Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn thấp, đối tượng tham gia chưa bền vững đã ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu đã đề ra. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đủ mạnh để phấn đấu tăng độ bao phủ đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

BHXH Nghệ An tổ chức các hoạt động truyền thông

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp

Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Bảo hiểm xã hội, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của Tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Bộ Chính trị về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đạt được những chuyển biến tích cực, số người tham gia bảo hiểm xã hội năm sau tăng hơn năm trước.

Mức độ bao phủ bảo hiểm xã hội bình quân hàng năm giai đoạn 2020 - 2024 đạt 21,38%; năm 2024, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi của tỉnh tham gia bảo hiểm xã hội chỉ đạt khoảng 25,70%; dự kiến hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong đó, tỷ lệ số người bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh 5 năm giai đoạn 2020 - 2024 tăng dần theo từng năm, đến tháng 8/2024 số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 46.487 người so với năm 2020 (trung bình mỗi năm tăng 9.297 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện).

Người dân thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại bảo hiểm xã hội tỉnh

Tuy nhiên, mức độ bao phủ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh tăng chậm, giai đoạn 2020 - 2024 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ tăng thêm bình quân 9.836 người/năm (tương ứng mức bao phủ: 0,57%). Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa thực sự bền vững, vẫn còn tình trạng mất việc làm, ngừng tham gia và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Mặt khác, còn khoảng cách quá xa so với tỷ lệ bao phủ chung cả nước (39,05%) và chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (45%). Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp là do công tác tuyên truyền tại một số địa phương chưa thực sự được chú trọng, quan tâm và thực hiện sâu rộng, để người dân nắm rõ các nội dung của chính sách và tạo chuyển biến về nhận thức nên số người tham gia ít. Người dân đang có sự so sánh với các loại hình bảo hiểm thương mại khác nên không thấy được lợi ích lâu dài của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa linh hoạt, chưa có nhiều gói quyền lợi cho người tham gia lựa chọn mà mới chỉ có gói quyền lợi cho 2 chế độ hưu trí và tử tuất do vậy chưa hấp dẫn đối với người tham gia.

Hỗ trợ mức đóng từ ngân sách nhà nước còn quá thấp, chưa đủ để kích cầu cho người dân tham gia chính sách.

Nhiều lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện

Đời sống, thu nhập của người dân, nhất là người dân ở khu vực phi chính thức không ổn định, còn thấp, bên cạnh đó Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; theo đó, từ năm 2022, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng lên 1.500.000 đồng (tăng 214% so với giai đoạn trước đây), đồng nghĩa với việc tăng mức đóng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đã tác động lớn đến việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhóm người có thu nhập thấp, không ổn định, nhiều người dân đã phải dừng đóng, chưa tham gia trở lại do đời sống kinh tế khó khăn.

Nhiều khó khăn, thách thức

Dự báo thời gian tới việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, do đó vấn đề lao động, việc làm và tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực chính thức sẽ tăng không nhanh; trong khi đó, các dự án mới hầu hết trong thời gian đầu đi vào hoạt động, việc tuyển dụng lao động còn nhiều hạn chế.

Trên thực tế, đa số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều tập trung ở khu vực nông thôn hoặc lao động làm nghề tự do ở khu vực thành thị, với thu nhập thấp và thiếu ổn định. Trong khi mức hỗ trợ của nhà nước theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ còn thấp, chưa thật sự thu hút đông đảo người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí sau này. Cụ thể: Giai đoạn 2020 - 2021 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo được hỗ trợ bằng 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng, thuộc hộ cận nghèo bằng 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng, các đối tượng còn lại bằng 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng.

Giai đoạn 2022 - 2024 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo được hỗ trợ bằng 30%, tương ứng 99.000 đồng/tháng, thuộc hộ cận nghèo bằng 25%, tương ứng 82.500 đồng/tháng, các đối tượng còn lại bằng 10%, tương ứng 33.000 đồng/tháng. Bình quân giai đoạn 2020 - 2024, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định là 34,2 tỷ đồng, chỉ chiếm 6,7% trong tổng số tiền phải đóng.

Theo số liệu dân số năm 2023 và số liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến ngày 31/8/2024 toàn tỉnh còn khoảng 1,2 triệu lao động trong độ tuổi lao động nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Đây sẽ là một gánh nặng cho ngân sách sau này khi phải chi trợ cấp bảo trợ xã hội, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi cho những lao động không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Dự kiến khi nhóm lao động hiện nay bước vào nhóm người cao tuổi thì ngân sách chi trợ cấp bảo trợ xã hội và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi hàng năm là 558,1 tỷ đồng.

Hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 88-CTr/TU của Tỉnh ủy, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2025 đạt khoảng 45% và năm 2030 đạt khoảng 60% (bằng với mức bình quân chung của cả nước); nhằm tạo ra bước đột phá trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và tăng nhanh số lao động khu vực phi chính thức, lao động nông thôn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngày 18/12/2024, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản thống nhất với đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030. Theo đề cương dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình, sẽ hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 25% mức đóng hằng tháng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 05% mức đóng hằng tháng đối với các đối tượng khác. Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh giao trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm giai đoạn 2025 - 2030.

Các chính sách hỗ trợ nếu được ban hành sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2030, phấn đấu độ bao phủ đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng thêm hàng năm: 1,3% tương ứng 21.000 người tăng 233% so với giai đoạn 2020 - 2024, đến năm 2030: đạt khoảng 15% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện góp phần đưa độ bao phủ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh lên 43%.

Với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành và hỗ trợ từ ngân sách địa phương với chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đề xuất ban hành, cùng với quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được mở rộng hơn so với trước (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 quy định bổ sung chế độ thai sản, đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện). Tin tưởng rằng, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng, từng bước đi vào đời sống Nhân dân, giúp nâng cao số người tham gia và thụ hưởng các chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, tiến tới hoàn thành mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo các Nghị quyết của Đảng đã đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.