Hàng năm, sản lượng rươi bình quân 1 sào thu hoạch được từ 10-15kg (trong đó có khoảng 1/3 diện tích của 50ha có sản lượng rươi từ 35-40/kg/sào). Theo bà con nông dân ở đây cho biết, với mức giá bình quân rươi tươi 400.000đ/1kg, thì gấp 3,5 lần so với trồng lúa.
Con rươi Hưng Nhân được biết đến qua rất nhiều đời, nhưng không ai nhớ rõ năm nào, theo các cụ cao niên, họ biết rằng từ đời ông, cha đã bắt rươi, chế biến các món ăn đặc sản truyền thống từ rươi. Trước đây cả làng cùng đi vớt rươi, nhưng từ khi đặc sản này mang lại giá trị kinh tế cao, các hộ dân đã trải lưới để đánh dấu vùng rươi của từng hộ khoanh nuôi, rươi thuộc ruộng nhà nào, nhà ấy thu hoạch. Thương hiệu rươi Hưng Nhân có tiếng, người tiêu dùng đổ xô đến mua ngày càng nhiều, đặc biệt là xuất khẩu ra nước ngoài, nên giá cả ngày càng cao.
Rươi là loài được dân gian gọi là "rồng đất" bởi có giá trị dinh dưỡng cao, mùa thu hoạch rươi được bà con gọi là mùa hưởng “lộc trời”. Loài này sống dưới lớp bùn lầy gần sông ở một số địa phương, mỗi năm chỉ xuất hiện mấy tháng, từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, mỗi tháng xuất hiện hai lần vào thời điểm 2 con nước chính (từ mồng 1-3 âm lịch và từ 15 - 17 âm lịch). Khi nước thủy triều lên ruộng nhà nào thì gia đình đó dùng lưới cước cao 1,5m, cứ khoảng 2m làm 1 cái cọc cắm chắc xuống đất, và mỗi thửa ruộng của một nhà làm cái đụt rươi dài khoảng 5 mét, khi nước thủy triều xuống con rươi sẽ theo nước trôi vào đó người dân ngồi chổ đụt để thu hoạch rươi dễ dàng, hoặc dùng vợt để vớt rươi. Vào thời điểm này người dân thu hoạch rươi và thương lái đến mua nên cả làng đông vui.
Với đặc tính rươi chỉ sống ở những vùng đất và nước sạch, hoàn toàn tự nhiên không có hóa chất, thuốc hóa học, những năm gần đây người dân Hưng Nhân đã đầu tư cải tạo cánh đồng, tăng cường bón các loại phân hữu cơ hoai sau thu hoạch lúa vụ Hè Thu, cày bữa kỹ trên diện tích ruộng rươi để con rươi có nguồn thức ăn và phát triển.
Do giá trị kinh tế của rươi, cũng như giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương, năm 2021, UBND huyện Hưng Nguyên, Sở Khoa học - Công nghệ và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội thảo khoa học, đánh giá chất lượng, sản lượng và cấp nhãn thương hiệu Ruốc rươi, Chả rươi và rươi tươi xã Châu Nhân. Hiện tại giá 1 chai ruốc rươi 650ml là 600.000đ, 1 miếng chả rươi 0,2 kg là 120.000đ, rươi tươi cấp đông đóng hộp giao động từ 400.000đ - 450.000đ/1kg. Tổng thu nhập từ đặc sản rươi của Châu Nhân hàng năm cũng đạt khoảng 5-6 tỷ đồng.
Trần Duy Ngoãn