Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản
Nghệ An là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng; trong đó có một số khoáng sản có giá trị kinh tế và tiềm năng như đá hoa trắng, quặng thiếc, vàng, chì - kẽm, sắt, đá quý, đá vôi xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng...
Cùng với đó, khu vực có khoáng sản được trải dài hầu khắp các huyện, thành, thị xã trong tỉnh và có những khu vực khoáng sản thuộc vùng sâu, vùng xa và vùng giáp ranh giữa các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh do hệ luỵ khai thác, chế biến khoáng sản gây ra, nhất là khai thác cát trên các dòng sông và khai thác đá, quặng tại huyện Quỳ Hợp. Điều này được cử tri ở nhiều địa phương phản ánh tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử các cấp; trở thành vấn đề xã hội bức xúc và đã được HĐND tỉnh vào cuộc giám sát công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt sau giám sát của HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 28/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo đó, cùng với chỉ đạo quyết liệt hơn việc triển khai thực hiện Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND, ngày 01/06/2017 của UBND tỉnh về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; UBND tỉnh cũng đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh và Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Bởi vậy, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được siết chặt hơn, nâng cao vai trò và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cũng như của người đứng đầu các cơ quan và đơn vị trong hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trong quản lý và khai thác, chế biến khoáng sản. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản được tăng cường bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú; hoạt động khoáng sản được quản lý theo quy hoạch đã được phê duyệt; công tác cấp phép trong thăm dò, khai thác được thực hiện đúng quy trình; chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khai thác được nâng cao; thực hiện triệt để việc rà soát, kiểm tra phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án đóng cửa mỏ được duyệt; kịp thời ban hành phương án bảo vệ đối với khoáng sản chưa khai thác; đẩy mạnh các chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp từng bước cải tiến công nghệ, dây chuyền thân thiện với môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản giữa tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Thanh Hóa; đồng thời ký quy chế phối hợp giữa địa bàn các huyện giáp ranh trong tỉnh nhằm tăng cường phối hợp quản lý và đấu tranh với các vi phạm trong khai thác khoáng sản ở địa bàn giáp ranh - vấn đề mà lâu nay đang có những khó khăn, phức tạp. Tỉnh cũng đã có chủ trương không cấp phép mỏ khai thác khoáng sản mới trong 2 năm 2023 và 2024 này, trừ các mỏ vật liệu xây dựng gồm cát sỏi, đá xây dựng và đất san lấp, phục vụ các công trình giao thông, xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Công Lực - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho biết: Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản được các cấp, các ngành tăng cường và nâng cao hiệu quả. Riêng năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp và trách nhiệm UBND cấp huyện trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, trong đó có 2 đoàn kiểm tra riêng tại huyện Quỳ Hợp. Theo đó, chỉ tính riêng kết quả 2 trong 3 đoàn kiểm tra của tỉnh tại 22 doanh nghiệp/32 giấy phép khai thác khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại 4 huyện; tổng số tiền chuyển xử phạt, truy thu gần 25 tỷ đồng; kê khai bổ sung nghĩa vụ thuế liên quan với tổng số tiền thuế, phí là gần 18 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp với số tiền trên là 2.994.146.196 đồng. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng thành lập đoàn kiểm tra 60 mỏ đá xây dựng trên địa bàn tỉnh và đã xử phạt với số tiền 1,36 tỷ đồng. Các đơn vị cấp huyện cũng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Trong vòng 9 tháng đầu năm 2024, đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản tại 13 đơn vị tại huyện Quỳ Hợp. Kết quả đã xử phạt và kiến nghị truy thu hơn 5 tỷ đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường đối với 2 doanh nghiệp theo đơn thư của công dân tại huyện Tân Kỳ; đồng thời phối hợp tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép trên địa bàn tỉnh…
Đồng chí Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Cùng với bước chuyển chung trong công tác quản lý khoáng sản trên phạm vi toàn tỉnh, huyện Quỳ Hợp - 'thủ phủ' của hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản của tỉnh Nghệ An - đã tạo ra nhiều bước chuyển tích cực. Huyện hiện có 83 mỏ được cấp phép còn hạn, 158 xưởng chế biến khoáng sản, 6 cụm công nghiệp, 6 khu chế biến đá tập trung và nhiều khu vực có khoáng sản chưa được cấp phép cần phải bảo vệ. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, đưa thông tin pháp luật đến với các đối tượng; địa phương cũng tăng cường vai trò giám sát của Nhân dân đối với các trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý, thông qua việc công khai 'đường dây nóng' trên trang thông tin điện tử của huyện và tại trụ sở UBND các xã, thị trấn. Huyện và xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng người dân vào các hầm lò của mỏ hết hạn tại khu vực Suối Bắc để mót quặng, có nguy cơ tai nạn lao động, tình trạng lợi dụng cải tạo đất để khai thác đá cảnh trái phép, tình trạng khai thác khoáng sản gây đục nước sông Nậm Tôn. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát việc cắm mốc giới của các mỏ đã được cấp phép để quản lý việc khai thác đúng phạm vi ranh giới đựợc cấp phép; rà soát các xưởng chế biến khoáng sản đang hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục thuê đất theo quy định để xem xét xử lý; tăng cường kiểm tra, kiên quyết phá dỡ các lán tạm, đường ống nước tự chảy..., chặn lấp, đổ bê tông các cửa hang nhằm ngăn chặn tình trạng người dân vào các cửa hầm lò, các khu vực mỏ hết hạn để mót, vét quặng trái phép...
Từ năm năm 2021 đến tháng 6 năm 2024, huyện Quỳ Hợp đã tổ chức kiểm tra và phối với các đoàn kiểm tra của tỉnh, của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hơn 150 đợt kiểm tra; phạt hiện và xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền là hơn 11,4 tỷ đồng.
Quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Không thể phủ nhận sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản thời gian qua; tại các kỳ tiếp xúc cử tri, phản ánh của Nhân dân tới các đại biểu dân cử cũng đã giảm; tuy nhiên xung quanh việc quản lý nhà nước về khoáng sản vẫn đang đặt ra nhiều khó khăn, bất cập.
Một trong những vấn đề cần giải quyết trong thực tiễn hiện nay, theo ông Nguyễn Trung Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khoáng sản và Thương mại Trung Hải - Nghệ An, việc cấp phép khai thác mỏ đá trước đây để hành lang an toàn cấp tương đối lớn. Thực trạng hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, những khu vực hành lang đang tạo những thành mỏm đá đứng khi các mỏ được cấp phép đã khai thác xuống cốt khoảng 20m trở lên, gây nguy cơ mất an toàn lao động trong khai thác, nhất là khi các mỏ thực hiện việc nổ mìn trong khai thác. Vì vậy, đề nghị cấp có thẩm quyền cho chủ trương cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác phần hành lang giữa các mỏ, tránh thất thoát tài nguyên và đảm bảo cảnh quan môi trường. Ngoài nội dung nêu trên, ông Nguyễn Trung Hải cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền rà soát, đánh giá lại các mỏ đã được cấp phép chưa khai thác để có phương án xử lý, quản lý hiệu quả, tránh thất thoát tài nguyên.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng, cần có cơ chế đặc thù trong bổ sung, bố trí con người đối với địa phương có nhiều hoạt động khoáng sản như Quỳ Hợp. Hiện tại, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp chỉ có 5 biên chế, trong đó chỉ có 1 biên chế phụ trách lĩnh vực khoáng sản, không thể đáp ứng thực hiện nhiệm vụ tham mưu. Bên cạnh thiếu nhân sự, còn thiếu phương tiện, thiết bị máy móc, kinh phí cần thiết, ảnh hưởng đến công tác quản lý khoảng sản trên địa bàn. Việc quản lý khoảng sản chưa khai thác cũng đang gặp những khó khăn, khi hiện nay, trách nhiệm chính được giao cho chính quyền cấp xã, trong khi đó lực lượng vừa mỏng, vừa không đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn các trường hợp khai thác trái phép trên địa bàn. Vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, xem xét giao trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho lực lượng Công an các cấp chủ trì; cơ quan quản lý nhà nước địa phương là đơn vị phối hợp để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời, kiến nghị các cấp nghiên cứu và quy định rõ quyền lợi địa phương nơi có khoáng sản được khai thác là cấp huyện và cấp xã. Quy định tỷ lệ phần trăm trong tổng thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản mà địa phương được hưởng, tránh tình trạng đã được quy định trong Nghị định 158/2016/NĐ-CP nhưng thực hiện không hiệu quả.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, qua nắm bắt từ cơ sở, chúng tôi đã ghi nhận một số phản ánh liên quan đến Luật Khoáng sản hiện hành đang còn thiếu đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Được biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản; hy vọng khi Luật mới có hiệu lực triển khai trong thực tiễn sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn, bất cấp, đưa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản có hiệu quả hơn.