Tạm biệt quê hương khi 16 tuổi, Nguyễn Tất Thành (tên gọi thời niên thiếu của Bác) cùng cha và anh trai vào Huế. Năm 1911, từ bến cảng Sài Gòn, với tên Văn Ba, Người xuống tàu La Touche Treville, bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước. Sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Tất Thành, lúc này đã là Nguyễn Ái Quốc, quay trở về Việt Nam lãnh đạo phong trào cách mạng và giành độc lập, tự do cho dân tộc vào năm 1945. Nhưng mãi đến mùa hè năm 1957, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động trước khi thay mặt Đảng và Nhà nước đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa đã giúp đỡ nước ta, Bác mới có dịp về thăm các tỉnh quân khu IV, trong đó có quê hương Nghệ An. Bác về thăm trong thời gian ngắn từ tối ngày 13.06.1957 đến ngày 16.06.1957. Thời gian tuy ngắn nhưng Bác tranh thủ từng giờ, từng phút để đến thăm được nhiều nơi, nhiều ngành nghề và nhiều lứa tuổi.
Sáng ngày 14.6, Bác làm việc với Ban chấp hành tỉnh ủy, cán bộ ủy ban hành chính tỉnh, Mặt trận tổ quốc và lãnh đạo các đoàn thể.
14h ngày 14.6, Bác đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện với đại biểu Nhân dân tỉnh nhà. Cảm xúc của những người dân lúc này thật khó tả, vẻ rạng ngời, vui sướng pha lẫn niềm tự hào, kính trọng và biết ơn đối với Bác. Vẫy chào bà con trong tiếng reo hò, phấn khởi “Hồ Chủ tịch muôn năm”, là hình ảnh một cụ già hiền hậu, với bộ quần áo kaki đã sờn bạc, không gian lắng lại khi giọng trầm ấm của Bác cất lên:
“ ... Tôi là một người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu trở về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là:
Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình
Đã lâu về quê hương, thì thường tình người ta tủi tủi, mừng mừng. Tôi không thấy tủi tủi mà chỉ thấy mừng mừng …. Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại … có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang con bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc nói chung, Nghệ An nói riêng, là những công dân tự do, làm chủ nước nhà …”.
Trong buổi nói chuyện, Bác khen ngợi những thành tích vẻ vang mà tỉnh nhà đạt được. Tuy nhiên Bác cũng nhẹ nhàng nói về những khuyết điểm cần khắc phục và đặc biệt là những nhiệm vụ cụ thể cần chú ý thực hành như nộp thuế nông nghiệp, thuế công nghiệp, phải tăng gia sản suất và tiết kiệm, phải phát triển và giữ gìn thuần phong mỹ tục. Bác dặn dò về vấn đề đoàn kết để giành lấy những thắng lợi mới và lớn lao hơn … Bác mong muốn đồng bào thi đua với các tỉnh khác xây dựng để tỉnh ta thành một tỉnh gương mẫu.
Buổi tối, Bác còn dành thời gian nói chuyện với các chuyên gia Liên Xô,
Sang ngày 15.6, Bác đi thăm Hà Tĩnh, thăm nhà máy điện Vinh, thăm trại trẻ miền Nam, thăm và huấn thị bộ đội quân khu 4.
Ngày 16.6, trước khi về thăm quê cha, đất tổ ở Kim Liên, Bác dành thời gian thăm các chiến sỹ bộ đội của sư đoàn 324 và trung đoàn Tây Nguyên đóng ở núi Đụn, Nam Thanh, Nam Đàn. Một điều rất đặc biệt ở Bác, Người chọn về thăm nhà đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày chủ nhật. Không phải với cương vị Chủ tịch nước, không lễ nghi đón tiếp sang trọng, với Bác lúc này là một người con xa nhà, xa quê hương rất lâu, nay về thăm lại quê cha, đất mẹ, thăm lại bạn bè, bà con lối xóm với tình cảm rất đỗi giản dị, thân thương, bồi hồi, xúc động.
Về Kim Liên, việc đầu tiên Bác làm là vào nhà thờ dòng Họ Nguyễn Sinh thắp hương thể hiện lòng tôn kính và biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, một nét đẹp văn hóa của người Việt khi đi xa trở về. Trở ra theo đường chính của làng, Bác trở về ngôi nhà tranh nơi mình gắn bó những năm tháng thời niên thiếu cùng bố và anh trai, chị gái. Dọc đường đi, Bác ân cần hỏi thăm, trò chuyện, qua ngõ nhà cụ cố Phương, một gia đình nghèo nhất làng thời Bác còn sống. Bác dừng lại hỏi: “Nhà cụ cố Phương bây giờ thế nào?” … Đi xa đã hơn 50 năm mà dường như tất cả không gian và những hàn xóm thân thuộc ở đây vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Bác.
Đến gần cổng, các đồng chí lãnh đạo xã, mời Bác vào nghỉ chân ở nhà khách nhỏ 3 gian, lợp ngói mới làm để tiếp khách. Bác cười vui và nói: “Nhà khách là để tiếp khách. Bác là chủ để Bác vào thăm nhà”. Lúc bấy giờ, chưa xác định vị trí cổng nhà Bác, theo lời kể của các cụ già trong làng, cổng nhà Bác được mở gần nhà khách. Trước cổng có đề dòng chữ: “Nhà Hồ Chủ tịch”, nhìn tấm biển, Bác cười nói: “Đây là nhà ông Phó bảng”. Bởi năm 1901, Khi Ông Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Bác đậu học vị Phó Bảng, trước vinh dự đó, dân làng đã góp công, góp của mua ngôi nhà gỗ 5 gian dựng trên mảnh vườn rộng gần 2.500 m2 để mừng cho gia đình. Cây cối trong vườn cũng do dân làng đem đến trồng giúp. Ý Bác muốn nói là nhờ Bố đỗ đại khoa, gia đình Bác mới có được ngôi nhà và mảnh vườn rộng này.
Vào thăm nhà, ngậm ngùi thắp nén hương cho bố mẹ, anh trai, chị gái và em. Bàn thờ lúc này được làm lại khá khang trang, đứng lặng một hồi lâu trước bàn thờ, rất xúc động, nghẹn ngào quay sang Bác nói với bà con: “Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ bố làm cho mẹ chỉ bằng tre thôi, không co chân, chỉ dùng 2 miếng gỗ đóng gá vào 2 bên cột, trên trải chiếu mộc, đồ thờ chỉ là gỗ mộc mà thôi”.
Bước vào gian trong, Bác thăm lại từng kỷ vật, cái còn cái mất, những kỷ niệm tuổi thơ ùa về nhưng những người thân không còn ai nữa. Vẫn còn đó, bộ phả nơi bố nghỉ ngơi, căn buồng kín của chị, chiếc mâm gỗ chỉ dùng khi nhà có khách, chiếc đèn dầu lạc nhỏ, hay chiếc rương gỗ, bộ án thư bố dạy học …. Đứng lặng trước bộ phản nơi anh em Bác từng nghỉ ngơi, mân mê theo mép phản, 1 lúc sau Bác nói: “Bộ phản này, hình như nó ngắn hơn phải không cô chú?” … Trước lúc vào Huế, thương một người nghèo trong họ, Bố Bác đã cho gia đình đó mượn bộ phản, vào mùa đông, gia đình đốt lửa sưới ấm, vô tình làm cháy 1 góc của bộ phản. Khi Đảng và Nhà nước có chủ trương khôi phục, ban quản lý di tích xin phép cưa khoảng 10 phân để 3 tấm cho bằng nhau. Xa quê đã hơn 50 năm, thay đổi rất nhỏ, Bác vẫn còn nhận ra.
Ngày đó, nói chuyện cùng bà con, bác còn bảo: “Nhà Bác còn có một ngôi nhà ngang nữa, Bác nói vậy thôi, cô chú đừng chuộc về mà tốn kém tiền của của dân”. Bác nói vậy, nhưng năm 1959, Ban quản lý di tích vẫn chuộc về và dựng trên nền đất cũ.
Ra thăm sân vườn, nhìn về phía tay phải của mình Bác nói: “Cổng nhà Bác ngày xưa mở lối này, một bên có bờ chè mận hảo, bên kia có hàng dâm bụt. Cổng ra vào có cây ổi đào, trước nhà có cây bưởi, hồi nhà ngang có cây cam, phía sau nhà có hàng cau đẹp …”. Theo lời nhắc của Người, bây giờ di tích đã dựng lại cổng và trồng lại cây cối đã được dựng lên và trồng lại như không gian ngày xưa gia đình Bác từng sống.
Tiễn Bác ra về, Bà con xin phép Bác được trồng hoa trong vườn nhà Bác cho đẹp. Lúc bấy giờ di tích mới khôi phục, vườn nhà Bác dân làng đang trồng rau khoai lang, nhìn những luống hoa khoai, cười vui Bác bảo: “Bác đồng ý trồng hoa nhưng hoa khoai lang vẫn đẹp!”. Ngày đó, hiểu lòng Bác, ai cũng xúc động, Bác muốn cây khoai lang vừa có hoa, có rau và có củ, phục vụ đời sống người dân còn nghèo đói lúc bấy giờ. Cũng kể từ đó, vườn nhà Bác vào mùa nào thức nấy chỉ trồng các loại hoa màu.
Sau đó Người ra sân vận động nói chuyện với Nhân dân xã nhà. Bằng giọng ấm áp, chân tình, Bác hỏi thăm về cải cách ruộng đất, về nạn trộm cắp rượu chè, về trạm y tế xã ... Bác hỏi đồng bào có muốn xây dựng Nam Liên thành một xã gương mẫu không? Bác mong lần sau khi Bác về thăm quê thì đồng bào đã đạt thêm nhiều thành tích mới to lớn hơn. Thăm quê lần đó Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Cán bộ, Nhân dân Kim Liên làm tốt Bác sẽ về thăm". Giữ đúng lời hứa, 4 năm sau, ngày 9 tháng 12 năm 1961, Bác về thăm quê lần thứ 2 và đó cũng là lần cuối cùng, quê hương được đón Bác về thăm.
Những câu chuyện khép lại nhưng những cảm xúc vẫn còn đó. Dẫu xa quê bôn ba tìm đường cứu nước, nhưng sâu thẳm trong trái tim người, vẫn dành một vị trí trang trọng cho quê hương, cho gia đình. Về với quê nhà, chỉ trong thời gian rất ngắn ngủi, nhưng Bác được sống lại những ký ức tuổi thơ êm đềm bên gia đình và bà con lối xóm. Những tình cảm rất đỗi thiêng liêng luôn nằm sâu trong lòng Bác, những nỗi nhớ niềm thương, Người chỉ tạm quên đi bởi bộn bề việc nước.
65 năm kể từ ngày Bác về thăm quê lần đầu tiên, bao năm rồi quê hương vẫn vọng mãi lời Người, để rồi những lời dạy ân cần, thiết tha, trách nhiệm, kỳ vọng … ấy, đã trở thành niềm tin, ngọn lửa soi đường, chỉ lối để Nghệ An vững bước đi lên.
Phan Quý