Ông Phạm Xuân Cần trao đổi kinh nghiệm tìm kiếm Vinh xưa.

Ông là Phạm Xuân Cần, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Vinh, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An. Ông còn có biệt danh “nhà Vinh học” hoặc “nhà viết sử từ… Facebook”.

“Mò kim đáy biển”

Năm 2007, rời Thành ủy Vinh về Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, ông Cần in cuốn “Văn hóa đô thị với thực tiễn thành phố Vinh”, mở đầu loạt sách về Vinh xưa. Cuốn sách đoạt giải nhất-Giải thưởng định kỳ về sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, năm 2010.

Sau giải thưởng, ông nghĩ “mình viết về văn hóa đô thị Vinh nhưng lại thiếu hụt mảng lịch sử văn hóa Vinh giai đoạn thuộc Pháp (giai đoạn bị đô thị hóa)”. Lúc đó, tài liệu, hình ảnh sưu tầm được trong quá trình viết cuốn sách này gợi trong ông nhiều ý nghĩa về đô thị, văn hóa, kinh tế, xã hội giai đoạn phôi thai, đầu thế kỷ XIX. Gợi mở khiến ông muốn tìm hiểu sâu sắc thêm.

Nhưng tìm dấu tích đô thị Vinh xưa bằng cách nào là một câu hỏi khó khi tư liệu không có sẵn từ sách, báo trong nước, kể cả trong thư viện. Ông lên mạng internet tìm trang thông tin điện tử của Pháp. Đang tìm, ông đọc được bài giới thiệu trên báo Tiền Phong về một trang web của Pháp chuyên bán ảnh, tư liệu cũ của nước ngoài ra khắp thế giới. Ông mở trang web thấy nhiều tư liệu quý về Đông Dương và Việt Nam, trong đó có Vinh thời thuộc Pháp.

Ông vào trang này thấy liên thông với nhiều trang khác. Ông thử dò một vài trang rồi dịch từ tiếng Pháp hoặc chuyển sang tiếng Anh để nhờ dịch. Thấy tốn quá nhiều thời gian, ông nghĩ cách gõ từ khóa “Vinh-Bến Thủy” trong trang này thì mạng hiện khi Nghệ An, khi An Tĩnh. Ông nhận xét: “Mạng có khi đỏng đảnh lắm. Nếu không kiên trì thì khó tìm ra manh mối chuẩn chỉ. Hơn nữa, kỹ năng tra cứu thời kỳ đầu chưa “ngon lắm” nên sau khi gõ nội dung cần tìm, mạng hiện ra vô số nội dung, hình ảnh về Vinh xưa và nay, nếu kiến thức không vững sẽ choáng hoặc nản chí”.

Nhưng rồi, người đam mê thường gặp người đam mê. Ông đang cần mẫn tìm dấu tích Vinh xưa thì nhận được thông tin quý của một người cũng đam mê “vốn đô thị cổ” đang “lang thang trên mạng” như ông. Đó là ông Lê Thanh Xuân, ở Quảng Bình. “Ông bạn có một “bồ” tư liệu quý giá. Ông cho tôi địa chỉ một bảo tàng Dân tộc học của Pháp và hướng dẫn tỉ mỉ cách vào các kho tư liệu ở Pháp, trong đó có những bộ ảnh về Vinh xưa rất thú vị”, ông Cần vui nói.

Cũng trên internet, một nguồn tư liệu khác đến với ông từ một kiến trúc sư, kiêm họa sĩ người Đức. Vị này tham gia xây dựng khu chung cư Quang Trung ở TP Vinh vào hai năm cuối (1978-1980). Nguồn tư liệu được dẫn từ Viện Viễn Đông Bác Cổ (trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa, thuộc Bộ Giáo dục đại học và nghiên cứu Pháp). Tại đây, xuất hiện nhiều doanh nghiệp người Pháp có mặt khắp trên thế giới, trong đó có Vinh xưa. Biết được những thông tin như vậy là bởi ông Cần nhờ một chuyên gia dịch thuật tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 ở Đà Lạt, dịch. Có những đoạn tư liệu khó đến mức chuyên gia dịch thuật này phải gửi sang cô giáo ở Pháp để nhờ tham vấn, dịch cho chính xác nhất.

Bàn sâu về những hình ảnh các di tích, danh thắng như đền, chùa, cầu, đường, công sở, nhà thương… đã sưu tầm, ông Cần nhận xét: “Lần tìm tư liệu để thuê dịch đã khó nhưng việc xác minh tư liệu, hình ảnh cho chuẩn xác khó hơn nhiều”. Ví như, hình ảnh Đền Tam tòa phải mất 5 năm mới xác định được. Hoặc chiếc cầu ngói ở xã Nghi Long được ông Cần tìm hỏi ông N.X (một cán bộ cao cấp, cao tuổi cư trú tại đây). Lúc đầu, ông N.X nói không rõ nhưng 5 năm sau ông N.X cam đoan về vị trí, tên gọi cây cầu này là cầu Khoa Trường. Nhưng khó hơn ngôi đền, cây cầu là khi xác minh về nhân vật của Vinh xưa để đối chiếu trước khi ngồi viết. Quan điểm của ông là “không thể để một sai sót xảy ra vì họ là nhân vật chính làm nên diện mạo Vinh xưa”. Đây là khoảng thời gian cuốn “Vinh xưa” gồm 100 bức ảnh của ông xuất bản (2015). Chỉ sau vài tháng, cuốn sách tái bản hàng nghìn cuốn. Năm 2016, ông nhận Giải đồng về sách hay và Giải bạc về sách đẹp cuốn này. Năm 2020, ông in tiếp cuốn “Năm xưa, tỉnh Nghệ, thành Vinh”, gần 400 bức ảnh về tỉnh Nghệ An và đô thị Vinh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Đường Mười Uyển-một trong năm đường phố mang tên mới.

Lan tỏa trang “Vinh xưa”

Năm 2020, dịch Covid-19 khiến ông Cần bí húy bước chân điền dã. Trong ngôi nhà giản dị chỉ có sách và sách, ông lập trang “Vinh xưa” trên Facebook để chia sẻ thông tin với người đang “mê” Vinh xưa như mình. Sau một tháng, trang “Vinh xưa” có 20 nghìn thành viên (hiện là 43 nghìn thành viên, đủ mọi lứa tuổi, thành phần trên thế giới). Trang “Vinh xưa” thành diễn đàn “nóng” mạng Facebook.

Mỗi ngày, không khí trên “Vinh xưa” càng sôi động bởi tình cảm, ký ức của cư dân Vinh xưa hiện về. Đây là lúc ông Cần có thêm nhiều tư liệu, hình ảnh đắt giá. Nguồn “vốn” này giúp ông xác minh độ chính xác cao của thông tin. Ông thổ lộ: “Tư liệu ùa về trên trang Vinh xưa mách bảo về một nguồn tư liệu đặc biệt về chi tiết đời sống, sự nghiệp của các nhân vật từng làm nên diện mạo đô thị Vinh xưa. Đó là nguồn tư liệu các gia đình. Nguồn này có khi là cuốn nhật ký, một rương kỷ vật của người thân đã qua đời, từng nằm im hàng chục năm nay trong album các gia đình…”.

Đặt tên năm tuyến đường

Từ 32 nhân vật làm nên diện mạo đô thị Vinh xưa, năm 2021, HĐND tỉnh Nghệ An họp bàn, ra Nghị quyết về việc đặt tên đường phố của TP Vinh cho năm người, gồm: Nhà cách mạng Mười Uyển; lương y, doanh nhân Phó Đức Thành; NSND Lê Bá Tùng; nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đình Quán; danh thủ bóng đá Trần Xuân.

Trí đam mê tạo sự cần mẫn. Ông Cần đã cơ bản “mò được những chiếc kim quý trong đáy bể” để tháng 8/2023 ông cho ra mắt cuốn sách “Tìm dấu Vinh xưa”. Tại đây, ông đã “thiết kế” được một diện mạo đô thị gốc Vinh xưa của TP Vinh khiến người đọc khâm phục. Diện mạo hiện lên bằng tư liệu, sự kiện, hình ảnh, con người từ “thượng Cầu Rầm đến hạ Bến Thủy” với chợ Vĩnh đến chợ Vinh (đầu thế kỷ XIX); Thành Nghệ An (1804); Chùa Diệc; Nhà thờ Cầu Rầm; Ga Vinh; Khách sạn ga; Sân bay Vinh; Dinh Công sứ; Cảng Bến Thủy; Bệnh viện Vinh; Trường Quốc học Vinh…

Nguồn tư liệu còn giúp ông viết phần hai “Tìm dấu người xưa” của cuốn sách với 32 nhân vật từng làm nên dáng vóc đô thị Vinh xưa: Tổng đốc Đào Tấn, hai lần làm Tổng đốc An Tĩnh; cụ Phan Bội Châu về thăm quê dịp Tết Bính Dần (1926); cụ Huỳnh Thúc Kháng thăm Vinh; Vua Bảo Đại bảy lần thăm Nghệ An; doanh nhân Phạm Văn Phi-ông tổ nghề vận tải ô-tô ở Vinh; doanh nhân, dân biểu Lê Viết Lới năm 1934 đã đề xuất Hội đồng thành phố phải có nhà vệ sinh công cộng; lương y, doanh nhân tài ba Lê Đức Thành, tác giả của Dầu cù là (cao sao vàng); Tản Đà với “khối tình con” xứ Nghệ; nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của xứ Nghệ Trần Đình Quán; doanh nhân Phú Nguyên với nghề kinh doanh vàng cha truyền con nối; danh thủ Trần Xuân có đôi chân biết khiêu vũ với trái bóng, quê Nam Định nhưng vào làm đội trưởng đội bóng SLNA-đội bóng của Hội thể dục Nghệ An, tiền thân của CLB Sông Lam Nghệ An hiện nay.

VŨ TOÀN