãn”, qua lời kể của các đồng đội Lê Bá Dương, qua các nhà báo chiến trường như Xuân Ngân, Ngọc Đản..., sau mới có những liên hệ trực tiếp với anh khi anh làm phóng viên thường trú báo Văn hóa tại Khánh Hòa.
Lê Bá Dương sinh ngày 10-4-1953 tại thị trấn Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn trong một gia đình trí thức nghèo. Thân sinh của anh - NSND Lê Bá Tùng (1889-1984) là một nghệ sĩ tuồng bậc thầy, học trò của học trò trực truyền Đào Tấn; Giảng viên Trường Sân khấu Việt Nam 1959-1968. Trong mục từ Lê Bá Tùng Giáo sư Nguyễn Lộc đánh giá NSND Lê Bá Tùng là nghệ sĩ “có giọng hát cao, múa đẹp, điểm đặc biệt là ông diễn theo phong cách Huế - Liên khu V hoặc phong cách tuồng Bắc đều nhuần nhuyễn không pha trộn…”. Hiện ở Trung tâm thành phố Vinh, có đường phố mang tên Lê Bá Tùng. Phường Vinh Tân chính là quê nội của Lê Bá Dương.
Như nhiều thanh niên Xứ Nghệ khác, khi chưa đủ tuổi, Dương đã nhiều lần viết đơn bằng máu xung phong đi bộ đội. Anh chính thức nhập ngũ ngày 10-4-1968, khi mới 15 tuổi và có lẽ là quân nhân trẻ nhất nước.
Sau 2 tuần huấn luyện ở Đoàn 22 Quân Khu 4 và gần một tháng hành quân bộ vào chiến trường, Lê Bá Dương được biên chế vào đại đội 3, tiểu đoàn 2, trung đoàn 27, mặt trận B5 tham gia chiến đấu tại mặt trận đường 9 Quảng Trị. Trận đánh đầu tiên tại thôn Tây Trì - Thị trấn Đông Hà, Lê Bá Dương đã lập công xuất sắc, trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ cấp II khi vừa tròn 15 tuổi 49 ngày.
Từ năm 1968 đến hết chiến tranh, Lê Bá Dương đã tham gia chiến đấu trực tiếp trong hàng chục chiến dịch và hàng trăm trận đánh then chốt, từ vai trò chiến sĩ đến cán bộ chỉ huy đại đội. Tên Lê Bá Dương xuất hiện ấn tượng trên các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Báo ảnh Việt Nam, Tiền tuyến (của Mặt trận B5) như “Ba dũng sĩ thắng hàng trăm giặc Mỹ” (Quân đội Nhân dân số ra ngày 15/11/1969); “Tổ chiến đấu Lê Bá Dương” (Tiền Phong số 12408 ra 11/1970)…
Ngoài trận đầu, Lê Bá Dương còn có nhiều trận đánh oai hùng khác. Đó là trận cao điểm 161, phía bắc đường số 9 thuộc huyện Cam Lộ. Trận này, ba chiến sĩ Lê Bá Dương, Ngân Quốc Phòng, Trần Minh Gương đã đánh thắng hai đại đội tăng cường thuộc đơn vị Kỵ binh bay Mỹ , tiêu diệt hơn 100 tên địch và 1 máy bay trực thăng.
Năm 1970, với cương vị trung đội trưởng, Lê Bá Dương chỉ huy một tổ 4 chiến sỹ giữ chốt trên cao điểm 322 nhằm chặn hướng địch di chuyển lên chi viện cho cao điểm 544 (Pu Lơ). Liên tục hai ngày đối mặt với hai đại đội tăng cường thuộc trung đoàn 2 ngụy, bất chấp bom pháo và số quân đông áp đảo của địch, Lê Bá Dương đã chỉ huy và cùng 4 đồng chí chiến sĩ của mình đánh lui hàng chục cuộc phản kích của địch, tiêu diệt hơn 40 tên, thu nhiều vũ khí cùng tài liệu quân sự.
Một trận đánh khác vào ngày 7/2/1971 được ghi trong “Lịch sử trung đoàn 27 - Triệu Hải” được coi là trận đánh có ý nghĩa mở đầu cho phong trào diệt xe cơ giới của địch trên đường số 9. Đơn vị vừa tiếp cận trận địa, thì bị pháo địch bắn trúng. Sau khi chôn cất các liệt sĩ và tổ chức cho thương binh về phía sau, Lê Bá Dương cùng 21 tay súng còn lại của đại đội kiên quyết bám đường số 9 (đoạn phía đông cầu Sa Mưu) để chặn đánh hơn 200 xe tăng, xe chở dầu và chở lính của đơn vị lính Mỹ khi chúng ngược đường lên chi viện cho mặt trận Nam Lào. Sau khi nắm tin trinh sát, đơn vị mưu trí cho cắt đuôi đoàn xe, đánh trực diện, áp sát, tiêu diệt gọn 19 chiếc xe tăng, xe chở dầu và 90 lính Mỹ... Riêng Lê Bá Dương diệt một xe bọc thép và hơn 20 tên lính bộ binh Mỹ đi kèm.
Đặc biệt, tháng 6/1971, trong chiến dịch A2 , thực hiện kế hoạch, phương án vây ép để tiêu diệt cao điểm 544, còn gọi là căn cứ Pu Lơ – nơi tập trung hệ thống ra đa quan sát định vị được coi là “con mắt thần” quan trọng bậc nhất trong hệ thống hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra của Mỹ tại Quảng Trị. Xác định vị trí sống còn của cao điểm này, chúng ta từng nhiều lần tấn công nhưng chưa thành. Lần này, mặt trận B5 quyết định giao cho Trung đoàn 27 dùng bộ binh biên chế gọn, có kinh nghiệm đánh vận động tiến công kết hợp chốt để vây ép từng bước, sau đó phối hợp đơn vị đặc chủng dùng vũ khí mới F2 (Rồng lửa) để tiêu diệt và làm chủ cao điểm. Được đánh giá là một chỉ huy đánh chốt có bản lĩnh và hiệu quả, trung đội trưởng Lê Bá Dương cùng 3 chiến sĩ Trần Hồng Quán, Vi Sinh Thoòng, Phùng Hoè được giao nhiệm vụ chốt giữ mỏm đồi “thám báo” đối diện sát hệ thống phòng thủ trên đỉnh 544 với một quyết tâm: Bằng mọi giá phải giữ được vị trí đồi thám báo để đêm hôm sau đơn vị có địa thế tập kết thuận lợi làm bàn đạp tấn công cao điểm. Với quyết tâm và kinh nghiệm trận mạc dày dạn, Lê Bá Dương cùng 3 chiến sĩ của mình suốt một ngày dầm dưới mưa bom, mưa pháo... đánh lui hàng chục cuộc tấn công điên cuồng của hai đại đội thuộc trung đoàn 2 ngụy. Trong trận đánh đối mặt với phi pháo và số địch đông gấp hàng trăm lần, Lê Bá Dương và các chiến sĩ đều lần lượt bị thương, vết thương này chồng lên vết thương khác. Cơ số đạn dành cho hai ngày chiến đấu đã hết. Hai chiến sĩ đã hy sinh. Như đoán biết thực lực của ta, hơn 400 tên đột ngột tổ chức chia thành nhiều hướng cùng lúc tấn công lên chốt, chiếm bằng được tử huyệt này. Trong giây phút sinh tử, Lê Bá Dương đã lấy máu từ vết thương của mình viết sau tấm ảnh Bác Hồ lời thề quyết tử và lần lượt cùng người chiến sĩ còn lại hôn vào ảnh Bác. Sau đó cho nổ hết số mìn ĐH10 về hướng địch và phát tín hiệu gọi pháo của đơn vị phía sau bắn huỷ trận địa, chấp nhận hy sinh vì thắng lợi của chiến dịch. Chính nhờ quyết định cảm tử của Lê Bá Dương và đồng đội, trận địa được giữ vững đến đêm cho đơn vị tập kết làm bàn đạp tấn công cao điểm. Tại đây, tấm ảnh Bác Hồ và lời thề quyết tử viết bằng máu hết sức cảm động này của Lê Bá Dương đã góp phần động viên khích lệ quyết tâm chiến đấu của cả đơn vị trong đêm đó tiêu diệt và làm chủ cao điểm 544. Tổ Lê Bá Dương trở thành tấm gương chiến đấu đặc biệt xuất sắc của đơn vị, lan rộng khắp mặt trận Đường 9 phong trào thi đua “Chốt chặt như Lê Bá Dương, xung kích như Lê Bá Dương”. Tấm ảnh và lời thề quyết tử của tổ chốt Lê Bá Dương nay còn lưu trong trang sử truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 27 - Triệu Hải anh hùng, truyền qua nhiều thế hệ của Quân đội Nhân Dân Việt Nam.
Với những thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc, nhân cách trung thực, thuỷ chung, sống hết mình vì đồng bào, đồng chí, đồng đội, sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi, vì độc lập tự do của Tổ quốc, Lê Bá Dương đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Một Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì; Hai Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; Tám danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt máy bay, Dũng sĩ diệt cơ giới… từ cấp 3 đến cấp ưu tú; Chiến sĩ Quyết thắng Mặt trận B5; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng…
***
Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của Lê Bá Dương không phải là những tấm bằng danh dự ấy. Sau chiến tranh, tình cảm anh luôn hướng về những đồng đội đã hy sinh. Anh thảng thốt: “Qua nhiều trận đánh, tự tay tôi đã vuốt mắt, chôn hàng trăm đồng đội. Không chỉ là những mất mát đến xót xa một lúc cả trăm, cả ngàn người lính, mà còn là nỗi đớn đau khi nhiều người lính không còn đủ hình hài để có thể cắm một cái bia tên tuổi anh em. Có những người, sau khi chôn xong thì bị lũ cuốn trôi, hay bom lại xới lên, phải chôn lại... Riêng trong chiến dịch giải phóng và sau này bảo vệ thành cổ Quảng Trị, hàng trăm anh em chúng tôi đã nằm - chính xác hơn là tan hòa vĩnh viễn vào lòng sông Thạch Hãn và cả các dòng sông khác”… Năm 1976, từ Nha Trang trở lại thăm chiến trường Quảng Trị, Lê Bá Dương đã lặng lẽ hái những bông hoa rừng thả xuống sông ở Bến Tắt để tưởng nhớ đồng đội. Cứ thế, hàng năm, vào dịp 30-4, hay 27-7, anh lại về Quảng Trị mua hoa thả xuống các dòng sông: sông Hiếu, sông Ô Lâu và sông Thạch Hãn. Người dân thấy thế làm theo và hình thành nên một tục đẹp: Lễ hội Đêm hoa đăng thả đèn hoa trên sông tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Quảng Trị vào tối 14-7 âm lịch hàng năm.
Chiều 27-7-1987, sau lễ hương hoa cho đồng đội, một mình Lê Bá Dương ngồi lặng lẽ bên dòng Thạch Hãn, chợt thấy mấy chiếc thuyền của cô bác khua nước ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Chợt nhói lòng sợ sóng nước làm tan thi hài đồng đội dưới đáy sông, xúc cảm dâng lên thành một lời cầu xin:
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.
Năm 1990, được nhà văn Đỗ Kim Cuông và Thế Vũ khen hay và góp ý, tác giả đã sửa thành bài thơ mang tên “Lời người bên sông” (tên cũ là Đò lên Thạch Hãn) in trên tạp chí Khoa học công nghệ Khánh Hòa số tháng 7-1990:
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Đây là bài thơ nhiều người thuộc, nhất là các cựu chiến binh. Chỉ bốn câu thơ ấy đã đủ tôn vinh Lê Bá Dương thành một nhà thơ Việt Nam hiện đại. Bài thơ dậy lên những cơn sóng trào dâng lòng người, tạo ra xung lực xã hội mạnh mẽ, thức dậy lòng biết ơn và phong trào đền ơn đáp nghĩa trong cả nước. Anh có hai câu thơ đáng xếp vào hàng kinh điển khi viết về những người lính “Ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”: Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc/ Một dấu chân in màu đất hai miền.
Có một chiến sĩ xứ Nghệ khác mà mỗi lần nhắc đến, Lê Bá Dương đều nghẹn ngào. Trong trận đánh cao điểm 322, anh Lễ người Diễn Kỷ, Diễn Châu bị thương nặng. Thương bạn quá, Dương kiếm mảnh bìa các-tông che lên, lấy băng bịt lại. Anh Lễ nói: “Đường mô tau cũng chết. Mi toobngdành băng mà băng cho mi, mi cũng bị thương, máu đang chảy tê tề”. “Không, đó là máu của anh đó”. “Mi không phải giấu tau. Tau biết. Lấy trong túi có hai hào, nộp Đảng phí cho tau”. Rồi tắt thở trên tay Dương. Sau này, trong một bài văn tế giỗ bạn, Dương viết:
Rượu ba chung, thuốc nửa điếu
Như thuở nào nhạt muối, đói cơm
Như thuở nào ăn trong đạn, ngủ trong bom
Như thuở nào nhường bạn cuốn băng
Giấu mình vừa trúng đạn
Như thuở nào xếp đá
Chôn đồng đội tôi bên suối cạn
Để cuối chặng đời, lòng vẫn ngoảnh lại phía ngày xưa.
“Ngoảnh lại phía ngày xưa” để sống trọn cuộc đời người chiến sĩ. Lê Bá Dương, một người con Xứ Nghệ anh hùng; một người con Xứ Nghệ thắm tình; một con người nhuốm màu huyền thoại!
(Các từ địa phương: “Mi”: Để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, ví dụ: "bạn", "cậu"
"Tau": Để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, ví dụ: “tôi”, “mình”
“Tề tề”: Được sử dụng như một từ chỉ hướng hoặc vị trí, tương đương với "kia kìa")