bna_hop-qh-ngay-7-5-15.jpg
Toàn cảnh buổi thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong giai đoạn mới

Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các đại biểu cơ bản đồng tình với quan điểm chung, việc sửa đổi lần này là cần thiết, nhưng chỉ nên tập trung vào các nội dung thực sự cấp bách, nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong giai đoạn mới.

Đi vào các nội dung cụ thể, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu ý kiến nên giữ nguyên khoảng 1 Điều 9 hiện hành, do không ảnh hưởng đến cơ cầu tổ chức của Mặt trận Tổ quốc mà chúng ta cần tiến hành sắp xếp trong thời gian sắp tới.

bna_hop-qh-ngay-7-5-17-a40cd8a68eb13a647956d44011e82271.jpg
Đồng chí Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Ở khoản 2, điều 9, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đúng với mặt cơ cấu tổ chức. Bởi vì khi chúng ta nói đến Mặt trận thì đã có các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội này rồi. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị giữ lại từ trong Hiến pháp 2013 hiện hành, đó là thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về điều 10 của dự thảo về sửa đổi, bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam, đại biểu Hoàng Minh Hiếu bày tỏ băn khoăn, cân nhắc về việc bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn: “Là đại diện của người lao động của cấp Quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế với công đoàn”. Bởi vì khi chúng ta nói đến Công đoàn Việt Nam thì chúng ta nói đến công đoàn cùng nhiều cấp khác nhau.

bna_hop-qh-ngay-7-5-14.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, ĐBQH đoàn Nghệ An và đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Liên quan đến việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội được quy định ở khoản 3, Điều 110 của Hiến pháp, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, quy định bỏ mất quyền được đóng góp ý kiến của người dân liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính. Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị giữ lại quyền của người dân trong việc cho ý kiến về việc thành lập giải thể đơn vị hành chính trong quy định trong Hiến pháp.

Phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương

Về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu ý kiến về việc bỏ nội dung, mời người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tham dự các kỳ họp của HĐND, phiên họp của UBND cùng cấp khi bàn các vấn đề liên quan tại khoản 2, Điều 7 của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

bna_hop-qh-ngay-7-5-13.jpg
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nêu, tổ chức chính quyền địa phương trực thuộc Mặt trận Tổ quốc nhưng vẫn có tính độc lập tương đối và thực hiện theo các điều lệ của mình. Cùng với đó, các tổ chức chính trị xã hội này cũng là một tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Nhưng tại khoản 2, Điều 7 này, chúng ta lại bỏ nội dung này nhưng không có lý giải tại sao lại bỏ nội dung này.

Tại khoản 2, Điều 9 của Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 quy định: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hiệp thương, dân chủ, thống nhất, phối hợp hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo nội dung này, để phù hợp với hiến pháp sửa đổi thì đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị để nguyên Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Không nhất thiết bỏ nội dung đó, bởi vì có những nội dung liên quan đối với các tổ chức chính trị xã hội thì cần phải có sự có mặt của họ và mời họ tham gia để trực tiếp có ý kiến.

bna_hop-qh-ngay-7-5-18.jpg
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham dự buổi thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Ngoài ra, đại biểu Võ Thị Minh Sinh còn nêu ý kiến về thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia tách đơn vị hành chính, địa giới và đổi tên đơn vị hành chính tại Điều 9 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho biết, thời gian vừa qua chúng ta đang phân cấp mạnh cho địa phương, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm thì nên chăng xem xét phân cấp thẩm quyền điều chỉnh địa giới, thành lập, giải thể, nhập, chia tách đơn vị hành chính và đổi tên đơn vị hành chính của cấp xã cho HĐND cấp tỉnh, đối với cấp tỉnh thì phân cấp cho Quốc hội.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Võ Thị Minh Sinh, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cần phải xem lại nội dung: Trong trường hợp cần thiết thì UBND, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể trực tiếp chỉ đạo hoặc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ của cấp dưới, khi các đơn vị cấp dưới mà không đủ năng lực thực hiện tại Điều 11. Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, nguyên tắc phân cấp, phân quyền đã xác định rất rõ là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Như vậy, trường hợp tỉnh thấy cấp xã không làm, không thực hiện được nhiệm vụ thì tỉnh có thể có những cách thức khác để thực hiện những nhiệm vụ, không nên thay cấp xã thực hiện những nhiệm vụ.

bna_hop-qh-ngay-7-5-16.jpg
Đại biểu Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, đại biểu Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định UBND cấp tỉnh và cấp xã có cần thiết phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn hay không? Và dự thảo luật cũng không quy định rõ mốc thời gian quy định thế nào là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và trung hạn là bao nhiêu năm.

Trong thực tiễn, các địa phương chủ yếu có xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo nhiệm kỳ của đại hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm là theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Do đó, để thống nhất, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và trung hạn, đồng thời không quy định UBND cấp tỉnh và cấp xã phải ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn.

bna_hop-qh-ngay-7-5-20.jpg
Các đồng chí đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự buổi thảo luận tổ. Ảnh: Thành Cường

Về Luật Cán bộ, công chức, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nhất trí bỏ các điều 26, 27, 28, 29, 30 về điều động luân chuyển, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ; thực hiện đánh giá cán bộ theo vị trí việc làm, bỏ tư duy biên chế suốt đời. Đại biểu Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh, đây là một tư duy tạo thành một điểm nghẽn, làm chậm lại quá trình phát triển, làm cho cán bộ, công chức không có chí tiến thủ, không tự đào tạo nâng cao năng lực của mình.