Không ít khó khăn, vướng mắc

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, pháp luật quy định về việc sắp xếp ĐVHC. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, tỉnh Nghệ An đã tiến hành sắp xếp 39 ĐVHC cấp xã (trong đó có 16 ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021; 04 ĐVHC thuộc diện khuyến khích và 19 ĐVHC liền kề có liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp xã) để hình thành 19 ĐVHC cấp xã mới, giảm 20 ĐVHC, việc sắp xếp cơ bản đảm bảo tiến độ theo quy định.

2caea0832eb3e3edbaa2.jpg
Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh (Nguồn: BNA)

Sau sắp xếp, các ĐVHC mới hình thành sớm đi vào hoạt động ổn định. Qua giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh thấy rằng việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã bước đầu tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước; tinh giản bộ máy, thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế cấp xã, nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm nguồn đầu tư cho xây dựng, tu sửa, nâng cấp khu trung tâm hành chính, trường học, trạm y tế hàng năm. Một số địa phương đầu tư sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học, cơ sở hạ tầng điện, đường giao thông và tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của địa phương, tạo nên bộ mặt mới của ĐVHC khang trang hơn so với trước, kinh tế - xã hội có sự chuyển biến.

Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC, tỉnh Nghệ An gặp không ít khó khăn, vướng mắc từ việc xây dựng phương án sắp xếp đến việc sắp xếp, bố trí, ổn định hoạt động của ĐVHC mới hình thành sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những vấn đề này được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận qua khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến, tâm tư của cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở các ĐVHC cấp xã mới sáp nhập và làm việc với UBND tỉnh, UBND cấp huyện nơi có ĐVHC cấp xã tiến hành sắp xếp.

Trước hết phải kể đến những yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa hình của ĐVHC ảnh hưởng đến việc xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC. Như một số xã có vị trí địa lý trải dài, nếu sắp xếp 02 ĐVHC thì vẫn chưa đáp ứng tiêu chí theo quy định nhưng nếu sáp nhập 03 xã thì sẽ tăng chiều dài của ĐVHC mới, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân cũng như trong quản lý nhà nước. Cũng vì yếu tố đặc thù mà thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) là ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn này nhưng tỉnh Nghệ An đề xuất chưa thực hiện sắp xếp do đây là thị trấn thuộc huyện biên giới, vùng núi cao, giao thông đi lại hiểm trở, là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh của tỉnh và cả nước, các phương án sắp xếp đều không hợp lý. Ngoài các yếu tố đặc thù về địa lý, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân còn gặp trở ngại khi việc sáp nhập ĐVHC sẽ làm thay đổi chính sách đặc thù mà các xã hiện hưởng nên công tác tuyên truyền, vận động sự đồng thuận trong nhân dân rất vất vả.

Bên cạnh những khó khăn khi xây dựng phương án thì tiến độ thực hiện sắp xếp ĐVHC khá gấp gáp, một số địa phương cùng lúc phải tiến hành sắp xếp nhiều đơn vị hành chính (như huyện Hưng Nguyên sắp xếp 10/23 ĐVHC cấp xã) nên áp lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC thì việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất đối với các địa phương. Mặc dù Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 quy định cho phép chậm nhất 05 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định nhưng các địa phương được giám sát đều vướng mắc khi sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư. Số lượng cán bộ, công chức dôi dư khá nhiều, phần lớn tuổi đời còn trẻ, được đào tạo bài bản, có năng lực, tinh thần trách nhiệm, nhiều người chưa đủ tuổi nghỉ theo chế độ, nhiều người đủ tuổi nghỉ theo chế độ thì chưa đủ năm tham gia bảo hiểm xã hội; chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư nghỉ việc vẫn còn thấp, chưa có tác dụng động viên, khuyến khích các đối tượng tự nguyện nghỉ việc dẫn đến khó khăn trong việc tinh giản, bố trí các chức danh, công việc. Thêm vào đó, giai đoạn này các địa phương đồng thời phải thực hiện sắp xếp cán bộ, công chức theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã mỗi xã 02 người) và thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã (mỗi xã giảm 01 người). Vì vậy, áp lực giải quyết cán bộ, công chức dôi dư ở các địa phương là rất lớn.

2198aaebb62b7b75223a.jpg
Đoàn khảo sát thực tế tại trụ sở UBND xã Nam Thượng (cũ)

Về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc các xã sau sáp nhập xảy ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu, thừa số lượng nhưng thiếu trụ sở đáp ứng với yêu cầu của xã mới sáp nhập. Trong khi đó các xã trước sáp nhập phần lớn đã về đích nông thôn mới, cơ sở vật chất khang trang nhưng sau khi sáp nhập một số cơ sở không sử dụng gây ra tình trạng lãng phí, dẫn đến dư luận không tốt trong Nhân dân. Việc sáp nhập xã làm hạ tầng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ban đầu không còn phù hợp, phải điều chỉnh lại quy hoạch mới. Nguồn kinh phí bố trí để thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã còn hạn chế chưa đáp ứng được các nhiệm vụ phải triển khai đồng thời trên thực tế như việc sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, đầu tư xây dựng hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch chương trình phát triển đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh giá đất…

Kiến nghị nhiều giải pháp để sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 – 2030

Để thực hiện hiệu quả hơn việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2022 – 2030 mà Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, Đoàn giám sát đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành những giải pháp để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Đoàn ĐBQH đã ghi nhận, phản ánh qua giám sát. Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành chủ trương và phương án tổng thể về sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030 để các địa phương căn cứ triển khai thực hiện, trong đó hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC và xử lý các vấn đề phát sinh sau sắp xếp ĐVHC; có kế hoạch, lộ trình chi tiết sắp xếp đối với những ĐVHC chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định để địa phương có kế hoạch chuẩn bị việc sắp xếp cũng như quy hoạch, lựa chọn trụ sở làm việc ĐVHC mới, tránh sự đầu tư lãng phí và xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức; kiến nghị không thực hiện sắp xếp đối với những đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định để các ĐVHC vừa sắp xếp có thể ổn định tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị nghiên cứu điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với ĐVHC cấp xã phù hợp với điều kiện thực tế đối với ĐVHC cấp xã tại các tỉnh có các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên bị chia cắt, dân cư phân bố không tập trung; điều chỉnh giảm tiêu chí diện tích tự nhiên của ĐVHC cấp xã để phù hợp với thực tế diện tích các ĐVHC cấp xã hiện nay.

Để tạo điều kiện cho các địa phương sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư và cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các ĐVHC mới hình thành, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, có cơ chế riêng đối với trường hợp xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã ở ĐVHC tiến hành sắp xếp thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh và có các chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đối với các xã, thị trấn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, nhằm khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ổn định và phát triển.

Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi toàn diện Nghị định 34/2019/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo mục tiêu của việc sắp xếp các ĐVHC theo đúng tinh thần Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị là gắn sắp xếp các ĐVHC với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.

Thuý Vinh – Thu Nguyễn

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An