Khi HĐND cấp xã cũng ban hành chính sách
Không chỉ nhầm lẫn thể thức giữa nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và nghị quyết không phải là văn bản QPPL, trên thực tế vẫn còn tình trạng HĐND ban hành các quyết sách sai thẩm quyền, chủ yếu diễn ra ở HĐND cấp xã, nhất là các quy định mà HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện được pháp luật phân cấp, phân quyền ban hành trên các lĩnh vực. Thế nhưng khi thực thi, nhiều nơi HĐND đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết dựa trên thực tế của địa phương thay vì quy định của cấp trên, thường thuộc lĩnh vực quy định về thuế, phí, lệ phí…
Đơn cử như Nghị quyết về việc ban hành mức phí vệ sinh môi trường trên địa bàn phường X. HĐND cấp xã không có thẩm quyền ban hành mức phí, lệ phí mà theo Luật Phí và lệ phí năm 2015, thẩm quyền này ở địa phương chỉ có HĐND cấp tỉnh mới được phép quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; xem xét, cho ý kiến để UBND cấp tỉnh đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Lý do Thường trực HĐND phường nọ giải trình do quá trình áp dụng mức phí HĐND tỉnh quy định và UBND tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể quá cao so với địa phương, Nhân dân phản đối không thực hiện, HĐND lấy ý kiến Nhân dân và ban hành mức phí thấp hơn quy định của HĐND tỉnh để dễ thực thi.
Hay như nội dung về quản lý trật tự đô thị, nhiều địa phương mặc dù các bộ, ngành Trung ương đã có thông tư quy định cụ thể nhưng vẫn tự ý ban hành các quy định riêng trái với quy định của cấp trên. Sai phạm này chủ yếu là các quy định nếp sống văn hóa văn minh trong việc cưới, việc tang, trật tự xây dựng, môi trường… Một nội dung sai thường thấy nữa là đó là nhầm lẫn trong thẩm quyền về ban hành chính sách. Một số địa phương, nhất là ở cấp xã HĐND lạm dụng việc sử dụng từ “chính sách” trong nghị quyết của cơ quan dân cử. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, đối với HĐND cấp huyện, cấp xã, luật chỉ cho phép ban hành các biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Chỉ riêng thị xã, thành phố (đô thị) được quyết định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch xây dựng công trình hạ tầng đô thị, giao thông theo quy định của pháp luật (Điều 54). Do đó, HĐND một số địa phương cấp xã ban hành nghị quyết về chính sách là chưa đúng thẩm quyền.
Khó thực thi
Có những quyết sách đúng thể thức, nội dung nhưng lại khó hiểu, thậm chí có những nghị quyết khó thực thi hoặc tính khả thi không cao. Điển hình chính là nhóm nghị quyết về thu hút nhân tài HĐND một số tỉnh, thành phố đã từng ban hành. Đây là chính sách được khá nhiều cử tri, Nhân dân đồng tình bởi tính nhân văn. Nhưng thực tế một số địa phương sau khi thực thi một vài năm, nghị quyết này đã bộc lộ những bất cập. Bất cập đầu tiên phải tính đến là vấn đề “tiền đâu”? Có địa phương nguồn thu còn phụ thuộc vào cân đối của cấp trên thì lấy đâu ra tài chính để thực hiện trong nhiều năm. Bên cạnh đó, quy định biên chế công chức, viên chức hàng năm không thể đáp ứng để tuyển dụng… Do đó, hiện nay có địa phương ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực cũng là những quyết sách HĐND nhiều địa phương ban hành. Tuy nhiên, qua giám sát việc thực thi cho thấy có những chuyên đề việc hấp thụ chủ yếu dành cho nhóm đối tượng nhất định, tính chất bao quát, nhân rộng để các tầng lớp Nhân dân có thể hấp thu, thực thi chưa nhiều. Như nghị quyết hỗ trợ khuyến khích một số nội dung trong cơ chế phát triển nông nghiệp. Sự khống chế về quy mô, công nghệ chỉ có các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn mới đủ điều kiện hấp thu, còn người dân vốn ít, đất nhỏ rất khó tiếp cận. Từ đó, dẫn đến có khá nhiều nội dung hỗ trợ qua tổng kết con số được thụ hưởng rất ít.
Vướng do quy trình
Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết do việc chưa nhận thức rõ các quy định của pháp luật về thẩm quyền, về văn bản… nhất là của đại biểu chuyên trách, các cơ quan của HĐND. Một nguyên nhân nữa là vướng mắc trong chính thực hiện quy trình xây dựng và ban hành quyết sách mà pháp luật quy định, nhất là trình tự ban hành nghị quyết là văn bản QPPL. Thời gian xây dựng nghị quyết quá dài, nếu bảo đảm đầy đủ theo quy trình từ khâu chuẩn bị tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết đến khi kỳ họp HĐND thông qua mất khoảng 140 ngày. Tuy nhiên, quy trình, thời gian thẩm tra dự thảo nghị quyết lại được quy định rất ngắn, các Ban của HĐND chỉ có khoảng 5 - 7 ngày để hoàn tất một quy trình thẩm tra trước khi trình kỳ họp HĐND, ảnh hưởng chất lượng báo cáo thẩm tra - một căn cứ quan trọng để đại biểu thảo luận trước khi quyết định.
Đối với cơ quan soạn thảo, việc tổng kết, đánh giá tình hình thực tiễn trong lĩnh vực được giao quản lý chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; chưa dự ước được mức độ tác động, ảnh hưởng của văn bản sau khi ban hành; chưa có số liệu chứng minh sự cần thiết, tính khả thi của văn bản… dẫn đến một số quy định trong dự thảo văn bản chưa thuyết phục, thiếu tính khả thi. Chất lượng thẩm định của cơ quan tư pháp cũng như việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của UBND và cơ quan tham mưu trình dự thảo nghị quyết là văn bản QPPL chưa bảo đảm, có nội dung, địa phương thực hiện còn sơ sài… Đáng chú ý hơn, vẫn còn nơi, Thường trực, các Ban HĐND chưa thể hiện thái độ kiên quyết, quyết liệt với những nội dung dự thảo nghị quyết, đề án chuẩn bị chưa bảo đảm chất lượng, tính khả thi để bảo đảm chất lượng các quyết sách.
BÌNH NGUYÊN - PHƯƠNG NGUYÊN