Đình Trung Cần(xã Nam Trung cũ), nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn

1. Nằm bên bờ hữu ngạn sông Lam trong xanh, hiền hòa và cách chừng hơn hai cây số có dãy Thiên Nhẫn sừng sững, uy nghi nối với Hương Sơn (Hà Tĩnh) là Trung Cần - ngôi làng có hơn 500 năm tuổi thuộc xã Nam Trung (trước đây) nay là xã Trung Phúc Cường. Địa danh Trung Cần được lấy từ câu "Sĩ quý Trung Cần, nữ quý trinh thuận" (con trai quý ở tính trung thực cần cù, con gái quý ở trinh tiết, thuận thảo). Sách "Đại Nam nhất thống chí" ghi lại rằng vùng đất Trung Cần sau này, cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 có tên là Trang Cần Cung, thuộc Nam Hoa Thượng, Tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương. Cuối thế kỷ 19, Tổng Nam Hoa đổi thành Tổng Nam Kim và xã Trung Cần vẫn thuộc Tổng Nam Kim nhưng được sáp nhập vào huyện Nam Đàn năm 1910. Ngược lại lịch sử, năm 1505 vùng đất Trang Cần Cung (sau này là Trung Cần) có Tống Tất Thắng đỗ tiến sĩ làm đến chức Nghĩa quận công, được người dân trong vùng tôn làm Thành hoàng làng. Tiếp nối tiền nhân, các bậc hiền tài như Quận công Nguyễn Nhân Mỹ (thời Lê Trung Hưng), Tổng đốc Lê Nguyên Trung, Đốc học Lê Bá Đôn (sau làm Tế tửu Quốc Tử Giám thời nhà Nguyễn), Thám hoa Nguyễn Văn Giao và các bậc thức giả về sau đã góp phần mở mang, làm rạng danh vùng quê Trung Cần, Nam Trung một thuở.

Đại tướng, Bộ trưởng công an Tô Lâm dâng hương tại Nhà tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn(xã Nam Trung cũ), huyện Nam Đàn

Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa; các chuyên gia "Nghệ học" đều cho rằng nếu Quỳnh Lưu nổi tiếng có làng Quỳnh Đôi sinh ra nhiều khoa bảng thì Nam Đàn có làng Trung Cần là đất "địa linh nhân kiệt" với tiến sĩ Tống Tất Thắng là nhân vật "khai hoa" của làng. Trong sách "Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919)", tác giả Đào Tam Tỉnh có một thống kê về số người đỗ đạt cao ở làng Quỳnh Đôi (chiếm 17% toàn tỉnh) và Trung Cần của huyện Nam Đàn (chiếm hơn 11%). Khi còn sống, cha tôi (một nhân viên làm ở Tòa án đệ nhị Vinh, thời kỳ kháng chiến chống Pháp) kể cho tôi biết ở xóm Khoa Trường cạnh xóm Gát của tôi có ba cha con, chú cháu họ Nguyễn Trọng đều đỗ tiến sĩ và được cử đi sứ Tàu 5 lần. Công trạng của họ được khắc tên trên bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám và ghi trong Lịch triều đăng khoa, Nghệ An ký… Đó là Nguyễn Trọng Thường (1681 - 1737), 32 tuổi đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712) đời Lê Dụ Tông. Nguyễn Trọng Thường làm đến chức Lại bộ hữu thị lang, ông được triều đình cử đi sứ sang nhà Thanh. Khi hết hạn, trên đường về nước không may lâm bệnh đột ngột qua đời. Con trai của Nguyễn Trọng Thường là Nguyễn Trọng Đường (1724 - 1786), 46 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 đời Lê Hiển Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm hiệu lý, được cử đi sứ nhà Thanh (1761); khi trở về được bổ Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá. Thời gian làm quan ở Xứ Lạng, ông là người đứng ra xây dựng đài Ngưỡng Đức và tự tay soạn bài văn bia đánh dấu mốc biên giới Việt - Trung. Nguyễn Trọng Đương (sinh năm 1746 chưa rõ năm mất) là con trai của Nguyễn Trọng Đường, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) đời Lê Hiển Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm hiệu thảo, vâng lệnh triều đình làm Phó sứ sang nhà Thanh. Mãn hạn về nước, ông được thăng Thị chế, bổ Đốc trấn Lạng Sơn và tại vị đến đầu đời vua Gia Long thì mất. Đến đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, con trai của tiến sĩ Nguyễn Trọng Đương là Nguyễn Trọng Võ lại vinh dự được triều đình cử hai lần đi sứ sang Trung Quốc. Cho nên sau này, trong nhà thờ họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần có treo đôi câu đối: “Quốc thể ngũ hoa trùng cống phỉ/ Thư hương tam thế ngũ hoàng hoa” (tạm dịch: Năm lần đi sứ Tàu vinh danh quốc thể/ Ba đời dành hoa vàng rạng rỡ thư hương). Chính cha con tiến sĩ Nguyễn Trọng Đương và một số anh em trong dòng họ (đóng góp phần chính), cùng vận động người dân trong vùng góp công của để xây dựng đình Trung Cần (1781-1782) - một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất khu vực miền Trung nước ta. Công trình là nơi thờ thành hoàng làng Tống Tất Thắng và Tứ vị đại vương, Cao Sơn Cao Các, đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1996. Ôn cố tri tân, mới đây (ngày 6/11/2023) tại thành phố Vinh, Viện sử học Việt Nam phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn đã tổ chức Hội thảo “Dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Lễ trao Bằng xếp hạng Di tích LS-KTNT cấp tỉnh cho nhà thờ họ Nguyễn Hữu Trung Cần

2. Một trong những dòng họ lớn và có truyền thống học hành, đỗ đạt ở làng Trung Cần là họ Nguyễn Hữu. Theo gia phả của dòng họ này thì thủy tổ của tộc họ là Nguyễn Hữu Nhuận Ốc (gốc tích từ làng Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) di chuyển vào sinh cơ, lập nghiệp tại Trang Cần Cung vào khoảng nửa đầu thế kỷ 16. Dòng họ Nguyễn Hữu có lúc thăng, lúc trầm nhưng phát triển về con đường khoa cử phải kể từ đời thứ 9 (cụ Nguyễn Danh Học) trở đi. Người ghi dấu ấn đầu tiên là Nguyễn Hữu Dực (cũng có tài liệu ghi là Nguyễn Trọng Dực), hiệu Tô Lâm, ông sinh năm 1799, mất năm 1858 (có vợ thứ là Nguyễn Thị Đạm, con gái út của Đại thi hào Nguyễn Du). Ông đỗ cử nhân năm 26 tuổi, được triều đình bổ Tri huyện Yên Thế (Bắc Giang), sau đó là Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Nguyễn Trọng Dực bản tính cương trực, khảng khái, quý người trung nghĩa, ghét kẻ xun xoe bợ đỡ. Dưới thời Minh Mạng, ông được phong tặng từ Hàn Lâm viện thi giảng rồi Hàn Lâm viện thị độc, kiêm chức Giám sát ngự sử trong triều. Em trai ông là Nguyễn Văn Giao, tự Đạm Như, hiệu Quất Lâm (1811 - 1863), thi đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ (1834), đời Minh Mạng thứ 15. Vì bị nghi oan dính líu đến chuyện thi cử ở Trường Thi (Nghệ An) nên ông và một vài người khác phải chịu án "chung thân bất đắc ứng thí". Khoảng 18 năm trở về quê, vừa dạy học ông vừa nghiên cứu viết nhiều tác phẩm cả về lịch sử Trung Quốc và lịch sử Việt Nam như tập "Bắc sử lịch đại văn sách", "Nam sử lược thuyết", “Nguyễn Thám hoa Đạm Như phủ sử luận”. Đặc biệt về thơ văn, Thám hoa Nguyễn Văn Giao để lại tập "Đạm Như thì thảo"; các trước tác của ông hiện còn được lưu giữ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm. Tập “Đạm Như thi thảo” gồm hơn 200 bài thơ được viết theo các thể loại như thất ngôn, ngũ ngôn và ngũ ngôn cổ phong thể hiện nhiều sắc thái cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên, tạo vật; là cảm hoài của Nguyễn Văn Giao về tình cảm với mẹ cha, anh em, bè bạn và nhân tình thế thái. Đáng chú ý trong tập thơ có bài Vịnh chim cu gáy "Hay gù, hay gáy lại hay bay/ Lỡ bước sa cơ đến nỗi này/ Xin chúa thả lồng cho thử sức/ Rồi đây bay bổng chín tầng mây". Vua Tự Đức vốn là người mê thơ văn nên khi nghe được bài thơ này của Nguyễn Văn Giao, đoán là có nỗi niềm uẩn khúc bởi vậy nhà vua đã ban lệnh xóa án cho tác giả.

Năm 1852 ông thi đỗ Giải nguyên và năm sau 1853, Nguyễn Văn Giao thi Hội đỗ Hội nguyên, tiếp đó dự thi Đình ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (tức Thám hoa). Bạn đồng khoa cùng đỗ Thám hoa với ông có Nguyễn Đức Đạt người làng Hoành Sơn (sau này là xã Nam Hoành) cách Trung Cần chừng hai km. Đỗ đại khoa nhưng Nguyễn Văn Giao chỉ làm chức quan Hàn lâm Viện thừa chỉ, Tham biện nội các sự vụ chuyên công việc soạn thảo và kiểm tra các loại văn bản trong triều, nên ông vẫn sống trong gia cảnh thanh bần. Vợ con quanh năm vẫn phải dệt vải, quay tơ, tăng gia ngô, đậu (đỗ).

Cán bộ Viện sử học, Sở KH-CN Nghệ An và con cháu họ Nguyễn Trọng thăm đình Trung Cần

Nói về dòng họ Nguyễn Hữu ở làng Trung Cần, xã Nam Trung (nay là Trung Phúc Cường) không thể không nhắc tới Nguyễn Hữu Lập (con trai Nguyễn Trọng Dực, gọi Thám hoa Nguyễn Văn Giao bằng chú). Nguyễn Hữu Lập tự Nọa Phu, hiệu là Thiếu Tô, sinh năm 1824 và mất 1874, tương truyền ông nổi tiếng thông minh và học giỏi từ tuổi thiếu thời. Năm 14 tuổi ông thi đỗ Tú tài lần đầu, tiếp sau đó Nguyễn Hữu Lập thi Hội trúng Đệ tam danh rồi thi Đình trúng Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, đệ nhất danh (tức Đình Nguyên Hoàng Giáp). Cuộc đời làm quan của ông trải qua các chức vụ như: Tri Phủ Vĩnh Tường, Án Sát Sơn Tây, Chánh Chủ Khảo Trường thi Thừa Thiên, Binh Bộ hữu tham tri, Cơ mật viện đại thần, Hàn lâm viện thị giảng. Đáng chú ý vào các năm 1871 - 1872, Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Lập được vua Tự Đức cử làm Chánh sứ sang bang giao với nhà Thanh. Điểm đặc biệt trên con đường hoạn lộ của Nguyễn Hữu Lập là tinh thần "chủ chiến" trước nạn xâm lăng của thực dân Pháp. Tư tưởng đó được thể hiện rất rõ trong bài văn thi Đình của Hoàng Giáp Lập, rằng trong hoàn cảnh đất nước có biến loạn thì triều đình phải biết dựa vào sức dân, làm mọi việc hợp lòng dân; muốn giữ nước phải củng cố và xây dựng lực lượng quân binh hùng mạnh. Ông chỉ ra "Nước ta cùng giặc Tây Dương vốn không có hiềm khích vậy mà ba bốn năm nay chúng xâm phạm vùng biển nước ta… theo lý mà nói ta đúng chúng sai". Cho nên Nguyễn Hữu Lập kiến nghị nhà vua một mặt tìm người tài giỏi để quan hệ giao thiệp khôn khéo với Pháp, mặt khác ngày đêm luyện tập dân binh, tích trữ lương thực, canh phòng cẩn mật ở mọi vùng miền. Nhằm hòa hiếu nhưng cuối cùng không trông cậy được thì phải dùng binh, địch tới là phải đánh… tiếc rằng những lời kiến nghị của Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Lập đã không được nhà vua chấp thuận. Kết cục, trước sự bạc nhược của nhà Vua Tự Đức, lần lượt lục tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay giặc và tiếp đó dân tộc Việt Nam chìm đắm trong đêm dài nô lệ của thực dân Pháp suốt 80 năm…Theo các nhà nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Hữu Lập là người am hiểu văn hóa và chính ông đã biên chép lại tác phẩm Truyện Kiều (vào năm 1870) - một trong những văn bản cổ nhất hiện đang được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Có một điều cần nói ở đây là các thế hệ con, cháu dòng họ Nguyễn Hữu làng Trung Cần gần 200 năm qua vẫn bảo tồn, tôn tạo nhà thờ Tổ (cụ Nguyễn Danh Học) - người đã có công sinh thành và dưỡng dục các nhân vật khoa bảng của dòng họ. Để các hậu duệ thêm một lần vinh dự và tự hào được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh cho nhà thờ họ Nguyễn Hữu.

3. Lịch sử của một làng, xã hay rộng ra là của một dân tộc là sự tiếp nối mạch nguồn trong quá khứ. Truyền thống khoa bảng, hiền tài của các bậc tiền nhân xưa thuộc đất Trung Cần cũng đã được các thế hệ kế tiếp gìn giữ, phát huy. Vùng đất Trung Cần, Nam Trung cũ trong thời hiện đại vẫn chưa hết nghèo nhưng cũng đã sản sinh ra không ít nhân vật có đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là đồng chí Nguyễn Tiềm (1912 - 1932) nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Nghệ An; Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Công an đầu tiên của Việt Nam; các ông Nguyễn Nhượng, Nguyễn Hữu Đan, Nguyễn Duy Tình - những chiến sĩ kiên trung của thời kỳ Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 -1931. Để lại dấu ấn trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật không thể không nhắc tới Nguyễn Tư Nghiêm - danh họa nổi tiếng trong bộ tứ "Liên - Nghiêm - Sáng - Phái" mà đề tài xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của ông là đấu tranh cách mạng và hình tượng 12 con giáp; là nhà thơ - chiến sỹ Hồ Khải Đại - một trong những sáng lập viên của Hội nhà văn Việt Nam.

Hội thảo về dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn

Thời kháng chiến chống Mỹ, dẫu trong khói lửa của chiến tranh, không ít gia đình ở xóm Gát, xóm Bàu, xóm Chùa quanh năm bữa ăn ngô, khoai nhiều hơn cơm gạo; mùa đông rét mướt có gia đình chẳng sắm nổi manh áo ấm nhưng không hề sao nhãng việc học hành của con, cháu. Trường cấp 3 Nam Đàn 2 đứng chân trên địa bàn xã Nam Trung cũ (tuổi đời gần 60 năm) có thời điểm hàng chục cán bộ, giáo viên là người của làng. Một minh chứng sống là với sự nỗ lực của bản thân, ba người bạn đồng trang lứa cùng làng Trung Cần với tôi, sau khi tốt nghiệp phổ thông đã có giấy báo đi tu nghiệp ở Liên Xô cũ và Bungary dù bố mẹ chỉ là nông dân “cày sâu, cuốc bẫm”. Và dĩ nhiên trong bối cảnh của công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, câu vè “Quan Trung Cần, dân Dương Liễu” năm nao đã không còn phù hợp. Bởi làng Trung Cần cũng như làng Dương Liễu (xã Nam Trung cũ) theo tôi biết, hiện đang có hàng chục Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ như Giáo sư Nguyễn Hữu Khôi, Giáo sư Phạm Thị Hải Yến, Phó Giáo sư Lê Nguyên Đương, Đại tá – Tiến sĩ Nguyễn Chánh, Tiến sĩ Lê Ái Thụ… và không ít doanh nhân, trí thức hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật và chăm sóc sức khỏe Nhân dân”.