Thực hiện chủ trương tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 và số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, hiện nay, các địa phương đang tập trung xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Việc xây dựng phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở, bỏ cấp trung gian – cấp huyện. Khi đó, chính quyền cấp xã cần phải đảm bảo là một chính quyền gần dân, sát dân hơn, nơi các nguồn lực được tập trung điều hành hiệu quả, chính sách được triển khai nhanh chóng và mỗi xã, phường cũng sẽ tận dụng không gian phát triển rộng mở, tạo tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển bền vững. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là một nhiệm vụ bắt buộc trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy vì sự phát triển đi lên của đất nước, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhấn mạnh quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy là một cuộc cách mạng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung khẳng định: “Nghệ An là quê hương cách mạng, nên chắc chắn sẽ thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy một cách triệt để hơn!”.
Quán triệt các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc xây dựng các phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp cán bộ, công chức, phương án bố trí, sử dụng tài sản công.
Sẵn sàng, chủ động xây dựng phương án sáp nhập xã phù hợp với thực tế địa phương
Trao đổi với Tổ công tác số 4 về rà soát, nghiên cứu, định hướng việc sắp xếp đơn vị hành chính do đồng chí Hoàng Phú Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, các địa phương đều phản ánh khó khăn hiện nay khi xây dựng phương án sáp nhập xã là chưa có tiêu chí cụ thể về đơn vị hành chính cấp xã mới và số lượng đơn vị hành chính cấp xã chính thức làm cơ sở cho việc tính toán, xây dựng phương án, trong khi đó, yêu cầu về tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã rất rốt ráo, khẩn trương, yêu cầu các tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để trình Chính phủ trước ngày 01/5/2025.
Các tiêu chí theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đến nay không còn phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính theo chủ trương hiện nay. Các địa phương khi xây dựng phương án đang dựa vào các hướng dẫn của Sở Nội vụ, căn cứ vào các văn bản chưa chính thức của Trung ương, do đó, không tránh khỏi có sự thay đổi, điều chỉnh. Cùng với tiêu chí đơn vị hành chính, thì số lượng chính thức đơn vị hành chính cấp xã mới của từng địa phương cũng chưa xác định được cụ thể. Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 đề ra nguyên tắc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 50% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Tuy nhiên, cách thức xác định số lượng cụ thể đơn vị hành chính cấp xã của từng địa phương thì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Là huyện miền núi với 20 đơn vị hành chính cấp xã (19 xã và 01 thị trấn) nằm dàn trải, biệt lập, giao thông đi lại của các xã phải đi qua nhiều sông, suối, địa hình bị chia cắt, Nghĩa Đàn gặp không ít khó khăn cho việc tính toán phương án sắp xếp xã. Tuy nhiên, huyện đã chủ động xây dựng các phương án sáp nhập xã theo định hướng trước đây giảm từ 70 – 80 % số đơn vị cấp xã và theo nguyên tắc mới nhất mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ ra tại Kết luận số 137-KL/TW là giảm khoảng 50% số xã hiện có.

Các phương án đều đã tính toán đến các yếu tố về quy hoạch phát triển, quy mô dân số, diện tích, phù hợp với sinh hoạt, phong tục tập quán lâu nay của người dân các xã trong vùng, có vị trí địa lý, điều kiện địa lý - tự nhiên, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại thuận lợi. Trao đổi với Tổ công tác của UBND tỉnh, đồng chí Phạm Chí Kiên, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết “Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy này đòi hỏi sự quyết liệt, khẩn trương, như tinh thần chỉ đạo của Trung ương “vừa chạy vừa xếp hàng”. Việc sắp xếp, sáp nhập xã sẽ tạo ra không gian phát triển cho địa phương cũng như chính quyền địa phương cơ sở thực sự gần dân, sát dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Chính vì vậy, huyện xác định cần phải chủ động, linh hoạt chuẩn bị sẵn sàng các phương án sáp nhập xã, chỉ ra những thuận lợi, ưu điểm và khó khăn, hạn chế nếu triển khai từng phương án, để khi có tiêu chí, số lượng chính thức thì có thể triển khai nhanh chóng, thuận lợi nhất”.
Cùng với huyện Nghĩa Đàn, các địa phương: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Thái Hòa cũng đã chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Nỗ lực giải quyết tốt các công việc của chính quyền địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và vì lợi ích của Nhân dân
Song song với việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tiến tới chính quyền địa phương hai cấp, bỏ cấp trung gian – cấp huyện, các địa phương đều đang tập trung cao triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, không gián đoạn, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tại thị xã Hoàng Mai, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 14,73%, cao hơn cùng kỳ 1,84% (lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 17,08%; dịch vụ thương mại tăng 12,5%); thu ngân sách của thị xã ước đạt 121 tỷ đồng, bằng 35,4% dự toán HĐND tỉnh giao, 23,24% dự toán HĐND thị xã giao; tăng 2,34 lần so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 6.912 tỷ đồng, tăng 15,92% so với cùng kỳ, bằng 21,36%/KH cả năm… Qua các buổi làm việc của Tổ công tác số 4 cũng đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa.

Trao đổi với Tổ công tác của UBND tỉnh, đồng chí Lê Trường Giang, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Hoàng Mai cho biết: Việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp không tránh khỏi việc tâm tư trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao ngay từ các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thị ủy lan tỏa đến cán bộ, công chức của thị xã, thị xã đã và đang tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề cấp thiết như bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư quan trọng của tỉnh trên địa bàn thị xã, tạo động lực phát triển của tỉnh. Những nhiệm vụ này nếu chính quyền thị xã không quyết tâm thực hiện thì sau này khi chuyển giao cho chính quyền cấp cơ sở sẽ khó khăn hơn để thực hiện. Đây cũng chính là cơ hội để những người cán bộ thể hiện trách nhiệm của mình trước Nhân dân. Cùng với đó, thị xã cũng đang rà soát, tập trung giải quyết những vấn đề mà cử tri kiến nghị, đặc biệt là những kiến nghị kéo dài.
Có thể thấy rằng, trong cùng thời điểm, các địa phương đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách, nặng nề là sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để xây dựng chính quyền địa phương hai cấp và phát triển kinh tế với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế phải đạt được 10,5% của tỉnh mà Chính phủ đã giao. Điều đó đòi hỏi nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng, chủ động, linh hoạt, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, doanh nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng “Với truyền thống quê hương cách mạng, Nghệ An sẽ thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy một cách triệt để hơn” – như lời khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đã được đề ra./.